Thực trạng về chương trình giáo dục dinh dưỡng cho trẻ mẫu giáo lớn (5 6 tuổi) thông qua hoạt động LQVMTXQ theo hướng tích hợp

Một phần của tài liệu Một số biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục dinh dưỡng cho trẻ mẫu giáo lớn (5 6 tuổi) thông qua hoạt động làm quen với môi trường xung quanh theo hướng tích hợp (Trang 32 - 36)

XUNG QUANH THEO HƯỚNG TÍCH HỢP

2.1.1. Thực trạng về chương trình giáo dục dinh dưỡng cho trẻ mẫu giáo lớn (5 6 tuổi) thông qua hoạt động LQVMTXQ theo hướng tích hợp

Hiện nay, ở trường mầm non chủ yếu đang thực hiện chương trình đổi mới hình thức chăm sóc - giáo dục trẻ mầm non. Tuy nhiên vẫn còn một số nơi thực hiện chương trình cải cách mẫu giáo. Do đó nội dung GDDD cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi được thực hiện theo tài liệu hướng dẫn của hai chương trình này.

2.1.1.1. Chương trình cải cách giáo dục mầm non

Chương trình cải cách giáo dục mầm non được thực hiện từ những năm 80 và ban hành thực hiện vào đầu những năm 90. Chương trình được xây dựng theo quy chế chặt chẽ, xuất phát từ những luận cứ theo lí thuyết hoạt động, lấy hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo và cơ bản để hình thành và phát triển nhân cách trẻ em. Nội dung chương trình được thực hiện theo phương hướng cơ bản là: bảo vệ sức khỏe và đảm bảo sự tăng trưởng lành mạnh của cơ thể trẻ; Hình thành và phát triển các chức năng chung phù hợp với sự phát triển của độ tuổi; Trau dồi tình cảm, tri thức, thói quen cần thiết cho cuộc sống và sự phát triển của trẻ; chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Nội dung chương trình hướng đến nội dung giáo dục trẻ toàn diện trên các mặt đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, lao động. Nội dung chương trình gồm hai phần:

- Nội dung giáo dục phát triển được cấu trúc theo các hoạt động cơ bản: vui chơi, lao động và hoạt động học tập với 6 môn học cụ thể.

Phương pháp chăm sóc giáo dục thực hiện trong chương trình đã dựa vào đặc điểm tâm sinh lí của trẻ và phù hợp với đặc thù của giáo dục mầm non.

Về cấu trúc chương trình cải cách được thể hiện đầy đủ, đồng bộ các thành tố của chương trình. Mục tiêu chăm sóc – giáo dục trẻ không nằm trong văn bản chương trình, đặc biệt là mục tiêu cụ thể về giáo dục dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ không được đưa ra phần đánh giá kết quả, các yêu cầu về phương pháp, điều kiện thực hiện chương trình chưa được đề cập rõ ràng trong chương trình.

Về nội dung GDDD nằm trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đề cập đến các nội dung sau:

- Dạy trẻ làm quen với một số thực phẩm thông thường và lợi ích của nó đối với sức khỏe.

- Giáo dục ý thức ăn uống: ăn no, ăn ngon miệng, ăn hết suất; giáo dục một số thói quen, nề nếp ăn uống; giáo dục trẻ biết ăn đủ chất để có sức khỏe và cách thực hiện để đạt được điều đó.

Nội dung này được tổ chức trong giờ ăn và thông qua các tiết học có liên quan như: LQVMTXQ, làm quen văn học, tạo hình,...

Như vậy, chương trình cải cách giáo dục mẫu giáo đã có những bước phát triển mới so với các loại chương trình trước đó, nhưng chương trình chưa đề ra mục tiêu cụ thể về giáo dục nói chung và GDDD cho trẻ em nói riêng. Nội dung GDDD cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi chưa rõ ràng, chưa hoàn thiện, thiếu sự xuyên suốt liên tục giữa nhà trẻ và mẫu giáo. Hạn chế trong phạm vi giáo dục ý thức, thói quen nề nếp và một số kiến thức cơ bản về các loại thực phẩm thông thường và bó hẹp trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Cách thức tổ chức các hoạt động còn ít tính gợi mở, chưa phát huy được tính tư duy tích cực của trẻ. Bên cạnh đó chương trình không có phần nhiệm vụ của giáo viên và các hướng dẫn thực hiện một cách cụ thể, chưa có sự tách bạch giữa yêu cầu, nhiệm vụ của giáo viên và yêu cầu cần đạt về mặt GDDD, chưa đưa ra được tiêu chí

đánh giá cụ thể với lĩnh vực GDDD dẫn đến tình trạng giáo viên lúng túng trong quá trình thực hiện.

