1.1.1 .Các công trình nghiên cứu liên quan
1.3. Kinh nghiệm quản lý vốn tại một số doanh nghiệp
1.3.1. Tình hình quản lý vốn tại một số doanh nghiệp
Một số doanh nghiệp được chọn để nghiên cứu về quản lý vốn sau đây có khá nhiều điểm tương đồng với Công ty TNHH Toàn Tiến, Bắc Ninh về quy mô, lĩnh vực hoạt động, địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh.
1.3.1.1. Công ty TNHH Thịnh Cường
Đây là một trong những doanh nghiệp nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy, địa chỉ tại Phú Lâm, Tiên Du, Bắc Ninh, cùng địa bàn hoạt động với Công ty TNHH Toàn Tiến, Bắc Ninh.
Đánh giá tình hình quản lý vốn tại Công ty TNHH Thịnh Cường
- Xây dựng bộ máy quản lý vốn: Giám đốc Nguyễn Văn Cường chịu trách nhiệm chính về công tác quản lý vốn. Doanh nghiệp này không có phòng Vốn và đầu tư, toàn bộ công tác liên quan về vốn được giao cho Phòng Kế toán-tài chính phụ trách.
Công ty tích cực khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho người lao động tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là các kiến thức quản lý vốn tại doanh nghiệp.
- Lập kế hoạch vốn: Đầu năm tài chính, căn cứ vào chiến lược kinh doanh từ phòng Kinh doanh, Phòng Kế toán-Tài chính có trách nhiệm xây dựng bản kế hoạch nhu cầu vốn, kế hoạch phân bổ sử dụng vốn cho các mảng hoạt động, từ đó đề ra các chính sách liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được thường xuyên, liên tục.
- Tổ chức thực hiện kế hoạch vốn: Công ty TNHH Thịnh Cường là doanh nghiệp nhỏ, tuy nhiên đối với doanh nghiệp sản xuất giấy, vốn cố định và vốn lưu động đều có vai trò quan trọng. Để tổ chức thực hiện quản lý vốn
tốt, công ty đã chú trọng cả hai mảng vốn cố định và vốn lưu động. Đối với vốn cố định, doanh nghiệp này đầu tư máy móc, trang thiết bị nhà xưởng, nhà cửa, vật kiến trúc… đầy đủ, cập nhật kịp thời theo công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu chung. Hoạt động trích khấu hao được thực hiện theo quy định. Các tài sản hết khấu hao được tiến hành thanh lí, nhượng bán tài kịp thời. Đối với vốn lưu động, doanh nghiệp thực hiện quản lý vốn bằng tiền khoa học, không bị dư thừa hoặc thiếu hụt dựa vào kinh nghiệm quản lý nhiều năm và có sự hỗ trợ của phần mềm quản lý kế toán. Công tác quản lý hàng tồn kho dự trữ, quản lý các khoản phải thu, quản lý các khoản phải trả, quản lý nguồn tài trợ ngắn hạn được thực hiện khá tốt. Theo bảng cân đối kế toán, hiện Công ty không có các khoản phải thu khó đòi, do đó không phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ đó. Các khoản phải trả, nguồn tài trợ ngắn hạn được thực hiện trong tầm kiểm soát ổn định.
- Kiểm tra giám sát kế hoạch vốn: định kỳ mỗi quý, Ban lãnh đạo Công ty tiến hành kiểm tra việc thực hiện kế hoạch vốn. Nội dung kiểm tra chính là: giám sát tình hình xây dựng kế hoạch và phân bổ vốn, giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn; giám sát thực hiện các chính sách đối với người lao động… Tuy nhiên, hiện Công ty chưa có hệ thống tiêu chí đánh giá chi tiết, chưa xây dựng được định mức chi phí, định mức tiêu hao nguyên vật liệu, định mức lao động, định mức hao hụt, do vậy chưa có căn cứ đánh giá tính hợp lý trong việc quản lý chi phí đầu ra, đầu vào của các phân xưởng sản xuất. Do vậy, việc đánh giá còn chung chung, mang tính hình thức, chưa chỉ ra được ưu, nhược điểm trong công tác quản lý vốn để từ đó có giải pháp khắc phục cụ thể.
Nhìn chung, hiện tại Công ty cơ bản kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn tại các đơn vị, tình hình luân chuyển vốn, vay vốn trong Công ty, tình hình thực hiện doanh thu, chi phí và lợi nhuận.
1.3.1.2. Công ty TNHH Việt Toàn
Đây là một trong những doanh nghiệp nhỏ, cũng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy, địa điểm kinh doanh tại Phong Khê, TP Bắc Ninh, cách Công ty TNHH Toàn Tiến, Bắc Ninh khoảng 3-4 km.
Đánh giá tình hình quản lý vốn tại Công ty TNHH Việt Toàn:
- Xây dựng bộ máy quản lý vốn: Giám đốc doanh nghiệp là ông Nguyễn Quang Toàn. Ban lãnh đạo Công ty chịu trách nhiệm công tác quản lý vốn, trong đó một Phó Giám đốc được giao trách nhiệm chính. Doanh nghiệp này không có phòng Vốn và đầu tư, toàn bộ công tác liên quan về vốn được giao cho Phòng Kế toán-Tài chính phụ trách.
Công ty tích cực khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho người lao động tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là các kiến thức quản lý vốn tại doanh nghiệp.
