Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về FDI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào malaysia giai đoạn 2000 2010 và bài học kinh nghiệm đối với việt nam (Trang 63 - 65)

2.1. Các chính sách thu hút FDI của Malaysia

2.1.8. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về FDI

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động FDI, Malaysia thực hiện công tác quản lý và tiếp nhận FDI theo cơ chế "một cửa". Từ năm 1998, MIDA (Malaysian Investment Development Authority - Tổ chức phát triển công nghiệp Malaysia) là đầu mối duy nhất giúp các nhà đầu tư hoàn tất mọi thủ tục trong việc cấp phép thành lập và đi vào hoạt động. Tại MIDA, tất cả các cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Phát triển nguồn nhân lực, Cục Nhập cảnh, Cục Hải quan, Cục Thuế vụ, Cục Môi trường ... có trách nhiệm cử các chuyên gia có năng lực đến làm việc để phối hợp giải quyết công việc nhằm giảm các thủ tục hành chính, tránh sự chồng chéo, rườm rà. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của MIDA rất rộng: Có thể nhanh chóng đưa ra "những khuyến khích trọn gói" đối với các dự án FDI trọng điểm; phê duyệt tất cả các dự án cấp liên bang, cung cấp các dịch vụ sau đầu tư; đứng ra giải quyết những vướng mắc giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương... Ngoài trụ sở chính ở Kuala Lumpur, MIDA còn có 16 văn phòng ở nước ngoài và chi nhánh ở các bang thuộc Malaysia để cung cấp dịch vụ cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài.

Malaysia bảo đảm cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến FDI theo các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, kể cả vấn đề trọng tài nhằm tạo sự yên tâm, tin tưởng cho các nhà đầu tư. Malaysia đã thành lập ủy ban giải quyết các tranh chấp liên quan đến đầu tư của người nước ngoài; đầu năm 2003, thành lập Uỷ ban nội các phụ trách các vấn đề cạnh tranh để làm nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan hữu quan của chính phủ tiến hành cải cách hệ thống dịch vụ công cộng như thủ tục hành chính, đất đai, thương hiệu, cấp giấy phép hoạt động ... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Về cải cách thủ tục hành chính, ngay từ năm 2000, Malaysia đã thực hiện cải cách hệ thống quản lý thuế bằng việc đưa ra "hệ thống tự đánh giá" thay cho "hệ thống đánh giá chính thức" áp dụng trước đó [48, tr.25]. Đây là hình thức đổi mới phù hợp với những đòi hỏi trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều kế hoạch cải cách được tiến hành trong năm 2004, trong đó đặc biệt chú trọng việc xóa bỏ tệ quan liêu hành chính, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động điều hành, quản lý của Chính phủ; thực hiện đơn giản hóa thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc mua bán bất động sản và cổ phần hóa các công ty trong nước.

Về vấn đề môi trường, Malaysia coi trọng công tác bảo vệ môi trường nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Malaysia sửa đổi Luật Chất lượng môi trường ban hành từ năm 1974 nhằm tạo cơ sở pháp lý để ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường. Bên cạnh việc bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện những quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, Malaysia có chính sách phân bổ vốn và miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp cung cấp các thiết bị về xử lý rác thải; miễn giảm thuế doanh thu, thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu thô được nhập khẩu để kiểm soát và khống chế ô nhiễm; giảm giá bán đối với xăng không chì; giảm thuế nhập khẩu đối với xe chở khách

chạy bằng diezel thế hệ mới ... [48, tr.51]; cho phép tính tăng 2 - 4% giá thành sản xuất, nếu doanh nghiệp sử dụng chi phí này để bảo vệ môi trường, xử lý chất thải.

Tóm lại, với quan điểm coi trọng FDI như là yếu tố then chốt để phát

triển nền kinh tế, Malaysia đã không ngừng đưa ra các ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút FDI vào các lĩnh vực kinh tế quan trọng. Để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, Malaysia đã đảm bảo tài sản, các quyền sở hữu cho người nước ngoài bằng luật pháp và luôn thực hiện các ưu đãi đầu tư theo nguyên tắc không hồi tố trong thời gian cam kết. Chính sách ưu đãi đầu tư không phân biệt đối xử giữa đầu tư trong nước hay ngoài nước, vì thế đã tạo được sự minh bạch trong các chính sách đầu tư và quyền bình đẳng cho các công ty nước ngoài đầu tư ở Malaysia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào malaysia giai đoạn 2000 2010 và bài học kinh nghiệm đối với việt nam (Trang 63 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)