3.3. Một số giải pháp chủ yếu tạo việc làm cho lao động bị THĐ tại quận
3.3.3. Cần có chế tài đối với các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn
Quận về trách nhiệm, đào tạo và tuyển dụng lao động địa phương
Thực trạng GQVL của quận Long Biên đã phản ánh thái độ thiếu nghiêm túc và hợp tác của các doanh nghiệp nhận đất thu hồi trong việc tham gia GQVL cho nông dân bị THĐ tại địa phương. Do vậy, chính quyền địa phương phải xác định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp
nhận đất thu hồi và tham gia đầu tư tại các cụm, KCN tại địa phương có trách nhiệm ưu tiên đào tạo và sử dụng lao động bị THĐ tại địa phương trước khi tuyển dụng lao động ở những nơi khác, doanh nghiệp nhận 1ha ĐNN bị thu hồi thì phải đào tạo nghề và GQVL cho 13 lao động.
UBND quận yêu cầu các doanh nghiệp nêu rõ tiêu chuẩn về lao động mà họ sẽ tuyển dụng khi các nhà máy đi vào sản xuất để các lao động bị THĐ có kế hoạch học nghề phù hợp. Cơ chế đó phải cụ thể bằng văn bản, có chế tài kèm theo, có sự giám sát kiểm tra tính nghiêm túc trong việc tổ chức thực hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp nhận đất thu hồi và tham gia đầu tư tại các cụm, KCN tại địa phương.
Trong điều kiện các doanh nghiệp nhận đất thu hồi không hợp tác thực hiện cam kết đào tạo và GQVL cho lao động địa phương chính quyền có thể sử dụng các biện pháp can thiệp bằng xử phạt hành chính, phạt tiền... yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết.
Đồng thời chính quyền địa phương có những ưu đãi nhất định để các doanh nghiệp yên tâm hợp tác GQVL cho lao động địa phương như tạo sự thông thoáng về thủ tục hành chính, GPMB, phát triển hạ tầng giao thông đô thị.
3.3.4. Đổi mới hoạt động dạy nghề theo hướng dạy đúng nghề, đúng đối tượng và đúng nhu cầu
Việc sử dụng lao động trong nông nghiệp ở nước ta hiện nay đang xảy ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Nông dân vẫn là người được hưởng thụ thành quả đổi mới ít nhất. Họ luôn bị động trước thị trường và giá cả, không thể tự bảo vệ mình trước những biến đổi của thị trường trong nước và quốc tế, với mức tiền đền bù đất như hiện nay chỉ đảm bảo cuộc sống cho họ trong khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là
dạy nghề cho nông dân, trang bị cho họ những kỹ năng sản xuất và làm việc trước những thay đổi như mất đất sản xuất, công nghiệp hoá nông thôn… Đồng thời tạo cho họ khả năng đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong số 6.570 nông dân bị THĐ của quận Long Biên, số lao động được học nghề chỉ có 3.044 lao động tìm được việc làm (Bảng 2.14) đã phản ánh thực trạng dạy nghề tại Quận chưa có hiệu quả cao. Trên cơ sở chính sách dạy nghề, công tác dạy nghề cần phải được thực hiện theo cách thức và biện pháp mới theo hướng dạy đúng nghề, đúng đối tượng và đúng nhu cầu, tức là phải làm cho cung, cầu lao động gặp nhau. Cụ thể là:
* Trước hết phải thực hiện các biện pháp nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, xã hội, của cán bộ, công chức phường và lao động nông thôn về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ CNH, HĐH đang diễn ra mạnh mẽ tại quận. Phòng LĐ-TBXH tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách vấn đề GQVL, xóa đói giảm nghèo, nêu rõ tính cấp thiết và vai trò GQVL cho nông dân nói chung và nông dân bị THĐ nói riêng có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bền vững và an sinh xã hội trong quận.
