Quy trình kiểm soát rủi ro tín dụng tại Vietinbank – Chi nhánh Đông Hà Nội dựa vào nội dung cơ bản của Basel II là đưa ra các phương pháp và nguyên tắc về quản lý rủi ro tín dụng, kiểm soát nợ xấu, bao gồm:
– Xây dựng môi trường tín dụng thích hợp: Yêu cầu xem xét đánh giá rủi ro tín dụng phải là chiến lược xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng (mức độ chấp nhận rủi ro, tỷ lệ nợ xấu…), trên cơ sở đó phát triển các chính sách nhằm phát hiện, theo dõi và kiểm soát nợ xấu trong mọi hoạt động, đối với từng khoản cấp tín dụng cụ thể và nâng lên tầm soát rủi ro của cả danh mục đầu tư.
– Thực hiện cấp tín dụng lành mạnh: Ngân hàng đã xác định rõ ràng các tiêu chí cấp tín dụng lành mạnh (xác định thị trường mục tiêu, đối tượng khách hàng tiềm năng, điều kiện cấp tín dụng…) nhằm xây dựng các hạn mức tín dụng phù hợp cho từng loại khách hàng trên cơ sở các thông tin định lượng, định tính, kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ đối với khách hàng. Ngân hàng phải có quy trình rõ ràng trong đề xuất tín dụng, phê duyệt và sửa đổi tín dụng, có sự phân tách nhiệm vụ rạch ròi giữa các bộ phận có liên quan đến công tác tín dụng. Việc cấp tín dụng cần tuân thủ nguyên tắc cẩn trọng trên cơ sở giao dịch công bằng giữa các bên.
– Duy trì quá trình quản lý và theo dõi tín dụng phù hợp: Tuỳ theo quy mô của từng ngân hàng để xây dựng hệ thống quản lý phù hợp, kịp thời nắm bắt các thông tin từ phía khách hàng như tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh, mức độ thực hiện các cam kết… để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường, kiểm soát tốt các khoản vay có vấn đề. Ngân hàng cũng cần có các biện pháp quản lý và khắc phục các khoản nợ xấu. Vì thế, chính sách quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng phải chỉ rõ cách thức quản lý các khoản tín dụng có vấn đề.
Bám sát vào 03 trụ cột kiểm soát RRTD trên, Vietinbank có quy trình riêng về nội dung kiểm tra kiểm soát sau cho vay nhằm giảm thiểu RRTD khi cấp tín dụng cho khách hàng và chi nhánh thực hiện theo quy trình này.
-Đánh giá và theo dõi mục đích sử dụng vốn vay: việc theo dõi mục đích sử dụng vốn vay ngoài kiểm soát mục đích vay của khách hàng nó còn có ý nghĩa trong việc khách hàng tạo ra nguồn thu nhập để trả nợ ngân hàng. Với cho vay SXKD ngân hàng tài trợ cho khách hàng mua lô hàng, KH sẽ lấy nguồn thu từ việc bán lô hàng đó để thanh toán cho ngân hàng tuy nhiên nếu không kiểm soát được mục đích vay vốn, KH lấy số tiền đó đầu tư vào BĐS khi thị trường BĐS đóng băng như hiện nay khoản vay đến hạn không được
thanh toán, làm gia tăng nợ quá hạn. Vì vậy, chi nhánh tăng cường kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay đối với:
Giải ngân tiền mặt: kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày giải ngân;
Giải ngân chuyển khoản: nếu khách hàng giải ngân 1 món/tháng, kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay trong vòng 15 ngày kể từ ngày giải ngân , nếu khách hàng giải ngân từ 2 món/tháng, kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay trong vòng 1 tháng kể từ ngày giải ngân;
Đối với vay dự án đầu tư : Định kỳ 6 tháng/lần kiểm tra tình hình thực hiện dự án.
-Đối với bảo lãnh và LC, chi nhánh yêu cầu định kỳ kiểm tra tình hình thực hiện LC và thực hiện nghĩa vụ phát sinh bảo lãnh. Căn cứ vào từng loại bảo lãnh, LC mà chi nhánh quy định cụ thể. Như vậy, chi nhánh kiểm soát chặt chẽ mục đích cấp tín dụng và hơn so với các TCTD khác đó là thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện LC và thực hiện nghĩa vụ phát sinh bảo lãnh. Ít ngân hàng quy định kiểm tra nội dung này, tuy nhiên việc ngân hàng bị thanh toán bắt buộc đối với bảo lãnh và LC ảnh hưởng trực tiếp tới việc chuyển nhóm nợ của khách hàn, do đó kiểm soát kỹ nội dung này là hợp lý. Nhiều KH sau khi mua về sử dụng luôn lô hàng mà chi nhánh tài trợ và việc giải ngân tiền mặt tương đối rủi ro do đó với thời gian kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay trong trường hợp giải ngân tiền mặt, chuyển khoản là hơi dài, khiến một số trường hợp chi nhánh không thể kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay.
-Kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính của khách hàng: theo quy định, định kỳ 6 tháng/lần chi nhánh phải kiểm tra tình hình tài chính, hoạt động SXKD của KHDN để từ đó có đề xuất tín dụng phù hợp với khách hàng. Trong tình hình kinh tế biến động như hiện nay, việc yêu cầu định kỳ 6 tháng/lần là tương đối dài, trong vòng 6 tháng đủ để nhiều doanh
nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, di chuyển địa điểm kinh doanh,… Ngoài ra, nguồn thu nhập của KHCN ảnh hưởng lớn tới khả năng trả nợ của khách hàng thì chi nhánh chưa quy định cụ thể việc định kỳ kiểm tra nguồn thu nhập của KHCN. Ngoài ra, CBTD chưa nghiêm túc trong việc kiểm tra hoạt động SXKD, tài chính của khách hàng, điển hình là CBTD không kiểm tra và nếu có kiểm tra nội dung sơ sài chưa đáp ứng được yêu cầu.
3.2.5. Công tác báo cáo quản trị rủi ro tín dụng
Định kỳ hàng tháng, chi nhánh họp để đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh đặc biệt là hoạt động tín dụng. Nội dung họp chỉ mới dừng lại ở doanh số tín dụng, dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu, thu hồi xử lý RRTD,… mà chưa lập các báo cáo phân tích thực trạng RRTD tại chi nhánh. Phòng thẩm định và quản lý rủi ro tại chi nhánh sẽ thực hiện lập báo cáo này để trình ban lãnh đạo chi nhánh. Cuộc họp sẽ có đầy đủ ban lãnh đạo chi nhánh, lãnh đạo phòng khách hàng, phòng giao dịch, phòng thẩm định và quản lý rủi ro.
Định kỳ hàng quý, hàng năm, chi nhánh lập báo cáo phân tích thực trạng RRTD tại chi nhánh, nêu từng trường hợp cụ thể gây nợ quá hạn, nợ xấu để tìm hướng xử lý và rút kinh nghiệm trong quá trình cấp tín dụng. Nội dung báo cáo này bao gồm, tình hình nợ quá hạn, nợ xấu, trích lập dự phòng RRTD, thu hồi xử lý RRTD; mức độ tập trung tín dụng; vi phạm trong quá trình cấp tín dụng, giám sát sau cho vay,… Tuy nhiên, hiện nay báo cáo trích lập dự phòng RRTD được thực hiện bán tự động dẫn tới độ chính xác của thông tin thấp và tổn hao nhân lực.