2.1 Đánh giá các nguồn lực phát triển Du lịch cộng đồng tại Tp.Hội An
2.1.3 Các yếu tố môi trường bên trong
2.1.3.1 Tài nguyên thiên nhiên:
với những cồn, bãi có cảnh quan sinh thái rất đẹp như sông Cổ Cò, Sông Hội An/sông Hoài nhưng hầu hết các con sông đang bị bồi cạn vào mùa hè/khô và sự tác động từ việc khai thác các gây ô nhiễm trầm trọng, sói lở, ngập lụt vào mùa mưa lũ.
-Biển đảo:Hội An giàu tiềm năng biển đảo với đường bài biển dài 7km, có vẻ
đẹp hoang sơ, cảnh quan trong lành. Nổi trội nhất là bãi biển An Bàng, cửa ngõ đón khách du lịch đến với Tp. Hội An, cách trung tâm thành phố 3km về phía Đông, bãi biển An Bàng được bình chọn nằm trong “100 bãi biển đẹp nhất hành tinh” [21].
Đảo Cù Lao Chàm gồm hệ thống tám đảo nhỏ với nhiều di tích, các công trình kiến trúc thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa có niên đại vài trăm năm. Nơi đây có hệ động thực vật hoang dã rất phong phú cùng nguồn hải sản và yến sào dồi dào. Hiện Cù Lao Chàm còn bảo tồn gần như nguyên vẹn hệ sinh thái biển gồm 950 loài thủy sinh vật, trong đó có nhiều loài cá, san hô quý hiếm. Ngày 29/05/2009, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
-Rừng dừa nước Bảy Mẫu: Rừng dừa Bảy Mẫu là nơi mang đặc trưng của
một vùng sinh thái bán ngập với các cồn gò và hệ sinh thái cò biển. Đây còn là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển giá trị. Các thảm cỏ biển là nơi sinh sống và bắt mồi của nhiều loài hải sản. Các hệ sinh thái ngập mặn này còn đóng vai trò như một máy lọc sinh học, tích tụ và phân hủy chất thải, làm trong sạch nguồn nước trước khi về với biển.
Ở chiều hướng tiêu cực, Tp. Hội An cũng đang đối mặt với tình trạng nước biển dân và rác thải du lịch tác động rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Theo Báo cáo của Maplecroft: “Việt Nam đứng thứ 13 trong số 16 nước hàng đầu sẽ phải chịu tác động mạnh của hiện tượng mực nước biển dâng, sự nóng lên của
trái đất trong 30 năm tới”. Chính điều này làm gia tăng nguy cơ bão lụt, tác động
mạnh mẽ và sâu rộng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, các di sản vật thể cũng như hạ tầng du lịch trong thời gian đến.
2.1.3.2 Tài nguyên nhân văn:
- Làng mộc Kim Bồng: Làng Kim Bồng rất nổi tiếng với nghề chạm trổ, điêu
ông họ dựng nên từ những ngày vàng son của thương cảng mậu dịch quốc tế Hội An. Từ đây, với sự định cư của nhiều thương nhân nước ngoài đã giúp cho nghề mộc Kim Bồng, trên cơ sở truyền thống của người Việt, có sự kế thừa kỹ thuật đóng thuyền của người Chàm, kiến trúc dân dụng - tín ngưỡng và đồ dùng gia đình của người Hoa, Nhật. Những yếu tố đó được chắt lọc, hòa quyện, nhuần nhuyễn để tạo ra một phong cách, một sắc thái riêng của nghề mộc Kim Bồng Hội An.
-Làng gốm Thanh Hà: được hình thành từ cuối thế kỷ 15. Gốm Thanh Hà
được làm từ nguồn nguyên liệu chính là đất sét bởi những bàn tay điêu luyện của nghệ nhân và kỹ thuật truyền thống. Sản phẩm chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống mang nhiều kiểu dáng, màu sắc và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác.
-Làng rau Trà Quế: làng rau Trà Quế hiện có 220 hộ gia đình làm nghề nông
nghiệp, trong đó có 130 hộ chuyên trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích 40 héc ta. Rau xanh Trà Quế nổi tiếng từ rất lâu với nhiều sản phẩm rau được trồng trên đất đai màu mỡ, bón bằng loại rong lấy từ sông Cổ Cò nên có hương vị đặc trưng riêng. Nhờ vậy mà rau Trà Quế đã góp phần làm nổi tiếng các món ăn dân dã riêng có ở Hội An và Quảng Nam.
-Tài nguyên vật thể: hạt nhân cơ bản là quần thể di tích kiến truc khu phố cổ,
hiện vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng. Hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như ở Hội An với hơn 1.350 di tích. Các di tích được phân thành 11 loại gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Mỗi loại hình kiến trúc đều có những đặc điểm, sắc thái riêng và góp phần tăng thêm tính đa dạng văn hóa của địa phương. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới.
-Tài nguyên phi vật thể: Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể
khá đồ sộ, đó là cuộc sống thường nhật của cư dân bản địa với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, là cốt cách giản dị, thân thiện của
người dân, là nhiều lễ hội dân gian độc đáo cùng sự phong phú của ẩm thực. Văn hóa Hội An vốn có nội lực rất mạnh, văn hóa làng cũng rất mãnh liệt. Trong quá trình phát triển, văn minh đô thị vẫn còn giữ văn hóa làng. Vì thế, mặc dù trải qua bao thăng trầm, sự tác động của nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng văn hóa ngoại không làm cho tính cộng đồng tan rã trong đời sống sinh hoạt. Chính nền tảng văn hóa - xã hội phong phú giúp việc xây dựng và phát triển thương hiệu DLCĐ một cách thuận lợi hơn, tạo nên những sản phẩm DLCĐ chất lượng.
Mặt khác, nguồn tài nguyên du lịch của Tp. Hội An cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức: các di tích lịch sử, đặc biệt là khu phố cổ đang trong giai đoạn xuống cấp trầm trọng do tác động của khí hậu, lụt lội và sự “quá tải” ở nhiều khía cạnh, từ lượng du khách đến nhịp điệu sinh hoạt. Mật độ dân số của thành phố hiện nay gần 1,500 người/km2 [25], cao gấp 6 lần cả nước. Nếu tính cả lượng du khách bình quân hàng ngày, thì mật độ dân số bình quân mỗi ngày ở Hội An tăng ít nhất gấp đôi con số trên. Thêm vào đó, tình trạng nước biển dân và rác thải du lịch cũng tác động rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Việc khai thác quá mức nguồn nước đã dẫn đến nguy cơ tài nguyên này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện nay, cảnh quan chung quanh nhất là nguồn nước thải đang từng ngày xâm thực. Nhà đân, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dọc theo các tuyến đường bao quanh khu Phố cổ thường xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông khiến con sông Hoài nằm trong lòng phố cổ, là điểm nhấn của địa phương nhưng đang bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng rất lớn về mặt mỹ quan cũng như môi trường dân sinh, du lịch. Hệ lụy sâu hơn là hình ảnh du lịch địa phương mất dần sức thu hút, nguồn sinh thái tạo nên sức đa dạng cho cá mô hình DLCĐ cũng bị tác động mạnh mẽ.
Hình 2.1: Tình trạng ô nhiễm tại khu vực Chùa Cầu, Phố cổ Hội An 12/2013
Một xu thế đáng lo ngại đang lan rộng tại địa phương đó là sự di cư của người dân trong phố cổ ra sinh sống tại các vùng lân cận để nhường lại cho các hoạt động kinh doanh du lịch. Hầu hết các tuyến đường trong phố cổ luôn được tận dụng tối đa để buôn bán, kinh doanh tràn lan, không theo quy hoạch, chính những điều này vô hình chung làm mất đi “không gian Phố cổ” truyền thống, làm phai nhạt nét văn hóa đặc sắc mang hồn “phố Hội” mà địa phương đang cố gắng khôi phục và gìn giữ. Nguy cơ rõ nhất chính là tính cộng đồng, nền tảng căn bản của du lịch địa phương sẽ mất dần. Một khi giá trị cốt lõi của Hội An không còn nữa thì du lịch Hội An sẽ không tạo nên sự khác biệt với các địa phương khác.
