1. Kết luận chung
1.1. Tính sáng tạo có ảnh hưởng to lớn và vai trò vô cùng quan trọng đến hiệu quả của tất cả các hoạt động. Có sáng tạo thì con người mới có được sự chủ động, độc lập trong công việc và có điều kiện để bộc lộ hết những phẩm chất, năng lực của mỗi cá nhân.
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, cùng với khả năng bộc lộ cái tôi, tính độc lập, chủ động trong nhân cách thì đồng thời trẻ cũng thể hiện khả năng làm việc tích cực và sáng tạo. Trong các dạng hoạt động thì tính sáng tạo có vai trò quan trọng tạo cho trẻ nhu cầu và hứng thú nhận thức, chuẩn bị đầy đủ những phẩm chất, năng lực cho trẻ vào học lớp 1. Vì vậy, cần có những biện pháp phát huy tính sáng tạo cho trẻ ngay từ nhỏ, giáo dục trẻ biết làm việc tích cực, hiệu quả đó sẽ là tiền đề hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động tạo hình nói chung và hoạt động vẽ theo đề tài nói riêng có vai trò và ý nghĩa to lớn đối với việc hình thành nhân cách toàn diện cho trẻ. Đó là hoạt động mang tính sáng tạo đặc biệt trong đó con người không chỉ nhận thức cái đẹp của thế giới khách quan mà còn cải tạo nó theo quy luật của cái đẹp, đồng thời bồi dưỡng ở trẻ xúc cảm, tình cảm thẩm mỹ và những yếu tố tiền đề của thị hiếu thẩm mỹ- một yếu tố cơ bản trong việc hình thành nhân cách toàn diện.
1.2. Qua khảo sát giáo viên và trẻ mẫu giáo nhỡ ở trường Mầm non hiện nay cho thấy: Chất lượng hoạt động vẽ của trẻ tuy đã được nâng cao, giáo viên đã biết áp dụng những phương pháp, hình thức tổ chức đổi mới trong quá trình hướng dẫn, tổ chức hoạt động vẽ theo đề tài. Nhưng kết quả tìm hiểu thực trạng cho thấy các biện pháp tổ chức đó chưa thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo của trẻ khi tham gia hoạt động vẽ theo đề tài, giáo viên chưa có sự quan tâm đúng mức tới việc nâng cao hiệu quả chất lượng của hoạt động vẽ theo đề tài bằng những biện pháp phát huy tính sáng tạo của trẻ với chính hoạt động này.
1.3. Từ kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn về việc tổ chức hoạt động vẽ theo đề tài cho trẻ 4-5 tuổi cho phép chúng tôi đã đề xuất một số biện pháp phát huy tính sáng tạo cho trẻ mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) thông qua hoạt động vẽ theo đề tài, các biện pháp này được xây dựng trên quan điểm tích hợp, hướng vào trẻ lấy trẻ làm trung tâm. Bao gồm các biện pháp sau:
Biện pháp 1: Sử dụng nhiều tranh mẫu đẹp, hấp dẫn.
Biện pháp 2: Tạo hứng thú bằng một số thủ thuật (bài hát, câu đố, truyện kể…) Biện pháp 3: Tổ chức cho trẻ quan sát tạo cảm xúc, hứng thú cho trẻ ghi nhớ, tích lũy làm giàu vốn biểu tượng về thế giới xung quanh.
Biện pháp 4: Gợi ý, hướng dẫn cho trẻ thực hiện một cách sáng tạo.
Biện pháp 5: Tổ chức thi đua, khen thưởng, động viên khuyến khích trẻ kịp thời cho sản phẩm tạo hình của trẻ.
Biện pháp 6: Nhận xét, đánh giá sử dụng sản phẩm của trẻ.
Thử nghiệm sư phạm chúng tôi đã bước đầu thành công, điều đó chứng tỏ rằng những biện pháp phát huy tính sáng tạo cho trẻ mẫu giáo nhỡ đã đưa ra ở trên có tính khả thi, cần được áp dụng vì mục đích nâng cao hiệu quả giáo dục, phát huy được tính sáng tạo ở trẻ.