1.2.1 .Khái niệm dạy học trải nghiệm
1.2.4. Các hình thức thường vận dụng trong dạy học trải nghiệm
1.2.4.1. Thảo luận nhóm
Nhiệm vụ cụ thể của GV là giúp đỡ, dẫn dắt HS, làm nảy sinh tri thức ở HS. Trong một bài học, GV chỉ nêu ra các tình huống, HS được đặt trong các tình huống ấy sẽ cảm thấy có vài vấn đề cần giải quyết. Các em phải tự tìm ra các phương pháp có thể hy vọng giải quyết vấn đề và cuối cùng phải tìm ra một phương pháp tối ưu. Sau đó HS thảo luận, trao đổi với nhau và đi đến các kết luận phù hợp nội dung bài học hoặc tài liệu.
1.2.4.2. Tham quan, dã ngoại, học tập từ thực tế
Tham quan, dã ngoại là một hình thức tổ chức học tập thực tế hấp dẫn đối với HS. GV hướng dẫn HS quan sát thực tế, ghi chép các vấn đề có liên quan đến nội dung học tập, sau đó trao đổi, chia sẻ với bạn và GV để rút ra bài học. Mục đích của chuyến đi là để các em được đi thăm, tìm hiểu và học hỏi kiến thức, tiếp xúc với các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh,... giúp các em có được những kinh nghiệm thực tế, sự trải nghiệm và từ đó có thể áp dụng vào cuộc sống của chính các em.
Nội dung tham quan, dã ngoại có tính GD tổng hợp đối với HS như: GD lòng yêu quê hương, đất nước, GD truyền thống cách mạng, GD truyền thống lịch sử,... Các lĩnh vực tham quan, dã ngoại có thể tổ chức ở trường Tiểu học như: tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nhà máy xí nghiệp, dã ngoại ngoài thiên nhiên,...
1.2.4.3. Hoạt động câu lạc bộ
Câu lạc bộ là hình thức sinh hoạt ngoại khóa của những nhóm HS có cùng sở thích, nhu cầu, năng khiếu,... dưới sự định hướng của GV nhằm tạo môi trường giao lưu thân thiện, tích cực giữa các HS với nhau và giữa HS với thầy cô giáo, với những người khác. Hoạt động của câu lạc bộ tạo cơ hội để HS được chia sẻ những kiến thức, hiểu biết của mình về các lĩnh vực mà các em quan tâm. Qua đó, phát triển các kĩ năng của HS như: Kĩ năng giao tiếp, kĩ năng lắng
nghe, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề,... Câu lạc bộ là nơi để HS được thực hành các quyền trẻ em của mình như: quyền được học tập, quyền được vui chơi giải trí và tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Thông qua hoạt động của câu lạc bộ, nhà GD hiểu và quan tâm hơn đến nhu cầu, nguyện vọng mục đích chính đáng của các em. Câu lạc bộ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, thống nhất, có lịch sinh hoạt định kì và có thể được tổ chức với nhiều lĩnh vực khác nhau như: Câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ thể dục thể thao, câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật,...
1.2.4.4. Tổ chức trò chơi
Trò chơi là một loại hình hoạt động giải trí, thư giãn, là món ăn tinh thần nhiều bổ ích và không thể thiếu trong cuộc sống con người nói chung, đối với HS tiểu học nói riêng. Trò chơi là hình thức tổ chức các hoạt động vui chơi với nội dung kiến thức thuộc lĩnh vực khác nhau, có tác dụng GD "chơi mà học, học mà chơi".
Trò chơi có thể được sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau của hoạt động trải nghiệm như làm quen, khởi động, dẫn nhập vào nội dung học tập, cung cấp và tiếp nhận tri thức, đánh giá kết quả, rèn luyện các kĩ năng và củng cố những tri thức đã được tiếp nhận.
Trò chơi giúp phát huy tính sáng tạo, hấp dẫn và gây hứng thú cho HS, giúp HS dễ tiếp thu kiến thức mới, giúp truyền tải nhiều tri thức của nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo bầu không khí thân thiện, tạo cho các em tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát,...
