Mọi hoạt động quản trị suy cho cùng đều là quản trị con người. Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, yếu tố con người lại càng quan trọng bởi con người tham gia vào tất cả các khâu của hoạt động quản trị nói chung và quản trị rủi ro tín dụng cho vay KHCN nói riêng. Do vậy để giải quyết tốt các tồn tại của chi nhánh thì chủ yếu vẫn là ở mỗi nhân viên tín dụng nên việc duy trì và phát triển nguồn nhân lực là rất cần thiết. Mặc dù không phải lúc nào ngân hàng cũng tuyển nhân viên mới, cũng đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ (sẽ khiến tăng chi phí và mất thời gian) nhưng một khi thực hiện các công tác này cần có kế hoạch và đạt được kết quả nhất định.
+ Tuyển dụng nhân lực mới
Trong hoạt động này, yếu tố thái độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp phải được xem xét đầu tiên. Điều này sẽ giúp ngân hàng có được đội ngũ nhân viên đam mê với nghề và có đạo đức trong công việc.
+ Cử nhân viên tham gia các lớp đào tạo, nghiệp vụ, hội thảo chuyên đề được Hội sở bố trí, tổ chức để các cán bộ nhân viên có thể nắm bắt kịp thời quy chế,
chính sách, đồng thời nâng cao trình độ cho cán bộ nhân viên, giúp họ phát huy năng lực trong công tác, hoàn thành tốt công việc được giao. Đặc biệt, công tác đào tạo phải chú ý đào tạo chuyên sâu và toàn diện về các mặt như: pháp luật, tài chính, kế toán...
+ Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cần có cơ chế kiểm tra trình độ nhân viên để tìm hiểu năng lực, sở trường của các cán bộ tín dụng để đề bạt, bố trí và quản lý sử dụng cán bộ tham gia nghiệp vụ này phù hợp. Đối với cán bộ tín dụng, phòng cần xây dựng quy chế thưởng phạt rõ ràng nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm. Đối với cán bộ có thành tích xuất sắc, cần biểu dương, khen thưởng cả về vật chất lẫn tinh thần, kể cả việc nâng lương trước hạn hoặc đề bạt lên đảm nhiệm ở vị trí cao hơn. Đối với cán bộ có sai phạm, tùy theo tính chất, mức độ mà có thể giáo dục thuyết phục hoặc phải xử lý kỷ luật. Có như vậy, không những kỷ cương trong hoạt động tín dụng và uy tín của ngân hàng sẽ ngày càng nâng cao mà chất lượng tín dụng chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể.