a. Nhận thức của giáo viên về việc xây dựng các câu hỏi, bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao trong kiểm tra môn Toán cho học sinh lớp 3.
Qua thăm dò từ phiếu điều tra, phỏng vấn trực tiếp, chúng tôi thu được kết quả sau:
- 100 % (20/20) giáo viên được khảo sát có nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao trong kiểm tra đánh giá môn Toán lớp 3.
- 80% (16/20) giáo viên có hứng thú với việc đưa ra hệ thống câu hỏi bài tập giúp học sinh ôn tập và kiểm tra đánh giá trước kì thi kiểm tra định kì.
- 50% (10/20) giáo viên được khảo sát hiểu đúng, đủ về Thông tư số 22 được sử dụng trong dạy học ở Tiểu học.
- 25% (5/20) giáo viên còn e ngại trong việc tự mình xây dựng hệ thống câu hỏi bài tập giúp học sinh ôn luyện chuẩn bị cho bài kiểm tra định kì .
b. Thực trạng việc xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập tại các trường Tiểu học trên địa bàn Huyện Lâm Thao.
Qua tổng hợp phiếu điều tra và qua vấn đáp nhanh giáo viên, chúng tôi thấy: việc xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập hiện nay được giáo viên rất quan tâm và chú trọng.
Trước đây, câu hỏi trong các đề kiểm tra do phòng Giáo dục & đào tạo hay ban giám hiệu nhà trường kết hợp với tổ trưởng chuyên môn ra. Nhưng năm học này, giáo viên khối 3 tự ra đề kiểm tra cho lớp mình; riêng khối 5, mỗi giáo viên phải ra một bộ đề kiểm tra, sau đó ban giám hiệu tổng hợp để ra đề chung.
Công việc xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao khá phức tạp. Đại diện ban giám hiệu và một vài giáo viên cốt cán của trường được tập huấn rồi về phổ biến lại cho tất cả giáo viên trong trường nhưng không phải ai cũng thông suốt cách xây dựng hệ thống câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao trong kiểm tra đánh giá (kể cả những người được cử đi tập huấn). Theo hướng dẫn kiểm tra đánh giá hiện nay, để soạn được các câu hỏi theo mức độ vận dụng và vận dụng cao phải qua các bước chặt chẽ như sau: Thứ nhất, xác định mục đích của việc xây dựng hệ thống câu hỏi theo các mức độ: để thiết kế đề thi, để ôn tập cho học sinh,…; phải căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng và thực tế học tập của HS để xây dựng hệ thống câu
hỏi cho phù hợp. Thứ hai, xây dựng hình thức hệ thống câu hỏi: Tự luận, trắc nghiệm khách quan hay kết hợp cả 2 hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan. Thứ ba, thiết lập hệ thống kiến thức: Có thể lập một bảng nội dung hay mạch kiến thức, kỹ năng chính cần kiểm tra đánh giá. Theo yêu cầu kiểm tra đánh giá hiên nay, lượng câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao hiện nay chiếm số lượng không nhiều. Thứ tư, biên soạn câu hỏi theo hệ thống kiến thức đã tổng hợp ở bước ba. Thứ năm, xây dựng hệ thống lời giải, đáp án cho các câu hỏi. Thứ sáu, kiểm tra và rà soát lại việc xây dựng bộ câu hỏi cũng như hệ thống đáp án.
c. Những thuận lợi và khó khăn của giáo viên khi xây dựng câu hỏi, bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao trong kiểm tra của giáo viên trong dạy học môn Toán ở trường Tiểu học.
* Những thuận lợi:
- Giáo viên nhiệt tình trong công tác, có trách nhiệm cao đối với công việc, yêu thương và quan tâm giúp đỡ học sinh. Giáo viên nắm vững đặc điểm, cấu trúc, nội dung xây dựng chương trình môn Toán lớp 3 theo Thông tư 22, có kinh nghiệm giảng dạy và xử lý các tình huống sư phạm; thực hiện soạn bài theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học ở cấp Tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Trong các giờ lên lớp, giáo viên chủ động đưa ra các bài tập , hệ thống câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao để học sinh có thể làm quen, nắm vững các kiến thức đã học và có khả năng áp dụng vào thực tế.
- Kiến thức lớp 3 là bước đệm để học sinh bước vào những lớp cuối cấp ở bậc Tiểu học nên nói chung các em được trang bị vốn từ và vốn hiểu biết phong phú, các em biết cách vận dụng các kiến thức đã học khi giáo viên hướng dẫn trên lớp vào việc giải các câu hỏi, bài tập.
- Các kiến thức có trong nội dung kiểm tra đánh giá bám sát chương trình sách giáo khoa hiện hành, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, trình độ và nhu cầu nhận thức của các em.
* Những khó khăn:
Trong các bước tiến hành trên, xây dựng câu hỏi, bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao là khó khăn nhất cho GV vì mức độ áp dụng thực tế cao, phải hướng được cho học sinh biết cách vận dụng kiến thức. Để thiết lập hệ thống câu hỏi, bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao trong kiểm tra, người thiết kế phải tuân theo các bước cơ bản sau: Liệt kê tên chủ đề (nội dung, chương…) cần xây dựng câu hỏi; viết ra các chuẩn cần đánh giá với mỗi mức độ câu hỏi; quy định phân phối tỉ lệ % câu hỏi cho mỗi mức độ; quy định tổng số câu hỏi nếu là trong kiểm tra đánh giá;. Chính vì sự phức tạp của việc thiết kế câu hỏi, bài tập ở các mức độ trong kiểm tra đánh giá nên GV trong Tổ chuyên môn đã phải cùng nhau thảo luận, trao đổi để có thể ra được hệ thống câu hỏi, bài tập đạt chất lượng cao nhất.
