Chính sách tài chính tiền tệ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào malaysia giai đoạn 2000 2010 và bài học kinh nghiệm đối với việt nam (Trang 45 - 47)

2.1. Các chính sách thu hút FDI của Malaysia

2.1.1. Chính sách tài chính tiền tệ

Ngay sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 1997, Malaysia đã tích cực điều chỉnh một số chính sách tài chính - tiền tệ theo cách riêng của mình nhằm giải quyết nhiệm vụ cấp bách là nhanh chóng khắc phục khủng hoảng, ổn định và phát triển kinh tế, tạo môi trường thuận lợi để thu hút FDI. Về kiểm soát vốn, với phương châm "lùi một bước để tiến hai bước" nhằm hạn chế vốn chảy ra khỏi đất nước, Malaysia đã thực hiện một số biện pháp: Quy định về định mức lượng tiền đưa vào (hay đem ra) khỏi Malaysia đối với mỗi công dân Malaysia (hay người nước ngoài thường trú tại Malaysia) không quá 10.000 RM. Malaysia cho phép khách du lịch đem vào lượng ngoại tệ không giới hạn, nhưng đem ra không quá 1.000 RM; Ngân hàng Trung ương Negara quy định không được phép bán vượt quá 2 triệu RM cho mỗi người nước ngoài; ngân sách trung ương cũng tung ra 1,5 tỷ USD cùng với 300 triệu USD của Ngân hàng Trung ương Negara để mua đồng RM; quy định đồng RM nằm ngoài lãnh thổ Malaysia sau ngày 30/09/1998 sẽ vô giá trị; đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán chỉ được rút khỏi Malaysia sau thời hạn 01 năm; nghiêm cấm bán một số loại chứng khoán trên thị trường và có kế hoạch thu hút khoảng 20 tỷ USD để giữ chỉ số chứng khoán không tụt giá quá mức; từ 01/10/1988, số tiền đầu tư ra nước ngoài vượt quá 10.000 RM phải xin phép Ngân hàng Trung ương Negara; tất cả các giao dịch xuất nhập khẩu phải thanh toán bằng ngoại tệ ...

Sau ngày 15/02/1999, Malaysia điều chỉnh biện pháp kiểm soát vốn có lựa chọn thông qua điều tiết về giá cả thay cho kiểm soát về số lượng.

Malaysia quy định, vốn đầu tư ngắn hạn khi đưa ra khỏi Malaysia phải nộp thuế 30% đối với thời hạn 7 tháng; 20% đối với thời hạn 9 tháng; 10% đối với thời hạn 12 tháng và 0% đối với thời hạn trên 12 tháng. Từ tháng 09/1999, tỷ lệ thuế đối với lợi nhuận đưa về nước được giảm xuống còn 10%, và đến năm 2001 thì dỡ bỏ hoàn toàn. Biện pháp kiểm soát vốn tuy cứng rắn, gây lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng thời gian áp dụng không dài và kết quả đã giúp Malaysia tránh được xáo trộn lớn trên thị trường tài chính và góp phần tạo được sự ổn định cho nền kinh tế.

Khác với các nước trong khu vực, để kiểm soát tiền tệ sau khủng hoảng, Malaysia thực hiện chính sách cố định tỷ giá ở mức 3,8 RM = 1 USD áp dụng từ ngày 01/09/1998. Khi vượt qua thời điểm cấp bách của khủng hoảng, Malaysia chuyển sang thực hiện chính sách tỷ giá "thả nổi có quản lý" nhằm kích thích hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư.

Thời gian đầu xảy ra khủng hoảng, cùng với các biện pháp thắt chặt tiền tệ, Malaysia thực hiện nâng lãi suất nhằm hạn chế dòng vốn chảy ra ngoài và ngăn ngừa đầu tư quá nóng. Sau khi tình hình ổn định, Malaysia nới lỏng dần và thực hiện giảm lãi suất với mức bình quân từ 6,35% năm 1998 xuống còn 3,18% năm 1999 để kích thích sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và khuyến khích đầu tư.

Đối với hệ thống ngân hàng, Malaysia tiến hành cơ cấu lại theo hướng sáp nhập thành các ngân hàng có quy mô lớn, đủ tiềm lực và đạt chất lượng cạnh tranh quốc tế bằng việc quy định mỗi nhóm ngân hàng có số vốn tối thiểu của mỗi cổ đông là 2 tỷ RM và có tài sản cố định trị giá từ 25 tỷ RM trở lên. Malaysia quy định các ngân hàng phải duy trì mức dự trữ tương đương 15% tổng số tiền vay tồn đọng; nới lỏng giới hạn sở hữu ngân hàng và công ty tài chính đối với người nước ngoài. Vì thế, số lượng ngân hàng và tổ chức tài chính đã giảm từ 240 đơn vị năm 1997 xuống còn 146 đơn vị năm 2001 [45,

tr.173]. Để lành mạnh thị trường tài chính, tháng 06/1998 Malaysia đã thành lập tổ chức xử lý nợ tồn đọng quốc gia - Pengurusan Danaharta Nasional (gọi tắt là Danaharta) do Bộ Tài chính quản lý để làm nhiệm vụ quản lý, xử lý nợ và những khoản vay không sinh lãi của các tổ chức tín dụng.

Cùng với những điều chỉnh về chính sách tài chính - tiền tệ, Malaysia đã tiến hành điều chỉnh cơ cấu kinh tế thông qua "Kế hoạch phục hồi kinh tế đất nước (National Economic Recovery Plan - NERP)" để thực hiện mục tiêu: ổn định đồng RM; phục hồi lòng tin thị trường; duy trì ổn định tài chính; củng cố những nguyên tắc kinh tế cơ bản; tiếp tục cổ phần hóa và các chương trình xã hội; phục hồi khu vực kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhờ đó, nền kinh tế đã nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng kinh tế đạt 5,8% GDP năm 1999. Malaysia được đánh giá là nước có những biện pháp vượt qua khủng hoảng khả quan nhất, đã tái khởi động sản xuất trong nước, tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, qua đó đã làm yên lòng các nhà đầu tư và dần lấy lại sức hấp dẫn thu hút FDI.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào malaysia giai đoạn 2000 2010 và bài học kinh nghiệm đối với việt nam (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)