1.2. Khái niệm, đặc trưng và vai trò của văn hóa doanh nghiệp
1.2.3. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp
Theo các nghiên cứu của Graves (1986) đã chỉ ra tất cả các giám đốc điều hành khi được phỏng vấn đều đã đồng thuận rằng văn hóa doanh nghiệp mạnh là thực sự cần thiết cho một doanh nghiệp thành công. Và thành viên trong một tổ
chức sẽ thừa nhận cũng như tuân thủ theo các thái độ và giá trị được tán thành bởi người lãnh đạo hay cán bộ cấp cao của doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của Ngô Thị Bích Vân (2011), văn hoá doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng vì văn hóa doanh nghiệp là nguồn lực tạo ra lợi thế cạnh tranh, ảnh hưởng tới hoạch định chiến lược, thu hút nhân tài, tăng cường sự gắn bó của người lao động, tạo động lực làm việc tích cực, điều phối và kiểm soát, giúp làm giảm xung đột nội bộ.
Văn hóa doanh nghiệp là nguồn lực tạo ra lợi thế cạnh tranh
Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên nhiều khía cạnh như: chất lượng sản phẩm và dịch vụ, giá cả, chi phí đi kèm, công nghệ, sự linh hoạt trước phản ứng của thị trường, thời gian giao hàng, bảo hành… Để có được những lợi thế tốt, doanh nghiệp phải có các nguồn lực tốt về tài chính, nhân lực, máy móc, nguyên vật liệu, phương pháp làm việc... Các nguồn lực về tài chính, máy móc, công nghệ, nguyên vật liệu giúp cho doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh so sánh với đối thủ cạnh tranh trước khách hàng. Bên cạnh đó nguồn nhân lực sẽ tham gia vào toàn bộ quá trình chuyển hóa các nguồn lực khác trở thành sản phẩm, thành phẩm, dịch vụ cuối cùng đến tay khách hàng. Vì vậy nguồn nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hiệu quả của doanh nghiệp bị chi phối, ảnh hưởng rất lớn bởi văn hóa doanh nghiệp. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc lên kế hoạch, hình thành mục tiêu, chiến lược và chính sách của doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công chiến lược đã được lựa chọn dựa trên việc chia sẻ và gắn kết vai trò, công việc của mỗi thành viên trong doanh nghiệp đối với mục tiêu chung. Môi trường văn hóa doanh nghiệp còn tác động, ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ, động lực làm việc của các thành viên. Phương thức làm việc và cách thức điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hướng đến văn hóa doanh nghiệp, từ đó tác động lên nhân viên, bộ phận, giúp họ định hướng công việc, cũng như xác định rõ được những đóng góp của mình đối với doanh nghiệp, tự định hướng, xây dựng và phát triển bản thân.
Bởi vậy, văn hóa doanh nghiệpcó tác dụng nâng cao giá trị của các nguồn lực có sẵn trong doanh nghiệp, đồng thời nâng cao được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng tới hoạch định chiến lược
Văn hóa doanh nghiệp có sức ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạch định chiến lược của doanh nghiệp thông qua việc chọn lọc thông tin phù hợp, đặt ra những tiêu chuẩn tuân theo giá trị của doanh nghiệp phục vụ các hoạt động của doanh nghiệp. Sự ảnh hưởng này thông qua việc thể hiện vai trò của các thành viên trong chiến lược, việc phân bổ vai trò, giao nhiệm vụ cho các thành viên trong việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược, nhận thức được các nguồn lực có sẵn của doanh nghiệp và nỗ lực bản thân các thành viên để thực hiện chiến lược.
Văn hóa doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chiến lược bởi một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh sẽ tạo được sự thống nhất và tuân thủ cao đối với các giá trị, niềm tin của tổ chức và đây sẽ là cơ sở quan trọng để dựa vào đó thực hiện thành công chiến lược của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như năng suất lao động của doanh nghiệp.
Thu hút nhân tài và tăng cường sự gắn bó của người lao động
Văn hóa của doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ và hiệu quả đồng nghĩa nó sẽ góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, bởi việc quản lý thành hệ thống chặt chẽ và hiệu quả các hoạt động truyền thông cũng như sự thành công thực tế của doanh nghiệp trên thị trường kinh doanh. Chính thành công này giúp doanh nghiệp thu hút được các nhân tài mà doanh nghiệp mong muốn tuyển dụng và bằng chính văn hóa doanh nghiệp ổn định, tích cực, thân thiện, có tính định hướng cao sẽ giúp cho doanh nghiệp giữ chân được người lao động gắn kết với doanh nghiệp lâu dài, do họ tìm thấy được một môi trường làm việc ổn định và phù hợp, có tương lai.
Tạo động lực làm việc
Văn hóa doanh nghiệp chính là sự gắn kết giữa cá nhân các thành viên với doanh nghiệp bằng cách chỉ rõ ra mối liên hệ giữa công việc mà họ đang làm cùng với nỗ lực đạt được mục tiêu của doanh nghiệp thông qua việc thực hiện các chính sách
của chiến lược để tiến đến mục tiêu đó. Văn hóa doanh nghiệp chỉ đạo và hướng cho các thành viên thấy sự đóng góp của họ đối với việc hoàn thành mục tiêu của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy, khuyến khích họ hoàn thành tốt công việc của mình.
Văn hóa doanh nghiệp được triển khai và thúc đẩy bởi sự lãnh đạo hiệu quả, người lãnh đạo biết chú trọng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, họ sẽ xây dựng được những phương thức và hệ thống làm việc hiệu quả, giúp cho nhân viên thực hiện khoa học công việc như: hệ thống thông tin, phương thức phân quyền, giao quyền và giao việc hiệu quả hay là xây dựng một môi trường làm việc cởi mở, thân thiện. Những điều này có tác dụng to lớn góp phần tạo động lực thúc đẩy nhân viên tích cực, hào hứng làm việc.
Ngoài ra, một môi trường mà văn hóa doanh nghiệp ổn định, tích cực sẽ giúp cho các thành viên cảm thấy muốn gắn bó và nhìn thấy rõ tương lai của họ trong tương lai tại doanh nghiệp, họ càng nỗ lực hơn nữa để hoàn thành công việc, góp phần tạo nên sự thành công chung của doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp giúp giảm xung đột
Xung đột có xuất phát từ những bất đồng giữa các cá nhân trong quan điểm về phong cách sống, về quan điểm làm việc, về phương thức giải quyết vấn đề hoặc có thể là bất đồng trong lựa chọn quyết định cuối cùng trong công việc, bất đồng giữa quyền lợi của cá nhân và quyền lợi của tập thể...
Văn hóa doanh nghiệp với vai trò là định hướng và đưa ra những chuẩn mực, qui định nhằm giúp cho các thành viên trong doanh nghiệp tự điều chỉnh những hành vi của mình cho phù hợp, cũng như là việc định hướng ra quyết định để thỏa mãn lợi ích của cả cá nhân và tập thể.
Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp cũng tạo ra sự nhất quán, các thành viên dựa vào các chuẩn mực của sự nhất quán để không đi lệch hướng, cũng như tạo ra môi trường làm việc hợp nhất, cởi mở và những xung đột ngay từ khi mới là mầm mống đã được nói ra và giải quyết, khiến điều đó không trở thành những xung đột nguy hiểm với nguy cơ phá vỡ cấu trúc nội bộ hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp.