2.3.1. Thành tựu và nguyên nhân của thành tựu
* Thành tựu:
Hơn 20 năm qua nhờ đường lối đổi mới phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần đã tạo ra nhiều thuận lợi để người lao động có cơ hội tự tạo việc làm và có việc làm, đáp ứng yêu cầu bức xúc về đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Có thể đánh giá khái quát về giải quyết việc làm cho dân cư nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc như sau:
- Nhận thức của xã hội về giải quyết việc làm cơ bản đã được thay đổi, các cấp, các ngành và người lao động đã chủ động tìm việc làm, không chỉ thụ động và trông chờ vào sự bố trí của Nhà nước. Tỉnh đã có nhiều cố gắng tạo điều kiện
về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển và hỗ trợ trực tiếp cho người lao động tự tạo việc làm, đã làm cho lao động ngày càng linh hoạt hơn. Vai trò của Nhà nước đã chuyển từ chủ yếu là chỉ đạo thành vai trò đảm bảo và trọng tài, tạo điều kiện và môi trường cho người sử dụng lao động, người lao động đứng vào vị trí trung tâm, năng động và chủ động tự tạo việc làm cho mình và cho xã hội.
- Các biện pháp giải quyết việc làm thông qua sự hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp, sự phát triển của thị trường lao động đã phát huy hiệu quả như tạo việc làm từ chương trình mục tiêu quốc gia việc làm, các chương trình kinh tế - xã hội, xuất khẩu lao động; tự giới thiệu việc làm thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm, từ nhiều mô hình tổ chức giải quyết việc làm phong phú, đa dạng ở các địa phương, ngành, có sự tham gia tích cực của các đoàn thể xã hội. Các nhân tố quan trọng góp phần tạo nhiều việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Đã xuất hiện và phát triển nhiều mô hình, điển hình của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế hộ, kinh tế trang trại, chương trình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, làng nghề phát triển và mở rộng...
- Tác động của Nhà nước đối với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã cố gắng thực hiện ở cả 3 nội dung cơ bản tác động vào cung lao động như giảm tỷ suất sinh, đào tạo nguồn nhân lực... tác động vào cầu như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hoá ngành nghề và các hình thức kinh doanh, xuất khẩu lao động...và điều tiết quan hệ cung cầu như hình thành các trung tâm dịch vụ môi giới việc làm, hội chợ việc làm....
- Trong thời gian từ 1997 đến 2009 bình quân mỗi năm đã tạo được hơn 20.000 việc làm cho người lao động.
- Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn tăng từ 74,86% (năm 1997) lên 90,52% (năm 2008) [14].
- Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng lao động cho sản xuất công nghiệp, xây dựng và các ngành dịch vụ; giảm lao động nông nghiệp. Cơ cấu lao động năm 1997 là : Công nghiệp-dịch vụ chiếm 12,5 %, Nông nghiệp: 87,5 %; Cơ cấu lao động năm 2008 là : Công nghiệp-dịch vụ chiếm 40%, Nông nghiệp: 60% [14].
- Chất lượng lao động từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động được đào tạo tăng lên. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 11,8% năm 1997 tăng lên 40% vào năm 2008. [14]
- Bên cạnh việc mở mang ngành nghề thu hút lao động nông thôn, các đoàn thể quần chúng ở nông thôn đã giáo dục, nâng cao trình độ và ý thức của dân cư nông thôn để họ từng bước đủ khả năng tham gia thị trường lao động và chủ động tự tạo việc làm tại nông thôn.
- Xuất khẩu lao động được coi là mũi nhọn góp phần làm giàu cho người lao động, xây dựng lực lượng lao động cho sự nghiệp CNH, HĐH.
* Nguyên nhân của thành tựu:
- Những thành tựu trên bắt nguồn từ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh về đổi mới trong lĩnh vực lao động và việc làm. Thực chất đó là sự thay đổi về nhận thức, đổi mới tư duy trong lĩnh vực lao động và việc làm phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, đã giải phóng được sức sản xuất, giải phóng và phát huy mọi tiềm năng sức lao động, khơi dậy tiềm năng của mỗi người và của cả cộng đồng, coi trọng giá trị lao động,
- Người lao động đã năng động, chủ động tự tạo việc làm cho mình và cho xã hội. Người sử dụng lao động được khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm trong xã hội, mọi người tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của bản thân mình, từ đó phát huy được năng lực sáng tạo làm việc, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Nhà nước tạo ra hành lang pháp lý và điều kiện kinh tế, kỹ thuật để có môi trường đầu tư lành mạnh của toàn xã hội, khuyến khích mọi người đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho mình và thu hút lao động xã hội. Đồng thời, bảo đảm lao động được tự do hành nghề, tự do liên kết, tự do thuê mướn lao động theo pháp luật và hướng dẫn của Nhà nước, mọi hoạt động có ích đem lại thu nhập mà không bị pháp luật cấm đều được coi là việc làm.
- Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã tổ chức thực hiện có kết quả các chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn, chương trình đào tạo nghề.... Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hoá nhằm huy động mọi nguồn lực, trong đó Nhà nước đóng vai trò nòng cốt, như “bà đỡ”.
Đồng thời, đặc biệt coi trọng phát huy nguồn lực của nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng quốc tế, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tạo việc làm. Từ đó, đã phát triển nhiều hình thức, mô hình giải quyết việc làm phong phú, đa dạng ở các địa phương, các cấp, các đơn vị cơ sở với sự tham gia tích cực, chủ động của các tổ chức đoàn thể.