7. Phương pháp nghiên cứu
1.1.4. Hoạt động cắt dán của trẻ mẫu giáo lớn
1.1.4.1. Một số đặc điểm phát triển về mặt nhận thức của trẻ mẫu giáo lớn
* Tri giác:
Hiệu quả của việc sử dụng các phương tiện tạo hình trong tranh cắt dán của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tri giác hình tượng, vào sự lựa chọn góc độ nhìn và khả năng cảm nhận vẻ đẹp đa dạng, sinh động của thế giới xung quanh. Đồng thời, hiệu quả đó còn phụ thuộc vào khả năng tưởng tượng sáng tạo, biến đổi hình tượng và vào mức độ phong phú sâu sắc của các xúc cảm, tình cảm thẩm mĩ ở trẻ.
Ở trẻ mẫu giáo lớn, tri giác chủ định đã được hình thành. Tuy nhiên, trẻ tri giác hiện thực và thế giới xung quanh chưa hoàn thiện và thiếu chính xác, chưa tự mình phân tích được đặc điểm của đồ vật hoặc bức tranh. Sự tri giác của trẻ phụ thuộc vào mức độ cảm hứng.[1;12]
Sự tri giác của trẻ ở độ tuổi này phụ thuộc vào đặc điểm bên ngoài của đối tượng (màu sắc, âm thanh, hình dáng...) do đó trẻ chưa nhận thấy dấu hiệu bản chất.
Đặc điểm tri giác tranh: Theo nghiên cứu của các nhà tâm lí, giáo dục học thì trẻ mô tả tranh phụ thuộc vào nội dung bức tranh quen thuộc hay ít quen thuộc và phụ thuộc vào cấu trúc của bức tranh. Nếu chủ đề tranh nằm
trong tầm hiểu biết và vốn kinh nghiêm của trẻ thì trẻ có thể lí giải được bức tranh đó khá tỉ mỉ, xem xét rất tuần tự và lí giải khá đúng đắn.
Đối với các trẻ phát triển bình thường, trong thời kì mẫu giáo trẻ đã có sự tri giác khá toàn diện: như tri giác các hình ảnh với màu sắc, đường nét, các cung bậc âm thanh, nhiệt độ, mùi vị và thời gian… Mỗi trải nghiệm đều có tác dụng làm chính xác hơn hình ảnh tri giác của trẻ.
Theo A.A.Liublinskaia, khi trẻ xem tranh, nếu nhà giáo dục dẫn dắt bằng cách đặt câu hỏi giúp trẻ tự phân tích cái được mô tả trong tranh và xác định những mối liên hệ khác nhau giữa các đối tượng. Trong số liên hệ này, những liên hệ không gian có ý nghĩa hàng đầu: Vị trí, tư thế của đối tượng… Qua những liên hệ không gian, những liên hệ logic tồn tại giữa các đối tượng được phát hiện điều đó cho phép trẻ cảm thụ bức tranh một cách toàn vẹn. Như vậy dựa vào đặc điểm khả năng tri giác của trẻ mãu giáo lớn, khi cho trẻ xem tranh nhà giáo dục cần có những biện pháp hướng dẫn cho phù hợp.
* Sự phát triển tư duy:
Tư duy là quá trình tâm lý quan trọng nhất, là cốt lõi của hoạt động nhận thức, nó phản ánh các dấu hiệu, các mối liên hệ và quan hệ bản chất sự vật và hiện tượng khách quan.[13;15]
Tư duy của trẻ gắn liền với hoạt động với đồ vật, đặc biệt là những hành động cụ thể. Nhờ đó trẻ tiến gần đến trình độ khái quát hiện tượng, sự vật theo dấu hiệu bề ngoài và theo chức năng của chúng.
Tư duy của trẻ ở giai đoạn này là sự phát triển hoàn thiện, nâng cao của tư duy trực quan hành động. Nhờ sự tích luỹ vốn biểu tượng của trẻ về thế giới xung quanh mối liên hệ của chúng dưới dạng hình ảnh mà kiểu tư duy trực quan hình tượng được phát triển mạnh mẽ làm xuất hiện những yếu tố tiền đề của kiểu tư duy trừu tượng.