Đây là thời gian đầu tiên thực hiện theo Thông tư 22, GV trực tiếp đứng lớp phải thiết kế hệ thống câu hỏi, bài tập ở các mức độ. Vì thế, thiết nghĩ việc xây dựng hệ thống câu hỏi mức độ vận dụng, vận dụng cao như vậy nên để ban giám hiệu kết hợp cùng tổ trưởng chuyên môn thực hiện. Trong các năm học sau, GV sẽ nghiên cứu kỹ càng hơn việc xây dựng câu hỏi, bài tập trong kiểm tra đánh giá theo yêu cầu, tham khảo kỹ các bộ câu hỏi, nghiên cứu kĩ cách thực hiện như trên. Lúc ấy, việc giáo viên thiết lập hệ thống câu hỏi, bài tập sẽ dễ dàng hơn.
* Nguyên nhân của các khó khăn:
Thực trạng này do những nguyên nhân sau:
+ Việc xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập theo hình thức truyền thống không đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 22. Vì vậy việc thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá, xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra đánh giá môn Toán
cho học sinh tiểu học theo tinh thần của Thông tư 22 là việc có nhiều yêu cầu mới với tính chất công việc khoa học, phức tạp hơn cách làm cũ đối với giáo viên tiểu học.
+ Một bộ phận giáo viên còn hiểu đơn giản rằng câu hỏi, đề thi cho hai mức bài tập này là phải khó dần đều lên về kiến thức là được.
- Xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo Thông tư 22 đòi hỏi giáo viên phải đầu tư thời gian, công sức, tích lũy vốn kiến thức, kinh nghiệm về mối liên hệ của toán học đối với nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống thực tiễn. Đây là điều không thể làm ngay một sáng một chiều đối với giáo viên.
- Các tài liệu chỉ dẫn giáo viên về việc thiết lập các câu hỏi, bài tập ở các mức độ này đảm bảo tính khoa học, sự phong phú hóa phù hợp với yêu cầu giáo dục chung còn chưa mang tính phổ biến. Bản thân người giáo viên trong quá trình dạy học cũng chưa có đủ thời gian, kinh nghiệm, vốn kiến thức thực tiễn phong phú để xây dựng thành một hệ thống ngân hàng câu hỏi phong phú để sử dụng trong việc kiểm tra và đánh giá.
- Yêu cầu của kiểm tra đánh giá tại trường Tiểu học không đòi hỏi bắt buộc phải sử dụng ngân hàng đề nên giáo viên thấy không nhất thiết phải xây dựng thành hệ thống.
Qua tìm hiểu thực tế giảng dạy của GV chúng tôi thấy việc sử dụng hệ thống các câu câu hỏi, bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học còn có tình trạng khó dần đều lên về kiến thức chứ chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu của bài tập mức vận dụng, vận dụng cao.
Tóm lại, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Toán nói chung, môn Toán lớp 3 nói riêng đã được giáo viên ở trường Tiểu học rất chú trọng và thực hiện tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng tôi đã thấy giáo viên còn gặp một số khó khăn trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Toán cho học
sinh tiểu học. Những vấn đề tồn tại này theo chúng tôi nếu đưa hệ thống câu hỏi, bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập vào sử dụng có thể góp phần giúp tình hình được cải thiện, và càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta đang thực hiện dạy Toán theo chương trình Tiểu học mới - một chương trình đòi hỏi cách đánh giá chất lượng học tập toàn diện và khách quan.
Kết luận chương 1
Kiểm tra đánh giá là một khâu cơ bản của quá trình dạy học. Từ việc xem xét mức độ đạt được của người học theo mục tiêu học tập để có biện pháp điều chỉnh kịp thời hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng của quá trình dạy học. Theo xu hướng đánh giá mới hiện nay, việc đánh giá đối với học sinh tiểu học không chỉ là xem xét sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học mà đánh giá tập trung xem xét sự hình thành và phát triển một số năng lực chung, năng lực chuyên biệt của học sinh.
Qua khảo sát việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Toán của học sinh tiểu học, chúng tôi thấy việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Toán nói chung, môn Toán lớp 3 nói riêng đã được giáo viên ở trường tiểu học rất chú trọng và thực hiện tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng tôi đã thấy giáo viên còn gặp một số khó khăn trong khi kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Toán cho học sinh. Một trong những khó khăn đó là tài liệu chỉ dẫn giáo viên về việc thiết lập các câu hỏi, bài tập ở các mức độ này đảm bảo tính khoa học, đảm bảo sự phong phú hóa phù hợp với yêu cầu giáo dục chung còn chưa mang tính phổ biến. Một bộ phận giáo viên hiểu về 2 mức bài tập này đơn giản chỉ là sự khó dần đều trong kiến thức, giáo viên chưa đầu tư được thời gian, kinh nghiệm, vốn kiến thức thực tiễn đầu tư ngân hàng câu hỏi với hai mức này trong kiểm tra và đánh giá.
Theo chúng tôi, sử dụng hệ thống câu hỏi, bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao trong kiểm tra đánh giá là cần thiết và thiết thực, tránh tình trạng học tủ, học lệch, nâng cao tính tích cực sáng tạo trong học tập của học sinh, khả năng áp dụng vào thực tế cũng như vận dụng để giải các bài toán tương tự, nếu đưa hệ thống các câu hỏi, bài tập theo các mức độ này vào sử dụng để học tập, ôn tập trao đổi hằng ngày có thể góp phần giúp tình hình được cải thiện, và càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta đang thực hiện dạy Toán
theo chương trình Tiểu học mới - một chương trình đòi hỏi cách đánh giá chất lượng học tập toàn diện và khách quan.
CHƯƠNG 2