Từ năm 1996, Malaysia tiến hành thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 7 (1996 - 2000) và Kế hoạch phát triển công nghiệp lần thứ hai - IMP2 (1996 - 2005) với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng cao, ổn định của khu vực sản xuất, nhất là các ngành công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Trong quá trình triển khai, tháng 07/1997, Malaysia bị cuốn vào cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực. Cuộc khủng hoảng đã gây ra những hậu quả nặng nề, mức tăng trưởng kinh tế bị giảm sút từ chỗ tăng trưởng 8,2% năm 1996 xuống còn 7% năm 1997 và thậm chí là - 7,5% năm 1998; đồng RM mất giá tới 70% từ 2,42 RM/USD vào tháng 04/1997 xuống còn 4,88 RM/USD vào tháng 02/1998. Sự bất ổn định của môi trường tài chính - tiền tệ khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lâm vào tình trạng phá sản, dòng FDI vào Malaysia giảm sút, những khó khăn về kinh tế cũng làm phức tạp thêm đời sống chính trị - xã hội, tỷ lệ thất nghiệp trong dân cư tăng lên.
Nền kinh tế của Malaysia đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với những bước thăng trầm. Tuy ở mỗi giai đoạn có những đặc điểm riêng, nhưng đều có mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế tạo và coi đây là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2002 - 2005 vẫn chiếm bình quân trên 50%; đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế tạo, khu vực kinh tế trụ cột của Malaysia, tỷ trọng vốn FDI đóng góp khá cao. Tăng trưởng GDP của Malaysia, từ mức - 7,4% năm 1998 đã tăng lên 6,1% năm 1999 và 5,2% năm 2003; tới 7,1% năm 2004, mức tăng trưởng này cao hơn Thái Lan, Inđônêxia, Philippin... là do có sự đóng góp tích cực của khu vực FDI.
Bảng 2.1: Tỷ trọng vốn FDI trong ngành chế tạo ở Malaysia,
giai đoạn 2002 - 2005, (kể cả dự án mới và mở rộng)
Đơn vị: Triệu USD 2002 2003 2004 2005 Tổng vốn đầu tư 4.705 7.670 7.572 8.173 Vốn đầu tư trong nước 1.658 3.554 4.113 3.467 Vốn FDI 3.047 4.116 3.459 4.706 Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn ĐT 64,8% 53,7% 45,7% 57,6%
Nguồn: Investment Climate Statement - Malaysia, 2007.
Các giai đoạn công nghiệp hóa của Malaysia rất cần đến nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, kiến thức quản lý tiên tiến, đội ngũ lao động có tay nghề cao và mở rộng thị trường. Trong khi đó, các yếu tố này vẫn còn hạn chế do nội tại nền kinh tế của Malaysia. Vì thế, nhu cầu thu hút FDI của Malaysia rất lớn và đây chính là cơ sở thực tiễn quan trọng thúc đẩy dòng vốn FDI vào Malaysia.
Bảng 2.2: Dòng vốn FDI vào Malaysia giai đoạn 2000 – 2010
Đơn vị: Triệu USD
Năm Tổng vốn FDI (Triệu USD) Tỷ trọng so với GDP (%) 2000 3.788 4,04 2001 554 0,60 2002 3.203 3,18 2003 2.473 2,24 2004 4.624 3,71 2005 3.966 2,87 2006 6.076 3,88 2007 8.590 4,60 2008 7.376 3,31 2009 1.387 0,72 2010 9.167 3,86
Nguồn: Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (World Bank), 2011
Sau khi gặp khó khăn vào năm 2009, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Malaysia đã tăng trở lại khi đạt 9,1 tỷ USD vào năm 2010 và hơn 10 tỷ USD năm 2011. Nguồn FDI đổ vào Malaysia trong 2 năm gần đây đã phản ánh lòng tin của các nhà đầu tư sau những sáng kiến của Chính phủ Malaysia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2010, đã có 910 dự án được thông qua với tổng vốn đầu tư 15,8 tỷ USD. Chỉ riêng trong tháng 7 năm 2011, đã có 61 dự án sản xuất được thông qua với tổng vốn đầu tư 1,44 tỷ USD trong đó 804 triệu USD là vốn đầu tư trong nước và 637 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
Các nước và vùng lãnh thổ đầu tư chính vào Malaysia gồm Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Hà Lan, Anh và Đài Loan. Trung Quốc hiện tại cũng rất quan tâm đầu tư vào Malaysia vì các công ty của họ cho rằng Malaysia có vị trí địa lý thuận lợi, tình hình kinh tế và chính trị ổn định. Công ty thép của Chính phủ Trung Quốc Shougang Group đã khởi động dự án liên doanh với Hiap Teck Venture Berhad (Malaysia) vào tháng 12/2011 để xây dựng nhà máy thép trị giá 288,3 triệu USD. Tổng số vốn đầu tư nước ngoài đã được phê duyệt trong năm 2011 đã tăng 36,7%, lên 46,9 tỷ USD, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tám trong lĩnh vực sản xuất với tổng đầu tư là 376 triệu USD, tăng 81,2% so với năm 2010, chủ yếu vào kim loại cơ bản, vận tải, máy móc và thiết bị, và các sản phẩm khoáng sản phi kim loại. Đầu tháng 6/2012, Malaysia đã phê duyệt nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất từ các doanh nghiệp Trung Quốc, với tổng giá trị lên đến 71,2 triệu USD. Hiện đầu tư của Trung Quốc vào thị trường Malaysia đã lên tới hơn 6 tỷ USD. Các khoản đầu tư lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất, bán buôn và bán lẻ, nông nghiệp, dịch vụ thương mại và cho thuê, và các ngành dịch vụ công nghệ thông tin. Ngoài ra Malaysia còn chú ý đến thu hút đầu tư từ Trung Đông.
Đầu tư nước ngoài được thông qua ở Malaysia chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, tài chính và bảo hiểm, thông tin và truyền thông, lĩnh vực khai thác mỏ, dầu và khí đốt. Sau các thảm hoạ tại Nhật Bản và Thái Lan năm 2011, các nhà sản xuất ổ đĩa cứng như Western Digital Inc và các công ty điện tử như Sony Corp và Toshiba Corp đã buộc phải tạm thời đóng cửa nhiều nhà máy. Giá ổ cứng toàn cầu đã tăng gấp đôi khi Western Digital và
các nhà sản xuất khác bắt đầu xây dựng sản xuất tại Malaysia sau trận lụt lịch sử. Giờ đây Western Digital đã lên kế hoạch đầu tư 5 năm trị giá 1,2 tỷ USD để giảm bớt sự phụ thuộc vào Thái Lan. Một nhà máy mới ở Malaysia dự kiến sẽ mở trong năm nay. Hãng sản xuất chip Intel, công ty audio Bose Corp và các nhà sản xuất linh kiện điện tử National Instruments và Agilent Technologies cũng đã bắt đầu mở rộng hoạt động tại đây. Về lâu dài, nhiều công ty đa quốc gia đang chuẩn bị kỹ hơn cho các thảm hoạ thiên nhiên và những bất ngờ đối với chuỗi cung ứng, hơn nữa, khi chi phí lao động tại các trung tâm sản xuất như Trung Quốc và Thái Lan đang tăng lên, Penang và Malaysia được xem như những địa điểm hấp dẫn. Penang còn thu hút các nhà sản xuất nhờ là một trung tâm hàng không quốc tế và cơ sở hạ tầng hậu cần mạnh mẽ, trong đó có nguồn điện, nước ổn định và không đắt đỏ.