Ở lứa tuổi mẫu giáo lớn, trẻ có khả năng khái quát mở rộng, nhu cầu nhận thức phát triển, khiến tư duy trực quan – hình tượng trở nên chính xác và khách quan hơn. Thời kì này xuất hiện một dạng tư duy mới, đó là tư duy trực
quan – sơ đồ (biến thể của tư duy trực quan – hình tượng). Tư duy trực quan sơ đồ là bước tiến quan trọng trong năng lực tư duy, giúp cho trẻ nhận thức nhanh và chính xác về thế giới, đồng thời là bước chuẩn bị cần thiết cho việc ra đời một kiểu tư duy đích thực: Tư duy hình thức.
Piagét cho rằng quá trình hình thành, phát triển của tư duy diễn ra theo sơ đồ: Tri giác -> Biểu tượng -> Tư duy. Quá trình này diễn ra từ khoảng lứa tuổi 1, 2 tuổi và đạt được sự hoàn thiện khoảng 16 tuổi. Điều đó, chính là tạo tiền đề cho kiểu tư duy logic sẽ phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Ở lứa tuổi này các thao tác tư duy của trẻ cũng được phát triển. Trẻ có khả năng phân tích, so sánh, khái quát, tổng hợp và phân loại các sự vật, hiện tượng theo dấu hiệu của chúng và xác lập được mối quan hệ (kích thước, hình dáng, màu sắc, vị trí,…) giữa các phần và toàn bộ. Khả năng phân tích dễ dàng hơn so với sự tổng hợp.
Trong quá trình so sánh, trẻ thường chỉ tìm ra những điểm khác nhau và dễ nhận thấy nhất đó là sự khác nhau về kích thước, còn về vị trí trong không gian trẻ khó nhận ra hơn. Những điểm giống nhau của sự vật, hiện tượng ít được chú ý tới vì vậy để trẻ tích cực, chủ động miêu tả được các sự vật, hiện tượng thì cần phải có sự giúp đỡ của giáo viên giúp trẻ tìm ra được những điểm giống nhau và khác nhau của đối tượng đó.[2;15]
* Chú ý, trí nhớ và tưởng tượng.
Chú ý là trạng thái tâm lý của mỗi cá nhân thể hiện sự tập trung vào đối tượng nào đó. Chú ý biểu lộ thái độ quan tâm, tích cực của con người với hoạt động nhất định. Ở tuổi mẫu giáo lớn chú ý có chủ định đã được hình thành, tuy nhiên chú ý không có chủ định vẫn chiếm ưu thế, mức độ tập trung chú ý của trẻ phụ thuộc vào cảm xúc và tính hấp dẫn của đối tượng. Tuy trẻ 5 – 6 tuổi, sự chú ý còn bị phân tán và bị thu hút bởi bề ngoài hấp dẫn của đối tượng, nhưng so với lứa tuổi trước trẻ đã chú ý đến ý nghĩa của âm thanh và ngôn ngữ của người lớn đã trở thành đối tượng chú ý của trẻ. Như vậy để tăng
hiệu quả của hoạt động thì việc duy trì hứng thú của trẻ đối với đối tượng hoạt động là một việc làm đáng quan tâm.[8]
Trí nhớ có vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Đối với hoạt động cắt dán, đặc biệt là cắt dán theo đề tài, cắt dán theo ý thích thì hiệu quả của tranh cắt dán phụ thuộc vào những biểu tượng của trí nhớ mà trẻ đã lĩnh hội được.
Trẻ mẫu giáo lớn trí nhớ có chủ định đã bước đầu được hoàn thiện, song về căn bản trí nhớ của trẻ vẫn mang bản chất không chủ định. Trẻ chưa đặt ra mục đích ghi nhớ, quá trình ghi nhớ diễn ra độc lập với ý trí và ý thức. Trong quá trình hoạt động những đối tượng gây cảm xúc, sự lý thú với trẻ thì trẻ ghi nhớ. Đồng thời sự ghi nhớ của trẻ còn phụ thuộc vào tính tích cực của trẻ với đối tượng đó.
