7. Cấu trúc của luận văn
1.2.1. Khái niệm rủi ro tỷ giá
Rủi ro là những tổn thất, sai lệch so với dự tính xảy ra nằm ngoài ý muốn của con người.
Rủi ro tỷ giá là khả năng thiệt hại, tổn thất mà ngân hàng phải gánh chịu do sự thay đổi tỷ giá hối đoái giữa nội tệ và ngoại tệ.
(Nguồn: Nguyễn Kim Anh (2008), “giáo trình Rủi ro tỷ giá hối đoái và quản trị rủi ro hối đoái”, Nxb Thống kê, tr. 34)
Tuy nhiên, không phải bất cứ khi nào tỷ giá hối đoái biến động thì NHTM sẽ gặp rủi ro hối đoái. Sự biến động của tỷ giá hối đoái chỉ là một điều kiện cần để có thể làm cho ngân hàng gặp phải rủi ro tỷ giá bởi vì nếu hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại đơn thuần chỉ liên quan đến nội tệ và diễn ra trong nước thì rủi ro tỷ giá lúc này là bằng không. Trên thực tế, NHTM kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ bao gồm nội tệ và ngoại tệ do vậy phần tiếp theo sẽ nghiên cứu điều kiện đủ hay là những nguyên nhân chính làm cho một ngân hàng thương mại gặp phải rủi ro về tỷ giá khi thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh.
1.2.2.Nguyên nhân phát sinh rủi ro tỷ giá
1.2.2.1. Rủi do từ hoạt động nội bảng
Hoạt động nội bảng của các NHTM sẽ gây ra rủi ro tỷ giá là do sự không cân xứng giữa tài sản có và tài sản nợ đối với từng loại ngoại tệ. Tài sản có bằng ngoại tệ bao gồm: các khoản cho vay bằng ngoại tệ; các chứng khoán bằng ngoại tệ; tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng khác; tiền mặt bằng ngoại tệ… Tài sản nợ bằng ngoại tệ bao gồm: chứng chỉ tiền gửi ghi bằng ngoại tệ do ngân hàng phát hành; tiền gửi bằng ngoại tệ từ các cá nhân, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng; các khoản vay bằng ngoại tệ; các hình thức huy động vốn khác bằng ngoại tệ…
Trường hợp 1: Tài sản ròng bằng ngoại tệ > 0: TSC bằng ngoại tệ lớn hơn TSN bằng ngoại tệ. Khi tỷ giá tăng (ngoại tệ tăng giá, nội tệ giảm giá): NHTM
có lãi. Ngược lại, khi tỷ giá giảm (ngoại tệ giảm giá, nội tệ tăng giá): NHTM bị lỗ.
Trường hợp 2: Tài sản ròng bằng ngoại tệ < 0: TSC bằng ngoại tệ nhỏ hơn TSN bằng ngoại tệ. Khi tỷ giá tăng (ngoại tệ tăng giá, nội tệ giảm giá): NHTM bị lỗ. Ngược lại, khi tỷ giá giảm (ngoại tệ giảm giá, nội tệ tăng giá): NHTM có lãi.
Trường hợp 3: Tài sản ròng bằng ngoại tệ = 0: TSC bằng ngoại tệ bằng TSN bằng ngoại tệ. NHTM sẽ không gặp rủi ro về tỷ giá cho dù tỷ giá có biến động như thế nào đi chăng nữa.
1.2.2.2. Rủi ro từ hoạt động ngoại bảng
Sự tham gia của một NHTM vào thị trường ngoại hối được thực hiện chủ yếu thông qua 4 hoạt động sau:
Thứ nhất, mua và bán ngoại tệ cho khách hàng nhằm thực hiện và thanh toán các hợp đồng ngoại thương.
