2.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và tiềm năng phát triển loại hình du lịch
2.1.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của Hà Nội ảnh hưởng đến phát triển loạ
đến phát triển loại hình du lịch lễ hội
2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên
Nằm chếch về phía tây bắc của trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hà Nội có vị trí từ 20°53' đến 21°23' vĩ độ Bắc và 105°44' đến 106°02' kinh độ Đông, tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc, Hà Nam, Hòa Bình ở phía Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên phía Đông, Hòa Bình và Phú Thọ phía Tây. Hà Nội cách thành phố cảng Hải Phòng 120 km. Sau đợt mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8 năm 2008, thành phố có diện tích 3.324,92 km². Mật độ dân số trung bình: 1979 người/km² với tổng dân số toàn tỉnh theo thống kê năm 2010 là 6.561.900 người.
Địa hình Hà Nội thấp dần theo hướng từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông với độ cao trung bình từ 5 đến 20 mét so với mực nước biển. Ba phần tư diện tích tự nhiên của Hà Nội là đồng bằng. Phần diện tích đồi núi phần lớn thuộc các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai với các đỉnh núi cao như Ba Vì (1.281m), Gia Dê (707m), Chân Chim (462m), Thanh Lanh (427m), Thiên Trù (378m).
Khí hậu Hà Nội tiêu biểu cho vùng Bắc Bộ với đặc điểm của khí hậu cận nhiệt đới ẩm, mùa hè nóng, mưa nhiều và mùa đông lạnh, ít mưa về đầu mùa và có mưa phùn về nửa cuối mùa. Một đặc điểm rõ nét của khí hậu Hà Nội là sự thay đổi và khác biệt của hai mùa nóng, lạnh. Mùa nóng kéo dài từ tháng 5 tới tháng 9, kèm theo mưa nhiều, nhiệt độ trung bình 28,1°C. Cùng với hai thời kỳ chuyển tiếp vào tháng 4 (mùa xuân) và tháng 10 (mùa thu), Hà Nội có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu và đông.
Là thành phố thủ đô và có vị trí ở khu vực trung tâm của miền Bắc, bên cạnh con sông Hồng, giao thông từ Hà Nội đến các tỉnh khác của Việt Nam tương đối thuận tiện, bao gồm cả đường không, đường bộ, đường sắt và đường thủy.
2.1.2.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Hà Hội là mảnh đất đắc địa, là tụ điểm của các trục giao thông lớn của miền Bắc và cả nước, cả đường sắt, được bộ và đường sông, đường hàng không. Điều đó rất thuận lợi cho việc mở rộng các quan hệ kinh tế. Chính vì có lợi thế là tụ điểm của các trục giao thông lớn và đóng vai trò vị trí “trung chuyển” này mà nhu cầu về nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ kèm theo của các loại khách vãng lai của Hà Nội rất lớn.
Với lợi thế là Thủ đô, hàng năm Hà Nội đón hàng triệu lượt người đến viếng thăm. Tình hình chính trị ổn định trong nước và Thủ đô Hà Nội đã tạo ra một trong những mặt hấp dẫn trong phục vụ khách du lịch. Hà Nội là nơi đặt trụ sở của các cơ quan đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, đây là lợi thế đặc biệt quan trọng của Hà Nội trong việc phát triển xây dựng các công trình du lịch – dịch vụ. Bởi lẽ tất cả các đoàn, các nhà doanh nghiệp nước ngoài muốn vào Việt Nam đầu tư, liên doanh, hợp tác kinh tế ... đều qua Hà Nội để làm các thủ tục hành chính, pháp lý cần thiết. Vì vậy, nhu cầu về khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ du lịch kèm theo cho khách nước ngoài tại Hà Nội tăng lên.
Thủ đô Hà Nội có hàng trăm sứ quán và đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, nhiều chuyên gia người nước ngoài thường xuyên cư trú có nhu cầu du lịch rất lớn. Hà Nội đón nhận hàng trăm đoàn khách Chính phủ và phi Chính phủ của nước ngoài ... và do đó cũng góp phần tăng nhu cầu về các dịch vu du lịch. Việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới WTO vào năm 2007, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được chính thức thiết lập thì số du khách nước ngoài vào Việt Nam cả thể loại công vụ và giải trí ngày càng đông đảo hơn.
Hà Nội có các trung tâm văn hóa lớn, trước hết phải nói đến sự tập trung của 75 trường đại học và 53 trường cao đẳng, cao đẳng nghề (bao gồm cả các trường
thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo và các trường thuộc Bộ, Ngành), 50 trường đào tạo chuyên nghiệp với tổng số 62.065 học sinh, sinh viên. Mỗi năm, trên địa bàn Hà Nội có hàng ngàn cuộc hội thảo khoa học trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh đó là các công trình văn hóa khác như: cung văn hóa, Thư viện, nhà hát, phòng trưng bày triển lãm nghệ thuật là những sức hút du khách có trình độ văn hóa cao. Thông thường những du khách này du lịch công vụ kết hợp du lịch tham quan giải trí, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đất Hà thành.
Hà Nội là thành phố có các công trình thể thao, vui chơi giải trí mang tầm cỡ quốc gia như sân vận động Mỹ Đình, khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, sân vận động Hàng Đẫy, nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, công viên Thống Nhất, vườn thú Thủ Lệ, thiên đường Bảo Sơn, cụm du lịch Sơn Tây – Ba Vì, cụm chùa Hương, cụm Hà Đông và phụ cận. ... giúp cho du khách sử dụng triệt để hơn thời gian lưu lại và cảm thấy chuyến đi của mình bổ ích hơn.
Sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội đạt được những kết quả quan trọng. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch – văn minh” được đẩy mạnh kết hợp với việc thực hiện phong trào xây dựng Thủ đô văn minh – xanh – sạch đẹp. Những công tác này cũng góp phần công sức đáng kể tạo điều kiện thu hút và giữ chân du khách.