Tưởng tượng là đòi hỏi quan trọng trong hoạt động tạo hình nói chung và hoạt động cắt dán nói riêng. Đặc trưng cho tưởng tượng của trẻ mẫu giáo là tính giới hạn và tính hợp lý, sự tưởng tượng vừa mang tính hiện thực vừa mang tính chủ quan rõ nét. Điều này phần nào giải thích vì sao tranh của trẻ không giống thật và trẻ không thể hoạt động tích cực, sáng tạo theo sự áp đặt của cô.[12]
Chú ý, trí nhớ, tưởng tượng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và gắn liền với cảm xúc, ý muốn chủ quan của trẻ. Trẻ chỉ chú ý đến những gì trẻ thích thú, chú ý là tiền đề của sự ghi nhớ. Đồng thời sự tưởng tượng bắt nguồn từ cảm xúc của trẻ về đối tượng và những hình ảnh của đối tượng trong trí nhớ.[15]
1.1.4.2. Khả năng thể hiện ngôn ngữ tạo hình trong tranh cắt dán của trẻ mẫu giáo lớn
- Đặc điểm khả năng thể hiện đường nét hình dạng:[6;7]
Trẻ mẫu giáo lớn có khả năng tạo nên các đường nét với tính chất khác nhau khá phức tạp. Cùng với sự tăng lên ngày càng phong phú hơn của các kinh nghiệm nhận thức, các ấn tượng, xúc cảm, tình cảm, trẻ mẫu giáo lớn bắt
đầu nhận ra được sự hạn chế và vẻ thiếu hấp dẫn trong tranh cắt dán với những đường nét đơn điệu, sơ lược. Với trình độ phát triển chung của năng lực nhận thức thẩm mĩ và kỹ năng vận động, trẻ ở độ tuổi này đã có thể cảm nhận được tính nguyên thể của các hình ảnh đối tượng miêu tả và biết dùng các đường nét liền mạch, mềm mại, uyển chuyển để truyền đạt hình dáng trọn vẹn của mọi vật trong cấu trúc hợp lý, đồng thời thể hiện tư thế vận động, hành động phù hợp với nội dung sáng tạo. Đặc biệt trẻ 5 -6 tuổi đã khá linh hoạt trong việc biến đổi, phối hợp tính chất của đường nét và hình để thể hiện vẻ độc đáo, rất riêng của mỗi hình tượng, sự vật cụ thể.
- Đặc điểm khả năng thể hiện bằng màu sắc:
Trẻ mẫu giáo lớn đặc điểm khả năng thể hiện màu sắc trong tranh cắt dán đã hiệu quả hơn, biểu cảm hơn. Trẻ tiếp tục sử dụng đồng thời cả hai cách phối màu sắc: “màu sắc không bắt chước” và “màu sắc bắt chước”. Tình trạng cắt dán theo ngẫu hứng chưa suy nghĩ còn khá phổ biến. Điều này có nghĩa là, trẻ có thể cắt dán tranh theo “màu sắc bắt chước” kiểu thuộc lòng các màu sắc quy định theo chuẩn mẫu hoặc trẻ cắt dán theo “màu sắc không bắt chước” kiểu tự do, ngẫu nhiên, hoàn toàn không liên hệ với nội dung ý đồ miêu tả. Ở độ tuổi này, một số trẻ đã có vốn hiểu biết khá phong phú về cảm giác màu sắc, đã có khả năng độc lập quan sát để thấy được vẻ linh hoạt trong sự thay đổi màu sắc của các sự vật, hiện tượng trong hiện thực và làm quen qua quá trình tri giác với một số cách phối hợp màu sắc. Vì vậy, để hạn chế tình trạng cắt dán tranh theo “màu sắc bắt chước” kiểu thuộc lòng và theo màu sắc ngẫu nhiên ở trẻ thì cần tích cực cho trẻ quan sát, nhận thức sâu sắc sự vật, hiện tượng. Đây là điều kiện giúp trẻ biết sử dụng màu sắc một cách sinh động để thể hiện một cách sáng tạo nội dung bức tranh, qua đó biểu lộ suy nghĩ, tình cảm, ước mơ của mình.[13;14]
- Đặc điểm khả năng xây dựng bố cục:
Trẻ mẫu giáo lớn tiếp tục phát triển kỹ năng tạo nhịp điệu cho bức tranh: lặp đi lặp lại các yếu tố giống nhau, xen kẽ giữa các yếu tố khác nhau (hình
dạng, màu sắc, kích thước…) theo trình tự chặt chẽ hoặc gần với hiện thực sinh động. Ngoài ra, trẻ đã biết tạo nên bố cục tranh với thế cân bằng qua cách sắp xếp đối xứng và không đối xứng giữa các hình ảnh không đồng đều: To – nhỏ, cao – thấp. Để tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa nội dung và hình thức của tranh, trẻ mẫu giáo lớn đã biết dùng cách sắp xếp thể hiện sự vận động, hành động và các mối quan hệ giữa các sự vật, nhân vật để tạo ra một không gian tranh có chiều sâu với nhiều tầng cảnh.[15]
1.1.4.3. Mối quan hệ giữa tính tích cực và hiệu quả của hoạt động cắt dán
Hoạt động cắt dán của trẻ mẫu giáo lớn là sự tổng hợp của hai quá trình: Quá trình nhận thức thế giới xung quanh và quá trình phản ánh những ấn tượng, những nhận thức của bản thân về thế giới xung quanh thông qua hoạt động cắt dán. Tính tích cực có vai trò quan trọng tới hiệu quả của hoạt động cắt dán do đó cần xem xét ảnh hưởng của tính tích cực đến hai qua trình trên.[13;14;15]
* Đối với quá trình nhận thức thế giới xung quanh
Đây là quá trình quan trọng có vai trò tiền đề, tạo điều kiện mang tính chất thông tin, dữ liệu cho quá trình thể hiện nó bao gồm những biểu tượng, hình ảnh về các sự vật, hiện tượng và những kỹ năng cơ bản của hoạt động cắt dán.