UBND các phường trong quận xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện Nghị quyết về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Đảng uỷ quận và Đảng uỷ các phường. Các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn học nghề, việc làm miễn phí, vận động các thành viên của mình tham gia học nghề. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trên phương tiện thông tin đại chúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển
kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề. Rất nhiều nông dân bị THĐ tại quận Long Biên không biết và không quan tâm nhiều đến các chính sách tạo việc làm của chính quyền địa phương.
Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, xóa bỏ những định kiến về nghề nghiệp cho nông dân bị THĐ và vai trò của nó trong đời sống xã hội có ý nghiã rất quan trọng đối với việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với họ. Có một thực tế hiện nay là trong xã hội tiến tới bình đẳng giới và sự chuyên môn hóa lao động ngày càng cao thì nhu cầu tìm người giúp việc gia đình rất lớn. Nhiều gia đình gặp không ít khó khăn khi xắp xếp công việc gia đình và xã hội. Trong khi đó có rất nhiều lao động không chấp nhận công việc này trong nước nhưng sẵn sàng bỏ một khoản chi phí lớn đi làm giúp việc ở nước ngoài mà ở đó chưa chắc họ được đối xử tốt hơn trong nước. Ở nước ta hiện nay, mức thu nhập của loại hình lao động này ở thành thị từ 1,7 – 2,5 triệu đồng/ tháng, nếu tính cả tiền ăn, mặc, ở, đi lại thì mức thu nhập này không kém sao với thu nhập của lao động đi làm tại các công ty. Công việc này cũng khá ổn định nhưng rất nhiều lao động bị THĐ có khả năng làm việc này bỏ qua cơ hội việc làm, trở thành thất nghiệp vì sĩ diện.
* Thực hiện đổi mới chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác dạy nghề cho nông dân.
+ Phát triển các cở sở đào tạo nghề
- Phòng LĐTB&XH Quận cần tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, trong đó chú trọng phát triển các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn (cơ sở dạy nghề công lập, tư thục, cơ sở dạy nghề tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, vùng chuyên canh, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các cơ sở dạy nghề tiểu thủ công mỹ nghệ)
- Phòng LĐTB&XH Quận phối hợp với trường Đại học nông nghiệp,Cao đằng nghề Long Biên, Cao đẳng may thời trang, Cao đẳng nghề đường sắt và các trường trung cấp, các trung tâm dạy nghề của Nhà nước và tư nhân... thống kê các ngành nghề đào tạo và tuyên truyền phổ biến cho người dân bị THĐ để họ có thể lựa chọn học một nghề phù hợp
+ Tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý công tác dạy nghề
- Phòng LĐTB&XH Quận tiến hành điều tra định kỳ, khảo sát, đánh giá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề để có kế hoạch đào tạo và tuyển dụng đáp ứng yêu cầu về số lượng (đối với trung tâm dạy nghề mỗi nghề tối thiểu có 01 giáo viên cơ hữu), chất lượng và cơ cấu nghề đào tạo.
- Cán bộ chuyên trách công tác dạy nghề gặp gỡ các nghệ nhân tại các làng nghề trong và ngoài Quận, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm – ngư và những nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho nông dân bị THĐ. Hàng năm, Quận tổ chức tiến hành hội thi giáo viên dạy nghề giỏi, đào tạo nghiệp vụ sư phạm và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng dạy nghề cho họ để bổ sung giáo viên cho các trung tâm dạy nghề. Giáo viên dạy nghề giỏi không chỉ dạy nghề cho lao động sống được bằng nghề mà còn làm cho họ yêu quý và gắn bó với nghề của mình.
- Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn chọn nghề, tìm và tạo việc làm cho lao động bị THĐ. Quận giao 01 biên chế chuyên trách về công tác dạy nghề thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thường xuyên giám sát, báo cáo tổng kết công tác dạy nghề và GQVL cho nông dân nói chung và nôn dân bị THĐ nói riêng.
- Cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý công tác dạy nghề thông qua thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút những người giỏi, có năng lực giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và dạy nghề. Huy động lao động giỏi nghề trên các lĩnh vực, ở mọi thành phần kinh tế tham gia vào công tác đào tạo dạy nghề tham gia giảng dạy theo chế độ kiêm chức. Nghiên cứu kiện toàn tổ chức, biên chế của các cơ sở đào tạo nghề, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đặc biệt chú trọng đến các trường nghề của Quận và Thành phố Hà Nội.
+ Đổi mới chương trình, giáo trình, học liệu, học cụ phục vụ dạy nghề sát với yêu cầu tuyển dụng lao động
- Xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu, học cụ dạy nghề ở trình độ sơ, trung và cao cấp, xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề, gắn thực hành nghề nghiệp với cơ sở sản xuất.
- Đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu, học cụ dạy nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu của thị trường lao động, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới.
- Huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho lao động nông thôn.
+ Tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác đaò tạo nghề
Công tác này trước đây được thực hiện định kỳ 1 năm 2 lần vào giữa kỳ và cuối kỳ đào tạo nghề đối với dạy nghề dài hạn. Các khóa đào tạo nghề ngắn hạn hầu như không cơ quan chức năng nào kiểm tra, chất lượng học nghề rất kém. Trong thời gian tới, Phòng LĐ-THXH Quận Long Biên phối hợp với các trường dạy nghề tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng đào
tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề ở địa phương, đảm bảo chuẩn đầu ra cho đào tạo nghề.
Muốn công tác dạy nghề ở Quận đúng nghề, đúng đối tượng và đúng nhu cầu, trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ trên phải có sự gắn bó chặt chẽ với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Phòng LĐTBXH Quận và các cơ sở dạy nghề phải thống kê, rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động của các cụm, KCN, các làng nghề tại địa phương, và xu hướng tuyển dụng lao động xuất khẩu để nắm bắt được những tiêu chuẩn tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp về loại công việc, độ tuổi, sức khỏe, trình độ tay nghề... Quá trình đó thực hiện thông qua một số hình thức như:
- Khai thác những nguồn cầu lao động còn “bỏ ngỏ” như: đào tạo các lớp học dành cho người giúp việc gia đình, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị tại các gia đình, học cách chăm sóc người già và trẻ em, nấu ăn, ủi quần áo... Theo ước tính sơ bộ, trong các quận nội thành Hà Nội, bình quân có khoảng 85% các hộ gia đình chưa tìm kiếm được người giúp việc tại gia. Đây có thể nói là thị trường “xuất khẩu” lao động khá thuận lợi. Những lao động bị THĐ từ 35 tuổi trở lên khá phù hợp với công việc này.
- Đào tạo theo hợp đồng giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, những học viên học nghề là do các doanh nghiệp được cấp đất, thuê đất gửi học theo hợp đồng. Số học viên này được lựa chọn trước hết trong số lao động bị THĐ có trình độ văn hóa phổ thông và lao động có tay nghề sơ cấp trở lên. Hình thức này thường được áp dụng đối với những sản phẩm có yêu cầu công nghệ cao, kết cấu sản phẩm phức tạp và có giá trị cao.
- Đào tạo theo nhu cầu tìm kiếm việc làm mới ở nơi khác của người bị THĐ. Thực tế cho thấy, không phải tất cả lao động mất việc trong nông
nghiệp đều mong muốn được làm việc phi nông nghiệp tại quận. Rất nhiều người muốn tìm kiếm việc làm ở các quận khác phù hợp với sở thích và nhu cầu của họ.
- Đối với nông dân bị THĐ có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, Chính quyền địa phương tổ chức các lớp học nghề và học ngoại ngữ cho họ hai trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc tại các trường dạy nghề trong quận. Đồng thời tư vấn cho họ để họ có thể lựa chọn công việc, thời gian, quyền lợi và nghĩa vụ mà họ được hưởng trong thời gian lao động.
Như vậy, việc gắn cung lao động với cầu lao động trong quá trình dạy nghề và GQVL cho nông dân bị THĐ sẽ làm cho hiệu quả GQVL cho cho đối tượng này tại quận Long Biên đạt kết quả cao hơn trước đây.