1.3 .Rủi ro tín dụng trong cho vay tiêu dùng
1.3.1 .Khái niệm rủi ro tín dụng
Trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, cùng với sự phát triển của tín dụng Ngân hàng là sự tăng lên của rủi ro tín dụng. Rủi ro có thể xẩy ra trong bất kỳ một nghiệp vụ nào với những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, việc tìm ra một phương pháp thực hiện hoàn toàn có thể loại trừ được rủi ro tín dụng và có thể đảm bảo được một kết quả tài chính nhất định là một việc không thể thực hiện được. Chúng ta chỉ có thể lường trước và hạ thấp rủi ro đến mức thấp nhất.
Rủi ro tín dụng, theo khái niệm cơ bản nhất, là khả năng khách hàng nhận khoản vốn vay không thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với ngân hàng, gây tổn thất cho ngân hàng, đó là khả năng khách hàng không trả, không trả đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi ngân hàng.
Vì rủi ro tín dụng là khả năng (xác suất) vỡ nợ của khách hàng nên ngân hàng cố gắng “thấy” được càng rõ, càng kỹ, càng tốt. Khách hàng phá sản, lừa đảo, chây ỳ không trả nợ là biểu hiện rõ nhất, bên cạnh đó các khoản nợ không trả được khi đến hạn ở các cấp độ khác nhau cũng thể hiện các khả năng vỡ nợ. Nhiều ngân hàng cho rằng nếu một khoản nợ đến hạn mà không trả được, thì các khoản nợ khác chưa đến hạn cũng được coi là rủi ro. Thậm chí, dù nợ chưa đến hạn, hoặc đến hạn vẫn trả được, song tình hình tài chính yếu kém, môi trường kinh doanh có biến động không thuận lợi cho khách hàng, thì khoản nợ đó cũng được coi là có rủi ro.
Hiện nay, nhờ chú trọng đến công tác cho vay, nhiều tổ chức tín dụng luôn mở rộng phạm vi cho vay, tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn đảm bảo khả năng thu hồi nợ đúng hạn, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro, tổn thất có thể xảy ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tổ chức tín dụng đang rất khó khăn, nợ quá hạn cũ chưa thu được nợ quá hạn mới lại tiếp tục phát sinh với số lượng ngày càng lớn hơn, làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động.
Căn cứ vào Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động Ngân hàng của tổ chức tín dụng (Ban hành theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của Ngân hàng Nhà nước) thì
“Rủi ro tín dụng trong hoạt động Ngân hàng (sau đây gọi tắt là rủi ro) là tổn thất có khả năng xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình theo cam kết”
Trong nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh và biến động, nhu cầu về vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, cải tiến trang thiết bị kỹ thuật, nâng cao công nghệ và các nhu cầu khác phục vụ sản xuất kinh doanh luôn tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu này, các NHTM cũng phải luôn mở rộng quy mô hoạt động tín dụng, điều đó có nghĩa là rủi ro tín dụng cũng phát sinh nhiều hơn. Vấn đề là Ngân hàng chỉ được mở rộng hoạt động tín dụng trên cơ sở nâng cao chất lượng tín dụng. Có như vậy Ngân hàng mới có thể phòng ngừa rủi ro tín dụng và hạn chế hậu quả của nó đến mức thấp nhất.
Lĩnh vực cho vay tiêu dùng là lĩnh vực cho vay có rủi ro cao do đó vấn đề rủi ro tín dụng trong cho vay tiêu dùng là vấn đề đặc biệt cần được quan tâm và giám sát chặt chẽ từ các đơn vị kinh doanh. Tính rủi ro cao trong cho vay tiêu dùng được thể hiện ngay tại chính các đặc điểm của lĩnh vực cho vay này cụ thể như:
+ Khách hàng vay là cá nhân nên chất lượng thông tin tài chính của khách hàng không cao. Với doanh nghiệp thì ngân hàng có thể đánh giá khả năng trả nợ qua báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm, qua đó nắm được tình hình sản xuất kinh doanh, tuy nhiên với khoản vay cá nhân, khoản vay cho hộ gia đình tiêu dùng thì việc đánh giá khả năng trả nợ rất khó. Ngoài việc chứng minh từ lương thì một số nguồn thu nhập ngoài hay lợi nhuận từ quy mô kinh doanh cá thể cán bộ tín dụng chỉ có thể đánh giá và suy đoán dựa trên nhận định cá nhân chứ không có nhiều bằng chứng rõ ràng. Nguồn trả nợ phụ thuộc không chỉ vào quá trình làm việc và còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, tài năng và sức khỏe của người vay…Trong trường hợp người vay mất việc làm, bị ốm hay bị chết sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến
việc trả nợ Ngân hàng.
+ Tư cách, phẩm chất của khách hàng vay rất khó xác định. Việc đánh giá tư cách khách hàng phải dựa trên đánh giá và kinh nghiệm của cán bộ tín dụng. Trong trường hợp cán bộ tín dụng không đi sâu tìm hiểu tư cách khách hàng từ một số quan hệ xã hội sẽ khó phát hiện ra các tư cách phẩm chất cũng như các hành vi xấu của khách hàng như nghiện ngập, cờ bạc, nợ nần nhiều…Trong cho vay tiêu dùng thì việc trả nợ phụ thuộc chính vào tư cách của người vay, khách hàng vay có tư cách tốt sẽ thực hiện việc trả nợ đầy đủ đúng hạn đồng thời hợp tác với Ngân hàng xử lý nợ trong trường hợp rủi ro xảy ra, ngược lại khách hàng có tư cách kém sẽ hay phát sinh việc chậm trả nợ và thường bất hợp tác với ngân hàng khi xử lý nợ quá hạn.
+ Các khoản vay tiêu dùng tín chấp có độ rủi ro cao nhất vì bảo đảm cho khoản vay chính là uy tín của khách hàng, không có tài sản bảo đảm do đó khi rủi ro xảy ra sẽ không có tài sản bảo đảm để phát mại.
+ Các khoản vay tiêu dùng thường có quy mô nhỏ nên trong trường hợp nếu cá nhân không trả được các khoản vay tiêu dùng ngân hàng chỉ còn cách khởi kiện, chi phí khởi kiện rất lớn, đây cũng là rủi ro của ngân hàng.
Sau khi đánh giá sơ bộ về mức độ rủi ro trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng tác giả tiếp tục nghiên cứu chi tiết về phân loại rủi ro, ảnh hưởng rủi ro cũng như các nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong lĩnh vực này để có thể đề xuất các giải pháp phù hợp tại các chương nghiên cứu tiếp theo.