1.3 .Rủi ro tín dụng trong cho vay tiêu dùng
1.3.2 .Phân loại rủi ro tín dụng
Căn cứ theo các đặc điểm của cho vay tiêu dùng thì rủi ro tín dụng cho vay tiêu dùng có thể phân theo môt số loại sau:
a) Căn cứ theo nguồn gốc hình thành rủi ro
Rủi ro giao dịch: là rủi ro liên quan đến một khoản tín dụng, do những hạn chế trong quá trình giao dịch, xét duyệt và đánh giá khách hàng.
Rủi ro danh mục: là rủi ro liên quan đến danh mục các khoản vay, do những hạn chế trong quản lý danh mục tín dụng của ngân hàng.
b) Căn cứ theo tính chất
Rủi ro khách quan: do các nguyên nhân khách quan gây ra, gây thất thoát vốn mặc dù cả ngân hàng và người đi vay đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý và sử dụng khoản vay.
Rủi ro chủ quan: đây là rủi ro thuộc về lỗi của ngân hàng hoặc bên đi vay vì vô tình hoặc cố ý gây ra. Nếu có những biện pháp hợp lý có thể khắc phục hoặc hạn chế được loại rủi ro này..
c) Căn cứ theo giai đoạn phát sinh
Rủi ro trong thẩm định: là rủi ro mà ngân hàng đánh giá sai khách hàng, xảy ra trong quá trình thẩm định khoản vay. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu thông tin về khách hàng.
Rủi ro khi cho vay: là rủi ro xảy ra khi giải ngân vốn sai mục đích làm cho khoản vay không phát huy hiệu quả. Có thể phát sinh trong quá trình đưa ra quyết định cho vay khi thiếu thông tin hoặc có sự luồn lách, hỗ trợ của cán bộ tín dụng để cung cấp vốn sai quy định cho khách hàng.
Rủi ro trong quản lý, thu hồi nợ: là rủi ro phát sinh do quá trình giám sát thu hồi nợ, không theo dõi khách hàng thường xuyên để họ sử dụng vốn vay không đúng mục đích hay không hiệu quả..
d) Căn cứ theo mức độ tổn thất
Rủi ro đọng vốn (rủi ro do không hoàn trả nợ đúng hạn): hay còn gọi là rủi ro quá hạn, rủi ro bất động hóa. Rủi ro đọng vốn là rủi ro mà khi đến thời hạn trả nợ mà Ngân hàng vẫn chưa thu hồi được vốn vay đúng hạn như cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Rủi ro mất vốn (rủi ro do không có khả năng trả nợ): là rủi ro xảy ra khi người vay đã mất khả năng trả nợ cho Ngân hàng. Điều này cho thấy vốn của các TCTD đã cấp ra nhưng không có khả năng thu hồi về, trường hợp này làm cho các TCTD bị mất vốn.
Ngoài ra, còn có thể phân loại theo mục đích vay, xuất xứ tín dụng, mức độ tín nhiệm với khách hàng… Như vậy, việc phân loại rủi ro tín dụng rất đa dạng, tuỳ
thuộc vào mục đích nghiên cứu, phân tích. Việc làm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thiết lập chính sách, qui trình, thủ tục và cả mô hình tổ chức quản trị và điều hành nhằm bảo đảm nhận biết đầy đủ các yếu tố gây ra rủi ro và phân biệt trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ phận, giữa các khâu trong toàn bộ quá trình thẩm định, cấp cho vay, giám sát thu hồi nợ và xử lý khoản nợ nếu nó có dấu hiệu bất thường [6].