2.1. Các chính sách thu hút FDI của Malaysia
2.1.5. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng
Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho hoạt động thu hút FDI, sau khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 1997, Malaysia tiếp tục chú trọng đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại. Malaysia đã thành lập "Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng" với nguồn vốn ngân sách cấp ban đầu là 5 tỷ RM. Quỹ này có nhiệm vụ trợ giúp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, như nâng cấp mạng lưới đường ray điện từ Putra, Star và ERL; nâng cao năng lực khai thác đường cao tốc Kuala Lumpur, Cheras - Kajang, Ipah - Lumut ...; nâng cấp hệ thống cảng Kuantan, TangJung Pelepas; xây dựng một số dự án cấp thoát nước và xử lý chất thải ... Chính phủ Malaysia đã chi hơn 4 tỷ RM ngay sau khi xảy ra khủng hoảng để làm đường, cầu cống, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không dân dụng, nâng cấp các sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Penang, Kota Kinabalu, Tawau ...
Trong lĩnh vực vận tải hàng không, ngoài việc mở rộng nâng cấp sân bay, trang bị thêm máy bay, mở các đường bay mới, Hãng vận tải quốc gia Maskargo của Malaysia mở dịch vụ chuyển tải cảng biển tại sân bay. Đây là sân bay đầu tiên trên thế giới có dịch vụ này, cho phép giải phóng hàng hóa vận tải biển - hàng không nhanh qua cảng sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Klia [61, tr.118]. Malaysia cũng đã đầu tư 29,1 triệu USD xây dựng cảng hàng không giá rẻ đầu tiên ở Châu Á với công suất ban đầu 10 triệu khách/năm. Trong vận tải biển, Malaysia đã vươn lên cạnh tranh với Singapore và trở thành một trung tâm vận tải biển lớn trong khu vực, Malaysia cũng đang tập trung xây dựng tập đoàn vận chuyển bằng container có tầm cỡ hàng đầu thế giới.
Kinh phí dành cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không ngừng được tăng lên. Năm 1999, Chính phủ Malaysia chi gần 3 tỷ USD để khôi phục các dự án về cơ sở hạ tầng; năm 2004 chi khoảng 2,24 tỷ USD (trong kế hoạch
chi 10 tỷ RM trong 2 năm) cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai. Hiện Malaysia đã khởi động hàng loạt dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trị giá 1,5 tỷ USD. Trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và huy động các nguồn vốn khác từ trong nước, Malaysia còn khuyến khích thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh việc tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, Malaysia thực hiện công khai các dự án kêu gọi đầu tư và những khuyến khích cả gói, như kêu gọi đầu tư vào dự án xây dựng cây cầu dài 24km (dài nhất khu vực Đông Nam Á) trị giá 3 tỷ RM; dự án đường xe lửa Penang trị giá 1,1 tỷ RM; dự án mở rộng sân bay, cảng biển ở Penang và nhiều dự án khác.
Chính sách đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đã tạo ra năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm các chi phí về dịch vụ. Trong khi nhiều quốc gia còn thiếu điện thì sản lượng điện phát ra của Malaysia luôn vượt sản lượng điện tiêu dùng. Thực tế ở Malaysia cho thấy, dịch vụ vận tải (kể cả đường bộ, đường biển, đường sắt), dịch vụ viễn thông, điện, nước, giá thuê văn phòng... đều được đảm bảo cung ứng đầy đủ, nhanh, thuận lợi, có chất lượng và mức chi phí rẻ hơn nhiều nước trong khu vực, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Trong xu thế phát triển nền kinh tế tri thức, Malaysia là một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại bậc nhất thế giới. Malaysia tập trung phát triển nhanh chóng hệ thống viễn thông, đảm bảo cung cấp các dịch vụ phong phú với các mạng hiện đại, kỹ thuật số hoàn toàn, các dải băng tần không dây cung cấp dữ liệu tốc độ cao và dung lượng lớn. Ngoài việc sử dụng vệ tinh MEASAT thế hệ 1 và 2 kết nối vào mạng thông tin vũ trụ năm 1996, Malaysia đã phóng vệ tinh siêu nhỏ Tiungsat 1 (năm 2000). Giá cước viễn thông nội địa cũng như quốc tế của Malaysia thuộc loại thấp nhất trong khu vực.
Malaysia tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng "Siêu hành lang đa phương tiện - MSC" với dự kiến chi khoảng 30 tỷ USD nhằm đưa Malaysia trở thành trung tâm năng động và hấp dẫn bậc nhất khu vực Đông Nam Á về công nghệ thông tin và viễn thông - ICT, đồng thời đưa Malaysia chuyển sang nền kinh tế tri thức chủ yếu dựa công nghệ điện tử và thông tin vào năm 2020. Về cơ sở hạ tầng tin học, ngay từ năm 1997, Malaysia đã thành lập những cơ sở điện tử hóa hệ thống tiền tệ, xây dựng "Phòng bảo đảm an ninh ngân hàng", đến tháng 03/1999 Malaysia hoàn thành việc xây dựng hệ thống hỗ trợ an toàn giao dịch ngân hàng và được liên thông với mạng của thế giới. Năm 1998, Malaysia phê chuẩn dự án phát triển “thành phố tri thức” Cybejaya (là một phần trong chương trình MSC) với số vốn đầu tư 5 tỷ RM (1,25 tỷ USD). Nhiều TNCs, công ty nước ngoài và công ty trong nước đầu tư vào khu vực MSC (Multimedia Super Corridor - Siêu hành lang đa phương tiện) với các sản phẩm viễn thông, đa phương tiện, các giải pháp hữu ích, dịch vụ và R&D.
Với những chính sách nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng, kể cả hạ tầng mềm đã tạo đà cho sự hình thành cấu trúc kinh tế mới, điện tử hóa hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tạo ra công năng mới cho nền kinh tế với năng suất lao động vượt trội. Qua đó đã thực sự tạo ra sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.