Môi trường chính trị xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào malaysia giai đoạn 2000 2010 và bài học kinh nghiệm đối với việt nam (Trang 38 - 39)

1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút FDI

1.3.1. Môi trường chính trị xã hội

Có thể nói, ổn định kinh tế, chính trị là nhân tố hấp dẫn hàng đầu đối với các nhà đầu tư. Yếu tố này lại càng đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vì, tình hình chính trị ổn định là điều kiện tiên quyết để đảm bảo các cam kết của Chính phủ đối với các nhà đầu tư về sở hữu đầu tư, các chính sách ưu tiên đầu tư và định hướng phát triển của nước nhận đầu tư. Đồng thời ổn định chính trị còn là điều kiện thiết yếu để duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội. Đây là nhân tố quan trọng tác động đến tính rủi ro của các hoạt động đầu tư. An toàn vốn đầu tư là nguyên tắc hàng đầu của các nhà đầu tư nói chung và đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì hoạt động trong môi trường xa lạ, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên các nhà đầu tư nước ngoài rất lo sợ tài sản của họ bị nước chủ nhà tịch thu (quốc hữu hóa). Tình hình chính trị không ổn định thường dẫn tới đường lối phát triển không nhất quán. Có thể Chính phủ đương nhiệm cam kết không quốc hữu hóa tài sản của nước ngoài, nhưng sau khi bị đảo chính hoặc thay đổi, Chính phủ mới không chắc chắn đã đảm bảo những cam kết này hoặc lại đưa ra những sửa đổi đe dọa đến an toàn sở hữu tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, tình hình chính trị ổn định là điều kiện tiên quyết đảm bảo đường lối nhất quán của nước chủ nhà. Nhờ đó, thực hiện được các cam kết đảm bảo an toàn sở hữu tài sản hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, việc cam kết thực hiện các khuyến khích đầu tư của nước chủ nhà luôn là vấn đề quan trọng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, điều đó làm tăng sự chủ động của các nhà đầu tư nước ngoài trong tính toán các chương trình đầu tư dài hạn của họ.

Một vấn đề khác cũng được các nhà đầu tư quan tâm, đó là định hướng đầu tư của nước chủ nhà. Vì các nhà đầu tư nước ngoài (chủ yếu là các TNCs) thường có chiến lược kinh doanh dài hạn nên họ rất cần sự rõ ràng và ổn định trong định hướng đầu tư của nước chủ nhà. Chẳng hạn phần lớn các TNCs không thể hào hứng quyết định đầu tư vào một nước mà ở đó luôn thay đổi định hướng ưu tiên đầu tư, trong đó đặc biệt là khuyến khích đầu tư vào các ngành không phải lợi thế cạnh tranh của họ. Hơn nữa, sự thay đổi không rõ ràng và thiếu ổn định giữa hướng đầu tư thay thế nhập khẩu và hướng vào xuất khẩu sẽ làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lúng túng, không chủ động trong việc thực hiện các chiến lược kinh doanh của mình. Tình hình chính trị có thể làm tăng hoặc giảm khả năng rủi ro trong đầu tư. Các nhà đầu tư không thể quyết định chuyển vốn đầu tư vào thị trường có nền kinh tế bị khủng hoảng vì ở đó có độ mạo hiểm cao.

Như vậy, sự ổn định tình hình kinh tế, chính trị ở nước chủ nhà không chỉ là điều kiện quan trọng đảm bảo an toàn vốn đầu tư mà còn có vai trò to lớn để đảm bảo sự ổn định nền kinh tế - xã hội, nhờ đó giảm được khả năng rủi ro đầu tư. Đây là những mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào malaysia giai đoạn 2000 2010 và bài học kinh nghiệm đối với việt nam (Trang 38 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)