Với nền kinh tế Mỹ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Khủng hoảng thị trường khoản vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ và những đề xuất cho Việt Nam (Trang 136 - 140)

Cuộc khủng hoảng trên thị trường khoản vay thế chấp Mỹ đã gây nên những hậu quả nặng nề với nền kinh tế Mỹ. Với nguồn gốc sâu sa từ việc cho vay thế chấp dưới chuẩn, cuộc khủng hoảng đã tạo ra một sự lan truyền khủng hoảng trên thị trường bất động sản – tài chính. Trên thị trường tài chính, các ngân hàng lần lượt công bố báo cáo lỗ hàng tỷ USD, thậm chí nhiều ngân

hàng đã bị rơi vào tình trạng cạn kiệt vốn, mất khả năng thanh toán và phải đệ đơn xin được phá sản theo luật Phá sản của Mỹ. Chính phủ Mỹ đã phải cứu nhiều ngân hàng và công ty lớn để ngăn chặn sự sụp đổ mang tính chất dây chuyền. Tiêu biểu, vào tháng 3/2008 Cục dự trữ Liên Bang đã đứng ra bảo lãnh 30 tỷ USD các khoản nợ phải trả của Bear Stearns để tạo điều kiện cho JP Morgan Chase mua lại ngân hàng này. Vào đầu tháng 9/2008, nhằm cứu nguy cho Fannie Mae và Freddie Mac- hai công ty được chính phủ bảo trợ và đã đổ rất nhiều vốn vào thị trường khoản vay thế chấp, Bộ Tài chính Mỹ đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp lên tới 200 tỷ USD. Tiếp đó, vào giữa tháng 9, để ngăn chặn khủng hoảng tràn lan, FED lại tiếp tục khẩn cấp cứu nguy cho AIG bằng cách cung cấp khoản vay 85 tỷ USD, giúp AIG thoát khỏi phá sản. Nguyên nhân sâu sa của việc cứu AIG là do AIG đã bán quá nhiều bảo hiểm CDS cho các nhà đầu tư MBS nên khi thị trường bất động sản bị vỡ, AIG phải chi ra rất nhiều để trả cho các hợp đồng bảo hiểm. Vì AIG có quy mô hoạt động toàn cầu (bán bảo hiểm đủ loại trên 100 nước trên thế giới) nên nếu để AIG bị phá sản thì sẽ ảnh hưởng xấu tràn lan khắp nơi. Việc cứu nguy cho AIG được coi là bắt buộc để ngăn chặn đà lan truyền của khủng hoảng. Ngoài những ngân hàng đã được chính phủ cứu, rất nhiều ngân hàng khác đã không thể trụ vững trong đợt khủng hoảng và bị phá sản.Trong khi cả năm 2007 chỉ có 3 ngân hàng Mỹ bị các nhà chức trách cho đóng cửa thì riêng kể từ năm 2008 tới giữa tháng 3/2009 đã có 50 ngân hàng bị đóng cửa, trong đó chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2009 con số này là 25 ngân hàng. Tính đến giữa tháng 10/2009, con số ngân hàng bị phá sản đã lên tới 106 ngân hàng. Số lượng ngân hàng bị đóng cửa tăng mạnh đã làm cho quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang FDIC bị suy giảm nhanh chóng. Nếu như cuối năm 2007 quỹ này còn 52,4 tỷ USD thì đến cuối năm 2008, quỹ này chỉ còn 18,9 tỷ USD. Theo

FDIC ước tính, trong khoảng thời gian 2009-2013, cơ quan này sẽ phải chi tới 100 tỷ USD để giải quyết các vụ đổ vỡ trong ngành ngân hàng.

Khủng hoảng trên thị trường khoản vay thế chấp Mỹ còn ảnh hưởng nặng nề tới GDP của Mỹ. GDP Mỹ – tổng sản phẩm quốc nội, chỉ số đo tổng giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ trong lãnh thổ Mỹ đã sụt giảm mạnh.

Bảng 2.2. Thống kê theo quý các thành phần tạo ra GDP từ năm 2007 -2008

Nguồn: http://www.sanotc.com.vn

Nhìn vào bảng 2.2 ta thấy, nếu như ở quý II/2008, GDP của Mỹ là 2.8% thì quý III/2008 chỉ số này là -0.5% và sang quý IV/2008, chỉ số này sụt giảm mạnh xuống mức -6.2%. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ quý I/1982. Mức sụt giảm mạnh của GDP chủ yếu là do sự sụt giảm của xuất khẩu và người tiêu dùng cắt giảm mạnh chi tiêu xuống mức thấp nhất trong 28 năm vì suy thoái. Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm 2/3 các hoạt động kinh tế trong nước đã giảm 4.3%, mức giảm mạnh nhất kể từ quý II/1980. Xuất khẩu giảm 23.6%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1971. Mức đầu tư kinh doanh giảm 21.1%, mức giảm mạnh nhất từ 1975 so với mức mức dự báo giảm

19.1%. Đầu tư nhà ở cũng giảm 22.2% trong quý IV/2008. Mức sụt giảm của GDP quý IV/2008 đã đưa mức tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2008 về 1.1%, mức thấp nhất kể từ năm 2001.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng trên thị trường khoản vay thế chấp Mỹ còn có thể nhìn thấy rõ thông qua các con số về tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ.

Biểu đồ 2.5. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ từ năm 1990 - đầu 2009

Nguồn: Bộ Lao động Mỹ (2009)

Biểu đồ 2.5 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay, đặc biệt là 2 tháng đầu năm 2009. Theo Bộ Lao động Mỹ, số lượng người mất việc trong tháng 2/2009 là 651 nghìn người, tỷ lệ này trong tháng 12/2008 và tháng 1/2009 tương ứng là 655 nghìn người và 681 nghìn người. Trong các tháng tiếp theo của năm 2009, số người thất nghiệp hàng tháng của Mỹ có giảm đi đôi chút nhưng vẫn ở mức cao, gần 140 nghìn người/tháng, con số này trở lại đỉnh điểm vào tháng 10/2009 với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới hai con số, ở mức 10,2% - đây là mức thất nghiệp cao nhất tại Mỹ kể từ tháng 4/1983. Tính đến hết tháng 10/2009, số người thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới 15,7 triệu người. Kể từ khi cuộc khủng hoảng trên thị

trường khoản vay thế chấp dưới chuẩn xảy ra và nền kinh tế Mỹ bắt đầu rơi vào suy thoái, số lao động thất nghiệp tại Mỹ đã tăng thêm 8,2 triệu người trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng thêm 5,3%. Đây là dấu hiệu cho thấy sẽ có thêm nhiều người Mỹ bị tịch biên nhà, phải xin đăng ký trợ cấp thấp nghiệp và nền kinh tế Mỹ sẽ phải nỗ lực đối mặt với nhiều thách thức để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Khủng hoảng thị trường khoản vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ và những đề xuất cho Việt Nam (Trang 136 - 140)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)