- Lập kế hoạch vốn: Đầu năm tài chính, căn cứ vào chiến lược kinh doanh từ phòng Kinh doanh, Phòng Kế toán-tài chính có trách nhiệm xây dựng bản kế hoạch nhu cầu vốn, kế hoạch phân bổ sử dụng vốn cho các mảng hoạt động. Tuy nhiên việc xây dựng kế hoạch vốn chủ yếu ước lượng theo kinh nghiệm của Trưởng phòng kế toán-Tài chính, không có sự tính toán chi tiết theo cơ sở khoa học, không có phần mềm quản lý vốn hỗ trợ theo dõi, tính toán về nhu cầu vốn cho từng hoạt động sản xuất. Kế hoạch phân bổ vốn theo hình thức dựa vào kết quả năm trước, rồi tính mức tăng lên khoảng 20% so với năm cũ, không căn cứ theo chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp.
- Tổ chức thực hiện kế hoạch vốn: Công ty TNHH Việt Toàn cũng là doanh nghiệp nhỏ. Ban lãnh đạo doanh nghiệp biết rõ đặc thù của ngành sản xuất giấy là vốn cố định và vốn lưu động có vai trò quan trọng tương đương nhau. Vì vậy, công ty đã chú trọng quản lý tốt cả hai mảng vốn cố định và vốn lưu động. Tài sản cố định được trích khấu hao đầy đủ theo quy định. Các tài sản cố định,công cụ dụng cụ hết khấu hao được tiến hành thanh lí, nhượng
bán tài kịp thời. Vốn lưu động được quản lý khoa học. Vốn bằng tiền được ước lượng theo kinh nghiệm của Trưởng phòng kế toán- Tài chính. Công tác quản lý hàng tồn kho dự trữ, quản lý các khoản phải thu, quản lý các khoản phải trả, quản lý nguồn tài trợ ngắn hạn được thực hiện đầy đủ. Theo bảng cân đối kế toán, hiện Công ty có tồn tại một khoản phải thu khó đòi nhưng trong khả năng kiểm soát và có thể thu hồi trong năm tới. Các khoản phải trả, nguồn tài trợ ngắn hạn được thực hiện trong tầm kiểm soát ổn định.
- Kiểm tra giám sát kế hoạch vốn: định kỳ mỗi quý, Ban lãnh đạo Công ty tiến hành kiểm tra việc thực hiện kế hoạch vốn. Nội dung kiểm tra chính là: giám sát tình hình xây dựng kế hoạch và phân bổ vốn, giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn; giám sát thực hiện các chính sách đối với người lao động… Tuy nhiên, hiện Công ty chưa có hệ thống tiêu chí đánh giá chi tiết, chưa xây dựng được định mức chi phí, định mức tiêu hao nguyên vật liệu, định mức lao động, định mức hao hụt, do vậy chưa có căn cứ đánh giá tính hợp lý trong việc quản lý chi phí đầu ra, đầu vào của các phân xưởng sản xuất. Do vậy, việc đánh giá còn chung chung, mang tính hình thức, chưa chỉ ra được ưu, nhược điểm trong công tác quản lý vốn để từ đó có giải pháp khắc phục cụ thể.
Nhìn chung, hiện tại Công ty cơ bản kiểm soát được nguồn vốn, xong còn một số hạn chế cần khắc phục.
1.3.2. Bài học rút ra
1.3.2.1.Bài học thành công
Do có sự đầu tư về công tác quản lý vốn, hoạt động kinh doanh của hai doanh nghiệp khá tốt, đem lại lợi nhuận tăng dần qua các năm trong giai đoạn 2015-2017, từ đó cải thiện thu nhập cho người lao động. Bài học thành công được rút ra trong công tác quản lý vốn tại hai doanh nghiệp là:
-Về bộ máy quản lý vốn: hai doanh nghiệp trên đều chú trọng xây dựng bộ máy quản lý vốn thể hiện ở chỗ giao cho một Phó Giám đốc chuyên trách và chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công việc liên quan về vốn.
-Về tổ chức thực hiện kế hoạch vốn: hai doanh nghiệp đều hiểu rõ tầm quan trọng của quản lý vốn cố định và vốn lưu động đối với doanh nghiệp đặc thù sản xuất giấy, do vậy có sự đầu tư tài sản cố định cũng như quản lý vốn cố định tốt, đồng thời quản lý vốn lưu động trong sự ổn định.
1.3.2.1. Bài học thất bại
Bên cạnh những mặt tốt, công tác quản lý vốn của hai doanh nghiệp có một số hạn chế:
-Về lập kế hoạch vốn: mới chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của Trưởng phòng kế toán, chưa có căn cứ khoa học để tính toán theo chiến lược kinh doanh của Công ty. Điều này dễ bị rủi ro, bởi với những phát sinh đột xuất, không theo quy luật thì không thể tính toán theo kinh nghiệm, do đó doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng tiêu cực, làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
-Về kiểm tra giám sát: hai doanh nghiệp trên chưa xây dựng được các tiêu chí đánh giá cụ thể, do đó việc đánh giá mới chỉ chung chung, mang tính hình thức, chưa thực sự là cơ sở giúp doanh nghiệp tìm giải pháp khắc phục những hạn chế mà doanh nghiệp đang gặp phải liên quan công tác quản lý vốn.