2.1. Các chính sách thu hút FDI của Malaysia
2.1.2. Chính sách sở hữu và bảo đảm vốn đầu tư
Không giống như nhiều nước đang phát triển khác, điểm xuất phát thực hiện công nghiệp hóa của Malaysia với các đặc trưng từ xã hội đa sắc tộc, vốn nước ngoài chiếm phần lớn trong các ngành kinh tế mũi nhọn là khai thác mỏ và đồn điền cao su. Tỷ lệ sở hữu tài sản của người bản địa Malaysia (Bumiputera) trong nền kinh tế còn thấp. Do đó, sau khi giành được độc lập, Chính phủ Malaysia đã quy định những dự án FDI có trên 70% là sở hữu nước ngoài thì phần còn lại phải giành cho người bản địa (Bumiputera); nếu sở hữu nước ngoài dưới 70%, thì 30% giành cho người bản địa và phần còn lại mới giành cho những người Malaysia khác [56, tr.4] (Ấn độ, Hoa kiều, Bồ Đào Nha ...). Trong trường hợp người bản địa (Bumiputera không có khả năng đầu tư hết tỷ lệ cho phép thì Chính phủ sẽ phân phối cho các nhóm người Malaysia khác.
Để khuyến khích xuất khẩu, chính sách sở hữu cũng quy định các dự án FDI được sở hữu 100% vốn nước ngoài phải có từ 80% sản phẩm xuất khẩu. Nếu tỷ lệ xuất khẩu nằm trong khoảng 51 - 79% thì chỉ được sở hữu vốn tối đa là 79% và khi tỷ lệ xuất khẩu đạt từ 20 - 50% thì mức sở hữu vốn từ 30 - 51%. Tuy nhiên, ngoài các quy định trên, Chính phủ Malaysia còn xem xét các tiêu chuẩn khác như mức độ chuyển giao công nghệ, quy mô dự án, địa điểm đầu tư, giá trị gia tăng, tác động ngoại ứng ... Nhìn chung, các tiêu chuẩn xem xét này không khác biệt nhiều so với các chính sách sở hữu nước ngoài của các nước đang phát triển.
Để khuyến khích tăng cường liên kết giữa các ngành kinh tế và mở rộng tiêu thụ nội địa, Chính phủ Malaysia đã hạ tiêu chuẩn xuất khẩu ở mức tối đa xuống còn 50% đối với các dự án phổ thông và bỏ tiêu chuẩn này đối với các dự án nằm trong danh mục ưu tiên (kỹ thuật cao và xa lộ thông tin đa phương tiện) được sở hữu 100% vốn nước ngoài. Hơn nữa, để khuyến khích FDI vào Malaysia trước tác động của khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, mức sở hữu cao nhất (dạng phổ thông) của các công ty nước ngoài được nới lỏng từ 30% lên 49% và dự kiến sẽ lên tới 61%. Như vậy, có thể thấy Malaysia rất chú trọng đến quyền lợi của người Bumiputera, tích cực nâng cao tỷ lệ sở hữu của người bản xứ trong quá trình sử dụng vốn nước ngoài. Mục tiêu này được thể hiện rất rõ trong nội dung của chính sách kinh tế mới (New Economic Policy - NEP) ban hành đầu thập kỷ 70, đây là điểm khác biệt so với chính sách sở hữu vốn đối với FDI của nhiều nước đang phát triển. Chính sách sở hữu vốn đầu tư của Malaysia đã phản ánh rõ mục tiêu sử dụng FDI hướng vào xuất khẩu là chủ yếu.
Để tăng tin tưởng cho các chủ đầu tư nước ngoài, Chính phủ Malaysia đã cam kết không tịch thu hoặc quốc hữu hóa tài sản hợp pháp của người nước ngoài và không đòi hỏi bên nước ngoài phải điều chỉnh tỷ lệ góp vốn
trong các dự án đã được cấp phép. Đồng thời, tạo mọi thuận lợi cho các chủ đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận, vốn và tài sản của mình về nước, các tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết theo thông lệ quốc tế. Các cam kết này được ghi rõ trong các hiệp định bảo đảm đầu tư (Investment Guarantee Agreements - IGAs) và các hiệp định tránh đánh thuế hai lần (Double Taxation Agreements - DTAs) của Malaysia. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài không những được đảm bảo an toàn vốn đầu tư mà còn được nhận ưu đãi về tài chính từ các nước của chủ đầu tư, các dự án FDI được cấp phép không phải điều chỉnh tỷ lệ sở hữu vốn trong quá trình hoạt động. Đây là những quy định hết sức quan trọng, củng cố sự tin tưởng cho các chủ đầu tư nước ngoài trong bối cảnh của Malaysia luôn đề cao tinh thần dân tộc. Qua đó có thể thấy, chính sách sở hũu và đảm bảo vốn FDI của Malaysia khá rõ ràng và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.