Tính tích cực nhận thức là động cơ giúp trẻ ham thích, tò mò được tìm hiểu và khám phá đối tượng, mức độ tính tích cực hoạt động cắt dán với đối tượng càng cao giúp trẻ nắm được những dấu hiệu bản chất của sự vật, hiện tượng. Qua đó trẻ ghi nhớ những biểu tượng đó lâu hơn, sâu sắc hơn. Mặt khác khi lòng ham hiểu biết và hứng thú nhận thức ngày càng cao thì trẻ sử dụng rộng rãi tư duy để nhận thức thế giới.
Trong quá trình tích luỹ biểu tượng về thế giới xung quanh tính tích cực sẽ làm nảy sinh ở trẻ niềm vui sướng với những phát hiện của chính mình, đồng thời trẻ cũng nóng lòng muốn thể hiện những điều mình khám phá đó trong bức tranh cắt dán của mình. Với những tài liệu phong phú mà bản thân
trẻ đã tích luỹ được sẽ giúp trẻ tự lực hơn, độc lập hơn trong quá trình hình thành dự định tạo hình và lựa chọn những hình ảnh phù hợp với đề tài và cảm xúc của trẻ.
Khả năng thể hiện ngôn ngữ tạo hình trong tranh cắt dán của trẻ là kết quả của quá trình rèn luyện tích cực trong một thời gian dài. Tính tích cực nhận thức có vai trò quan trọng giúp trẻ biết thể hiện hình dáng, đường nét, bố cục, màu sắc ở mức độ hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên tính tích cực của trẻ trong quá trình này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Vịêc lựa chọn đối tượng nhận thức, phương pháp, hình thức tổ chức của giáo viên… do đó để quá trình này có hiệu quả cao cần chú ý đến những điều kiện nhằm phát huy tính tích cực nhận thức của trẻ.
* Đối với quá trình phản ánh những ấn tượng của mình về thế giới xung quanh qua hoạt động cắt dán.
Căn cứ vào những chỉ số đã đề ra để đánh giá tính tích cực trong hoạt động của trẻ. Đối với họat động cắt dán thì tính tích cực của trẻ một mặt giúp trẻ thể hiện những cảm xúc của bản thân, những ấn tượng về cuộc sống thông qua bức tranh, mặt khác góp phần phát triển nhận thức, phát triển thẩm mỹ và cuối cùng là phát triển tính độc lập và khả năng sáng tạo. Như vậy trẻ tích cực tham gia vào hoạt động cắt dán đã giúp hiện thực hoá vai trò và ý nghĩa của hoạt động cắt dán đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Những biểu hiện của tính tích cực trong khi cắt dán của trẻ:
- Có hứng thú bền vững với hoạt động cắt dán, thể hiện sự chăm chú, say mê và tận dụng thời gian cắt dán có hiệu quả. Trẻ tích cực thể hiện sự hiểu biết của mình bằng cách trả lời câu hỏi của giáo viên. Chú ý lắng nghe lời nói hướng dẫn của giáo viên.
- Biết vận dụng kiến thức và kĩ năng cắt dán để thực hiện yêu cầu giờ học theo cách riêng của bản thân.
- Độc lập, chủ động trong khi cắt dán, có ý thức cố gắng hoàn thành bức tranh cắt dán của mình.
1.2. Cơ sở thực tiễn: Thực trạng tổ chức hoạt động cắt dán cho trẻ mẫu giáo lớn ở trường mầm non