Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển loại hình du lịch lễ hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển loại hình du lịch lễ hội trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 36 - 40)

1.2. Phát triển loại hình du lịch lễ hội

1.2.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển loại hình du lịch lễ hội

hội

1.2.4.1. Các nhân tố thuộc về môi trường bên ngoài của chính quyền cấp tỉnh/thành phố

a. Các lễ hội

Lễ hội và du lịch như một nhân duyên gắn bó với nhau rất chặt chẽ. Thực tế đã cho thấy ở địa phương nào có nhiều lễ hội đặc biệt là những lễ hội lớn có tầm ảnh hưởng rộng hoặc những lễ hội mang nét độc đáo thể hiện sắc thái riêng về văn hóa tộc người thì càng thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham dự. Ảnh hưởng của lễ hội đối với các hoạt động du lịch được thể hiện cụ thể trên các mặt:

- Những lễ hội cổ truyền Việt Nam thông thường là lễ hội thường niên , diễn ra đều đặn hàng năm : xuân thu nhị ḱì , theo mùa vụ nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp. Chính vì tính mùa vụ của lễ hội nên dẫn đến du lịch lễ hội cũng mang tính thời vụ rõ rệt. Vào mùa vụ chính, khách du lịch lễ hội thường rất đông song ngược lại, lúc trái vụ khách du lịch lại giảm xuống đột ngột.

- Lễ hội làm hấp dẫn, đa dạng và phong phú các chương trình du lịch văn hóa, thu hút đông đảo nhiều đối tượng khách du lịch đến với các công ty du lịch, các địa

phương nơi diễn ra lễ hội, từ đó làm tăng doanh thu của các công ty du lịch và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

- Lễ hội là cơ sở quan trọng để phát triển các loại hình du lịch. Khi du lịch chưa phát triển, các lễ hội chỉ được coi như một loại hình tín ngưỡng, giải trí cho người dân địa phương. Đến nay, du lịch đã và đang khai thác các lễ hội, biến chúng thành một loại tài nguyên có giá trị. Những người làm du lịch có thể khai thác lễ hội trong các loại hình du lịch như du lịch giải trí, du lịch văn hóa, du lịch nghiên cứu, đặc biệt là du lịch lễ hội.

b. Nhu cầu tham gia lễ hội của khách du lịch

Du lịch lễ hội, đặc biệt là lễ hội truyền thống, là một trong những nét hấp dẫn với du khách, cung cấp cho họ một góc nhìn mới về con người và vùng đất nơi đó. Mặt khác, đây là một loại tài nguyên liên quan đến con người và sự tương tác giữa con người. Du khách có thể đi tham quan chùa, lễ Phật, tham gia vào các trò chơi. Khi đó, họ được thỏa mãn nhu cầu về tâm linh và giải tỏa trạng thái căng thẳng.

Khách du lịch phương Tây nói chung thích được khám phá nền văn hóa phương Đông huyền bí, có nhiều điểm khác biệt so với nền văn hóa, truyền thống của họ. Việt Nam là một điểm đến có tên trong những chuyến hành trình đó. Sự đa dạng của các lễ hội trải dài trên các vùng miền là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch hướng tới những đối tượng khách này.

Ngay chính bản thân người Việt Nam, khách du lịch Việt Nam cũng mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về các lễ hội đó. Đây thực sự là cơ hội cho loại hình du lịch lễ hội được phát huy mạnh mẽ.

c. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lễ hội

Nhiệm vụ chính của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lễ hội là: tổ chức các tour du lịch lễ hội, cho thuê xe, bố trí hướng dẫn viên, phục vụ các nhu cầu thiết yếu của du khách (ăn, nghỉ, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, …). Do vậy, các doanh nghiệp này đóng góp vai trò rất quan trọng với loại hình du lịch lễ hội. Họ là cầu nối giữa du khách thập phương, trong và ngoài nước với các lễ hội, các quần thể di tích danh thắng. Một khi những doanh nghiệp này hoạt động tích cực, hiệu quả,

đảm bảo sự hài lòng của du khách thì chắc chắn du lịch lễ hội sẽ được phát triển mạnh mẽ theo định hướng du lịch bền vững. Ngược lại, nếu tại một số địa phương vẫn còn tồn tại những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lễ hội theo hướng “ăn sổi ở thì”, dịch vụ nghèo nàn, không được đầu tư chuyên nghiệp, không tận tâm tận lực thì những địa phương đó sẽ rất khó có thể phát triển du lịch lễ hội một cách mạnh mẽ và bền vững, xứng đáng với tiềm năng vốn có của mình.

d. Cư dân địa phương

Nhận thức, trách nhiệm và trình độ văn hóa, ứng xử của những người dân địa phương nơi diễn ra các hoạt động lễ hội đóng vai trò rất lớn. Với sự hiếu khách, ân cần và lịch thiệp, người dân địa phương sẽ tạo được ấn tượng vô cùng tốt đẹp với du khách, đặc biệt là khách ngoại quốc. Đặc biệt, với đặc thù của loại hình du lịch lễ hội, người dân địa phương chính là những người có kiến thức sâu rộng nhất về các lễ hội, các di tích, danh thắng tại quê hương mình. Ngược lại, những hành động thiếu văn hóa như ăn xin, cướp giật, ép khách mua hàng, say rượu, nói tục, chửi bậy, gây gổ đánh nhau…. Sẽ tạo nên những hình ảnh phản cảm, ấn tượng xấu cho du khách, và như vậy sẽ tác động rất tiêu cực đến sự phát triển của ngành du lịch nói chung, du lịch lễ hội nói riêng.