2.1.3.3 Chất lượng nguồn lao động
Hội An hiện có 3.500 lao động làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, chiếm 31% tổng số lao động trực tiếp tham gia trong ngành du lịch - dịch vụ, trong đó có 1.400 lao động đã qua đào tạo chuyên môn du lịch, chiếm 35%. Lực lượng trong ngành du lịch rất trẻ, 93% có độ tuổi dưới 45, được đào tạo chuyên môn và ngoại ngữ, có thể đáp ứng yêu cầu lao động hiện tại nhưng số lao động được đào tạo từ đại học đến sau đại học chưa nhiều, hiện chỉ có dưới 20% [23]. Do đó, đội ngũ lao động quản trị doanh nghiệp còn thiếu, hầu hết đều là người đến từ các địa phương khác và người nước ngoài.
Theo thống kê, số lao động tham gia hoạt động nghề truyền thống tại làng nghề có độ tuổi trung bình là 49.3, lao động trực tiếp tại các làng chiếm đa số là
những người cao tuổi, phụ nữ, tỷ lệ lao động trẻ rất ít nên công tác truyền nghề gặp rất nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực làng nghề còn thấp; các nghệ nhân, thợ giỏi chưa được tôn vinh đúng mức. Hơn nữa, thu nhập của lao động làng nghề còn thấp so với mặt bằng thu nhập chung nên khó thu hút được lao động trẻ theo nghề, dẫn đến nguy cơ mai một nghề truyền thống ở địa phương.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đó là người dân, những chủ thể kinh doanh tại địa phương còn yếu, chưa cập nhật thường xuyên những kiến thức liên quan đến hoạt động du lịch để đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách cũng như xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn cho chính sản phẩm của mình. Hơn nữa, đối tượng tham gia thực hiện DLCĐ chủ yếu là người nông dân - chủ hộ ở vùng quê, trình độ dân trí thấp, ở tuổi trung niên, chủ yếu làm theo kinh nghiệm, bản năng. Do đó, việc bồi dưỡng vốn ngoại ngữ hoặc học hỏi thêm các kỹ năng nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ trở nên rất khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.
2.1.3.4 Nguồn vốn đầu tư
Năm 2012, nguồn vốn của địa phương được huy động chủ yếu từ ngân sách, sự tài trợ của các tổ chức quốc tế và nguồn đóng góp của nhân dân với tổng trị giá hơn 230 tỉ đồng, trong đó nguồn tài trợ nước ngoài hơn 66,6 tỉ đồng [25].
Tình hình đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Hội An đang có nhiểu triển vọng khả quan. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, Tp.Hội An đã cấp phép cho 81 dự án phát triển mạng lưới dịch vụ lưu trú, trong đó có 10 khách sạn và 71 cơ sở lưu trú homestay. Tại Cù Lao Chàm, đã có khá nhiều dự án đầu tư phát triển DLCĐ và sinh thái biển đảo, tốc độ đầu tư phát triển ở đây là khá nhanh. Tuy nhiên, đa số các dự án đầu tư trong thời gian gần đây chỉ tập trung vào việc xây dựng các khu nghĩ dưỡng cao cấp ven biển trong khi công tác thu hút vốn, ưu tiên đầu tư vào các dự án DLCĐ, các khu vực nông thôn mang tính xã hội cao vẫn còn yếu, thiếu các dự án hổ trợ về cơ sở hạ tầng du lịch. Nguyên nhân chính là chưa có cơ chế chính sách khuyến khích, đãi ngộ về thủ tục vay vốn phù hợp đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mặt khác, vẫn tồn tại một số dự án đầu tư hạ tầng du lịch nằm trong trường hợp “mua đi bán lại”, hay đã “treo” quá lâu, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư chuyên ngành.