Đặc điểm lưu vực sông Cái Phan Rang

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cải tiến mô hình MARINE để mô phỏng và dự báo dòng chảy cho lưu vực sông thiếu số liệu - Áp dụng cho khu vực Nam Trung Bộ (Trang 49 - 51)

1.6. GIỚI THIỆU VỀ KHU VỰC NGHIÊN CỨU

1.6.4. Đặc điểm lưu vực sông Cái Phan Rang

a) Vị trí địa lý

Sông bắt nguồn từ đỉnh núi vùng núi cao thuộc tỉnh Khánh Hòa và chảy theo hướng bắc - nam, khi cách cửa biển 35 km, sông đổi sang hướng tây bắc - đông nam và cuối cùng đổ ra cửa Đông Hải. Sông Cái Phan Rang có 13 phụ lưu bên hữu ngạn và 4 phụ lưu bên tả ngạn, có tổng diện tích lưu vực 3000 km2, chiều dài sông 119 km, chiều dài lưu vực 95 km, độ rộng bình quân lưu vực 31,6 km, độ dốc bình quân lưu vực 17,70/00. Hệ thống sông suối phân bố theo dạng cành cây gồm các phụ lưu hữu ngạn là Ty Cây, Ta Gu, CoRot, Hầm Leo, Đa May, Gia Nhong, Đa Cát Rum, Địa Gốc, sông Ông, sông Cha, sông Dâu,

sông Lanh Ra và sông Lu. Các phụ lưu bên tả ngạn gồm: sông Địa Gan, sông Sắt, Cho Mo, suối Sa Ra (Hình 1.3) [34].

b) Địa hình

Địa hình núi cao bao bọc gần như toàn bộ lưu vực ở các hướng: phía bắc là Núi Đào (1451 m), núi Chúa (1040 m); phía tây là phía nam dãy Trường Sơn với hàng loạt đỉnh cao hơn 1500 m, có đỉnh Bi Đúp cao nhất 2280 m; phía nam là các núi thấp hơn như Đa Khum (898 m), Cà Ná (644 m). Vùng đồng bằng trũng hạ du có cao độ trên dưới 10 m. Độ cao bình quân lưu vực 483 m. Địa hình đồi thấp xen kẽ đồng bằng phân bố ở vùng trung lưu sông Cái. Từ Tân Sơn đến Tân Mỹ, lưu vực sông mở rộng, độ dốc lòng sông còn cao, lòng sông nhiều đá tảng, một số nơi có các bãi bồi giữa sông như một sự pha trộn giữa kiểu sông miền núi và đồng bằng. Từ Tân Mỹ đến của Đông Hải, sông chảy êm trong một vùng đồi thấp và đồng bằng Phan Rang nhỏ hẹp (Hình 1.3) [34].

c) Đặc điểm địa chất, thổ nhưỡng, lớp phủ thực vật [34]

* Đặc điểm địa chất: Địa chất của tỉnh thuộc nền địa chất granit, phức

hệ Đèo Cả - Đơn Dương, giàu khoáng sản phi kim loại, nhất là nguyên vật liệu xây dựng.

* Đặc điểm thổ nhưỡng:

Thổ nhưỡng là tổ hợp 24 loại đất với phần lớn là đất đỏ, mặn, phèn mặn và nâu vàng (đất núi Feralit), có chiều sâu phong hóa dày. Trong đó, chủ yếu là đất đỏ vàng chiếm tỷ lệ lớn và phân bố ở khu vực Phan Rang, Nha Hố, Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc; đất vàng ở Phan Rang, Ninh Phước, Thuận Nam; đất cát thành phần cơ giới nhẹ và thô, kết cấu rời rạc, phân

bố phần lớn vùng ven biển. Hình 1.3. Minh họa bản đồ lưu vực Cái Phan Rang

* Lớp phủ thực vật: Tỷ lệ che phủ rừng chiếm 67,71% tổng diện tích đất

tự nhiên, diện tích đất nông nghiệp chiếm 29,98% đất tự nhiên, chủ yếu là lúa và cây công nghiệp ngắn ngày theo thời vụ. Thảm phủ thực vật trên lưu vực nhìn chung nghèo nàn, diện tích rừng tự nhiên rất ít và thưa, chủ yếu là cỏ xen lùm bụi, cỏ lùm bụi xen cây gỗ rải rác.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cải tiến mô hình MARINE để mô phỏng và dự báo dòng chảy cho lưu vực sông thiếu số liệu - Áp dụng cho khu vực Nam Trung Bộ (Trang 49 - 51)