5. Kết cấu của đề tài
1.1. Cơ sở lí luận về Tiền gửi tiết kiệm tại NHTM và Mô hình kiểm soát 3 lớp
1.1.4. Trục lợi sổ/thẻ tiết kiệm
1.1.4.1. Khái niệm
Gửi tiết kiệm tại ngân hàng được cho là phương thức lưu giữ, đầu tư an toàn nhất cho tiền của người dân. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, những vụ mất tiền tiết kiệm với giá trị lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng liên tiếp xảy ra, mà đứng về phía góc độ quản trị rủi ro, chúng ta gọi đó là "trục lợi sổ/thẻ tiết kiệm".
Pháp luật Việt Nam không có định nghĩa riêng về hành vi "trục lợi". Theo từ điển tiếng Việt giải thích, “trục lợi” là hành vi kiếm lợi riêng một cách không chính đáng/ bất hợp pháp. Hành vi trục lợi thuộc nhóm hành vi gian lận (fraud), là hành vi cố ý, thường liên quan đến các hoạt động lừa dối, giả mạo, chiếm đoạt hoặc cấu kết chiếm đoạt tài sản một cách bất hợp pháp.
Với tính chất cố ý, mục đích bất chính, và được thực hiện bởi nhân tố con người trong nội bộ TCTD, trục lợi sổ tiết kiệm là hành vi thuộc nhóm rủi ro hoạt động (Như đã đề cập tại Mục 1.1.3.1: là do quy trình nội bộ không đầy đủ hoặc chưa chính xác, con người có trình độ chuyên môn hoặc đạo đức kém, các hệ thống máy móc hoạt động chưa thông suốt, chính xác…)
1.1.4.2. Chủ thể trục lợi sổ tiết kiệm
Chủ thể tham gia quy trình gửi và rút tiền tiết kiệm tại NHTM gồm có: (i) khách hàng gửi tiền; (ii) nhân viên các cấp có liên quan của ngân hàng; và (iii) pháp nhân NHTM đó.
Rõ ràng, việc trục lợi từ phía (i) chính khách hàng là rất khó xảy ra, do NHTM có quy trình chặt chẽ, nhân sự chuyên nghiệp và một hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh để bảo vệ mình. Khách hàng khó có thể tự mình gian dối hay chiếm đoạt liên quan đến sổ tiết kiệm. Về phía (iii): NHTM là một tổ chức kinh doanh tiền tệ, lấy uy tín làm đầu, ngoài ra có cả hệ thống luật pháp răn đe thì không thể trục lợi tài sản của khách hàng được. Như vậy, hành vi trục lợi sổ tiết
kiệm thông thường có chủ thể thực hiện là (ii): nhân viên các cấp có liên quan
của ngân hàng. Trong mô hình 3 lớp phòng thủ thì các cấp nhân viên có thể trục lợi là cấp thuộc lớp 1 và lớp 2 của mô hình này.
Một số ít trường hợp có sự tham gia của chủ thế thứ (iv): người quen của khách hàng hoặc người nhặt được sổ tiết kiệm bị thất lạc/ ăn trộm sổ tiết kiệm do chủ sở hữu bảo quản không tốt... Tuy nhiên, để trục lợi, chiếm đoạt được sổ tiết kiệm thì chủ thể này phải qua mặt được: (i) khách hàng, (ii) nhân viên các cấp của ngân hàng, và (iii) hệ thống các quy định, công cụ bảo vệ của NHTM, nên trường hợp này rất khó xảy ra.
1.1.4.3. Hình thức trục lợi sổ tiết kiệm
Các chủ thể trục lợi sổ tiết kiệm chiếm đoạt sổ tiết kiệm và sử dụng không được sự chấp thuận của khách hàng, dưới 2 hình thức:
- Chiếm đoạt trực tiếp: các đối tượng phạm tội rút tiền trực tiếp từ sổ tiết kiệm của khách hàng một cách phi pháp để sử dụng cho mục đích riêng. - Chiếm đoạt gián tiếp: các đối tượng phạm tội không rút tiền từ sổ tiết
kiệm mà sử dụng sổ để cầm cố, đảm bảo cho các khoản vay và rút tiền dưới hình thức vay.
1.1.4.4. Nhóm các hành vi trục lợi sổ tiết kiệm
a. Ở khâu gửi tiền
- Nhân viên ngân hàng nhận tiền của khách hàng nhưng không nộp quỹ - Nhân viên ngân hàng đưa sổ/thẻ tiết kiệm giả cho khách
- Khách hàng không trực tiếp mở sổ mà nhờ người khác mở hộ
- Khách hàng VIP không giao dịch tại quầy, thường đòi hỏi "chế độ riêng" nhanh chóng và ít thủ tục
- Khách hàng ham lãi suất cao (gồm cả lãi ngoài hợp đồng) nên dễ chấp thuận các điều kiện bất lợi hoặc tham gia vào các thỏa thuận rủi ro
- Gửi tiền trước, nhận sổ sau…
b. Ở khâu rút tiền
- Khách hàng ký trước, để trống nội dung (ký khống) - Thông đồng giữa giao dịch viên và kiểm soát viên
- Thông báo giả mạo của ngân hàng để khách chuyển kỳ hạn mới trước hạn với lãi suất cao hơn
- Rút gián tiếp thông qua việc cầm cố bằng sổ tiết kiệm để vay tiền
1.1.4.5. Trục lợi trong môi trường đặc thù của ngành ngân hàng
- Đối với ngành ngân hàng, đối tượng giao dịch là tiền và các giấy tờ có giá => hấp dẫn kẻ trục lợi do tài sản chiếm đoạt được là có tiền ngay
- Số lượng giao dịch rất nhiều => khó kiểm soát hết
- Mạng lưới rộng, khó vươn tới => các vụ trục lợi chủ yếu xảy ra ở các chi nhánh nhỏ, các phòng giao dịch
- Giao dịch bằng giấy tờ (hard copy) còn nhiều => khó kiểm soát hết bằng công nghệ tự động
1.1.4.6. Quản trị rủi ro trục lợi Sổ/ Thẻ tiết kiệm
Như đã đề cập tại Mục 1.1.3.1, việc khách hàng bị chiếm đoạt sổ tiết kiệm là một biểu hiện của rủi ro hoạt động, mà nguyên nhân chủ yếu do con người nội bộ gây ra, và trong quy trình có kẽ hở để những kẻ gian đó có điều kiện trục lợi. Hầu hết các vụ trục lợi sổ tiết kiệm đều có điểm chung là niềm tin bị lợi dụng,
quy trình đầy đủ bị bỏ qua một số bước: niềm tin thiếu thận trọng của khách hàng
với nhân viên ngân hàng, niềm tin mù quáng giữa các nhân viên ngân hàng với nhau. Các ngân hàng đã nhận thức và nhận diện được rủi ro này. NHTM thiết kế các thủ tục kiểm soát chéo, kiểm soát theo lớp (mô hình kiểm soát 3 lớp) để hạn chế và loại trừ rủi ro. Trên các chứng từ giao dịch gửi, rút tiền tại các NHTM đều có thiết kế đầy đủ các nội dung liên quan, các chữ ký của các cá nhân bộ phận liên quan (sẽ làm rõ tại Mục 4.1.3 dưới đây). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hành vi gian lận có tính chất cố ý đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi các đối tượng rất am hiểu nghiệp vụ ngân hàng (là người nội bộ) nên các chốt chặn kiểm soát vẫn có thể bị qua mặt, lừa dối hoặc vô hiệu hóa.