Thứ hai, mua và bán ngoại tệ cho khách hàng nhằm thực hiện đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
Thứ ba, mua và bán ngoại tệ cho khách hàng hoặc cho chính ngân hàng nhằm cân bằng trạng thái ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Thứ tư, mua và bán ngoại tệ nhằm mục đích đầu cơ kiếm lãi khi tỷ giá biến động.
Trong 4 giao dịch trên, 2 giao dịch đầu tiên ngân hàng thực hiện mua hộ và bán hộ cho khách hàng để thu phí (hay thu lãi KDNT) do đó rủi ro tỷ giá
không phát sinh. Giao dịch thứ 3 nhằm mục đích cân bằng trạng thái ngoại tệ là nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá vì vậy nó sẽ làm giảm mức độ rủi ro xuống. Như vậy, thực chất rủi ro tỷ giá của NHTM chủ yếu do những hoạt động đầu cơ mang lại. Khi đó, NHTM sẽ duy trì một trạng thái ngoại tệ mở (dương hoặc âm) và tỷ giá trên thị trường là biến động.
Trạng thái ngoại tệ ròng = Ngoại tệ mua vào – Ngoại tệ bán ra
Trường hợp 1: Trạng thái ngoại tệ ròng > 0: doanh số ngoại tệ mua vào lớn hơn doanh số ngoại tệ bán ra. Khi tỷ giá tăng (ngoại tệ tăng giá, nội tệ giảm giá): NHTM có lãi. Ngược lại, khi tỷ giá giảm (ngoại tệ giảm giá, nội tệ tăng giá): NHTM bị lỗ.
Trường hợp 2: Trạng thái ngoại tệ ròng < 0: Doanh số ngoại tệ mua vào nhỏ hơn doanh số ngoại tệ bán ra (ngân hàng đang mượn ngoại tệ từ nguồn khác để bán trước). Khi tỷ giá tăng (ngoại tệ tăng giá, nội tệ giảm giá): NHTM bị lỗ. Ngược lại, khi tỷ giá giảm (ngoại tệ giảm giá, nội tệ tăng giá): NHTM có lãi.
Trường hợp 3: Trạng thái ngoại tệ = 0: Doanh số mua ngoại tệ bằng doanh số bán ngoại tệ. NHTM sẽ không gặp rủi ro về tỷ giá cho dù tỷ giá có biến động .
Như vậy, một NHTM sẽ gặp phải rủi ro về tỷ giá khi ngân hàng đó duy trì sự không cân xứng giữa tài sản có và tài sản nợ đối với từng loại ngoại tệ, khi trạng thái ngoại tệ là mở và tỷ giá trên thị trường biến động.
Công thức tổng quát xác định trạng thái rủi ro hối đoái ròng (NPE – Net Position Exposure) đối với ngoại tệ thứ i như sau:
NPEi= Tài sản ròng bằng ngoại tệi + Trạng thái ngoại tệ ròngi
= (TSC bằng ngoại tệi – TSN bằng ngoại tệi) + (Doanh số mua vào ngoại tệi – Doanh số bán ra ngoại tệi)
Trường hợp 1: Nếu NPEi > 0: Khi tỷ giá tăng (ngoại tệ tăng giá, nội tệ giảm giá): NHTM có lãi. Ngược lại, khi tỷ giá giảm (ngoại tệ giảm giá, nội tệ tăng giá): NHTM bị lỗ.
Trường hợp 2: Nếu NPEi < 0: Khi tỷ giá tăng (ngoại tệ tăng giá, nội tệ giảm giá): NHTM bị lỗ. Ngược lại, khi tỷ giá giảm (ngoại tệ giảm giá, nội tệ tăng giá): NHTM có lãi.
Trường hợp 3: Nếu NPEi = 0: NHTM sẽ không gặp rủi ro về tỷ giá cho dù tỷ giá có biến động .
(Nguồn: Nguyễn Kim Anh (2008), “giáo trình Rủi ro tỷ giá hối đoái và quản trị rủi ro hối đoái”, Nxb Thống kê, tr. 39)