1.2.4.5. Tổ chức diễn đàn
Diễn đàn là một hình thức tổ chức hoạt động được sử dụng để thúc đẩy sự tham gia của HS thông qua việc các em trực tiếp, chủ động bày tỏ ý kiến của mình với đông đảo bạn bè, nhà trường, thầy cô giáo,... những người có liên quan. Diễn đàn là một trong những hình thức mang lại hiệu quả thiết thực.
Thông qua diễn đàn, HS có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, ý kiến, quan niệm hay những câu hỏi, đề xuất của mình về một vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập. Và đây cũng là dịp để các em biết lắng nghe ý kiến, học hỏi lẫn nhau và biết
trang bị cho bản thân các em những tri thức mới. Diễn đàn như một sân chơi tạo điều kiện để HS được biểu đạt ý kiến của mình một cách trực tiếp với bạn bè và những người khác. Diễn đàn thường được tổ chức rất linh hoạt, phong phú và đa dạng với nhiều hình thức hoạt động cụ thể, phù hợp với từng lứa tuổi HS.
1.2.4.6. Sân khấu tương tác
Sân khấu tương tác là một hình thức nghệ thuật tương tác dựa trên hoạt động diễn kịch. Trong đó, vở kịch chỉ có phần mở đầu đưa ra tình huống, phần còn lại được sáng tạo bởi những người tham gia. Phần trình diễn chính là một cuộc chia sẻ, thảo luận giữa những người thực hiện và khán giả, trong đó đề cao sự nhận thức, thúc đẩy HS để các em đưa ra những quan điểm, suy nghĩ và những cách xử lí tình huống, khả năng ứng phó với những thay đổi của cuộc sống.
Thông qua sân khấu tương tác, sự tham gia của HS được tăng cường, thúc đẩy, tạo cơ hội cho HS rèn luyện những kĩ năng như: Kĩ năng phát hiện vấn đề, kĩ năng phân tích vấn đề, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo khi giải quyết tình huống,...
1.2.4.7. Hội thi/cuộc thi
Hội thi/cuộc thi là một hình thức tổ chức hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn HS và đạt hiệu quả cao trong việc tập hợp, GD, rèn luyện và định hướng giá trị. Hội thi mang tính chất thi đua giữa các cá nhân, nhóm hoặc tập thể luôn hoạt động tích cực để vươn lên đạt được mục tiêu mong muốn. Chính vì vậy tổ chức hội thi cho HS là một yêu cầu quan trọng, cần thiết của nhà trường, của GV trong quá trình tổ chức các hoạt động trải nghiệm.
Mục đích của hội thi/cuộc thi nhằm lôi cuốn HS tham gia một cách chủ động, tích cực vào các hoạt động GD của nhà trường, đáp ứng nhu cầu về vui chơi giải trí cho HS, thu hút tài năng và sự sáng tạo của HS, phát triển khả năng hoạt động tích cực và tương tác của HS.
Hội thi/cuộc thi có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Thi vẽ, thi viết chữ đẹp, thi đố vui, thi giải ô chữ, thi kể chuyện, thi sáng tác truyện thơ, thi thể dục thể thao,... có nội dung GD về một chủ đề nào đó. Nội dung của cuộc
thi rất phong phú, bất cứ nội dung GD nào cũng có thể được tổ chức dưới hình thức hội thi/cuộc thi.
1.2.4.8. Tổ chức sự kiện
Tổ chức sự kiện là cơ hội cho HS được thể hiện những ý tưởng, khả năng sáng tạo của mình, thể hiện năng lực tổ chức hoạt động, thực hiện và kiểm tra giám sát hoạt động. Thông qua tổ chức sự kiện, HS được rèn luyện tính tỉ mỉ, tính năng động, nhanh nhẹn, kiên nhẫn, có khả năng thiết lập mối quan hệ tốt,có khả năng làm việc nhóm, hợp tác, đoàn kết với bạn bè.
Các sự kiện các em có thể tổ chức trong nhà trường tiểu học như: Lễ khai mạc, lễ kỉ niệm, cuộc thi văn nghệ, hoạt động học tập thực tế, hoạt động tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,...