1.2.4.2. Các nhân tố thuộc về môi trường bên trong của chính quyền cấp tỉnh/thành phố

Chính quyền sở tại cũng là một nhân tố quan trọng có tác động lớn đến việc phát triển loại hình du lịch lễ hội bởi họ là người trực tiếp quản lý các lễ hội tại địa phương trên các khía cạnh như hình thức tổ chức các lễ hội, bảo vệ di tích tại các điểm du lịch lễ hội, và kiểm soát hoạt động kinh doanh các dịch vụ tại các lễ hội,…

a. Quan điểm của các nhà lãnh đạo cấp cao

Trong bất cứ một hoạt động kinh tế xã hội nào, quan điểm của các nhà lãnh đạo cấp cao luôn có ảnh hưởng lớn và mang tính chất quyết định đến đường lối phát triển của địa phương đó. Trong lĩnh vực du lịch cũng vậy, một khi các nhà lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh/thành phố cũng như các ban ngành khác có liên quan như văn hóa, giao thông, y tế, an ninh, quốc phòng,… xác định du

lịch lễ hội là ngành kinh tế trọng điểm của địa phương, họ sẽ quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch lễ hội một cách thỏa đáng. Khi đó, một loạt các chương trình hành động hay các dự án phục vụ phát triển du lịch lễ hội sẽ được xây dựng và tiến hành phù hợp với thực tế, chẳng hạn: dự án thu hút sự đầu tư của các thành phần kinh tế tại địa phương vào phát triển du lịch lễ hội, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lễ hội, dự án bảo vệ tài nguyên du lịch lễ hội, .... Ngược lại, khi các nhà lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh/thành phố không chú trọng đến phát triển loại hình du lịch lễ hội, cho rằng loại hình du lịch này không manh lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì chắc chắn loại hình du lịch lễ hội sẽ không được quan tâm, đầu tư thỏa đáng. Khi đó, du lịch lễ hội sẽ phát triển một cách tự phát, manh mún, không hiệu quả; các nguồn tài nguyên du lịch lễ hội sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt, không bảm bảo được nguyên tắc phát triển bền vững.

b. Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch

Giúp việc cho các nhà lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực du lịch chính là đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch. Đội ngũ cán bộ này thuộc biên chế của các Sở VHTT&DL của các tỉnh/thành phố. Họ cũng là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành du lịch, trong đó có du lịch lễ hội. Những con người này, thông qua trí tuệ và năng lực của mình, đưa ra những ý tưởng, biện pháp, cách thức để phát triển du lịch và quản lý hiệu quả sự phát triển đó. Không chỉ có vậy, sự tâm huyết và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cũng đóng một vai trò rất to lớn trong sự nghiệp phát triển của ngành du lịch. Một khi đội ngũ cán bộ ấy có đầy đủ các phẩm chất: năng lực chuyên môn, tâm huyết với nghề, trách nhiệm cao trong công việc thì chắc chắn hoạt động chuyên môn của các cơ quan quản lý du lịch của tỉnh/thành phố sẽ đảm bảo hiệu quả, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của ngành du lịch tại địa phương đó. Nói cách khác, một địa phương giàu có về tài nguyên du lịch lễ hội nhưng nếu không sở hữu một đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch có năng lực và tâm huyết thì giá trị của tài nguyên đó coi như “muối bỏ bể”. Ngược

lại, có những địa phương nghèo về tài nguyên du lịch lễ hội nhưng có được đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch giỏi và tâm huyết thì sẽ thu hút được lượng khách du lịch rất lớn và ngành du lịch sẽ phát triển bền vững.

c. Tiềm lực tài chính của chính quyền

Yếu tố tài chính ảnh hưởng tới mọi quá trình hoạt động quản lý và kinh doanh, và du lịch không phải là một ngoại lệ. Ở đây luận văn chỉ xin bàn đến vấn đề tiềm lực tài chính của chính quyền ảnh hưởng đến công tác quản lý ngành du lịch nói chung, du lịch lễ hội nói riêng.

Chính quyền một tỉnh/thành phố cần căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương để đầu tư lập quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đến các khu, điểm du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch. Vì vậy, một địa phương có nguồn ngân sách lớn và ưu tiên đặc biệt cho phát triển loại hình du lịch lễ hội thì chắc chắn địa phương đó sẽ làm tốt được công tác đầu tư cho các lĩnh vực kể trên. Khi đó, đảm bảo ngành du lịch nói chung và loại hình du lịch lễ hội nói riêng của địa phương đó sẽ phát triển lớn mạnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển loại hình du lịch lễ hội trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)