2.1.1.2. Chương trình giáo dục mầm non mới

Chương trình đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục trẻ mầm non được xây dựng theo tinh thần đổi mới đồng bộ về mục tiêu, nội dung, phương pháp hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, điều kiện thực hiện và cách đánh giá. Chương trình gồm đầy đủ các thành tố của quá trình giáo dục: mục tiêu, nội dung, hình thức tổ chức và đánh giá.

Chương trình đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục trẻ mầm non bắt đầu đi vào thực nghiệm lần thứ nhất từ năm 1998. Qua quá trình thực nghiệm trong 7 năm (1998 - 2005) đã rút kinh nghiệm, chỉnh sửa và tiến tới đổi mới toàn diện cả về hình thức, nội dung, phương pháp, mục tiêu giáo dục và được triển khai thực nghiệm từ năm 2005 đến nay.

Chương trình giáo dục mầm non mới được thực hiện bắt đầu từ năm 2009. Về thực chất, chương trình mới này kế thừa và tiếp thu những tinh hoa của chương trình cải cách giáo dục mẫu giáo trong nước, các nước tiên tiến và trong khu vực. Đây là chương trình cấp quốc gia mang tính cốt lõi, chuẩn mực và mang tính linh hoạt, mềm dẻo làm cơ sở cho việc lựa chọn nội dung giáo dục cụ thể phù hợp với kinh nghiệm sống và khả năng của trẻ, với điều kiện chăm sóc - giáo dục trẻ trong các loại hình thức giáo dục mầm non khác nhau và với hoàn cảnh thực tế của từng địa phương.

Chương trình hoạt động học tập của trẻ không phân chia thành các môn học mà được thiết kế theo chủ đề là những mảng hiện tượng, sự kiện của tự nhiên và xã hội. Môi trường hoạt động được quan tâm, đặc biệt tạo góc chơi cho trẻ. Giáo viên chủ động trong việc xác định, lựa chọn cách thức hoạt động một cách mềm dẻo, linh hoạt tùy thuộc vào từng vùng miền và vào đặc điểm của từng trẻ trong lớp.

Lĩnh vực GDDD được đề cập một cách tương đối cụ thể, đầy đủ bắt đầu ngay từ mục tiêu giáo dục. GDDD và sức khỏe nằm trong lĩnh vực phát triển thể chất được phân theo độ tuổi và có một số tiêu chí đánh giá trẻ về lĩnh vực này.

Nội dung GDDD gồm có bốn nội dung lớn:

- Dạy trẻ biết cần ăn no, ăn ngon miệng, hết suất hàng ngày.

- Dạy trẻ biết một số thực phẩm và lợi ích của chúng theo ba nhóm thực phẩm: thực phẩm giàu chất đạm; thực phẩm giàu chất đường; chất béo và năng lượng; thực phẩm giàu sinh tố, muối khoáng.

- Dạy trẻ biết ăn đủ chất để có sức khỏe.

Dạy trẻ có thói quen, nề nếp ăn uống sạch sẽ, văn minh lịch sự.

Nhiệm vụ của giáo viên được tách ra một mục riêng, có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe và GDDD sức khỏe cho trẻ. Nội dung GDDD trở thành một chủ đề quan trọng trong chương trình, được đưa ra một cách cụ thể cho từng độ tuổi và xây dựng thành mạng chủ đề kèm theo gợi ý, được tiến hành lồng ghép, tích hợp vào tất cả các hoạt động khác nhau, vào mọi thời điểm thích hợp trong ngày. Như vậy, so với chương trình cải cách thì nội dung GDDD được phát triển ở mức độ cao hơn và cập nhật thêm nhiều nội dung mới giúp mở rộng kiến thức cho trẻ. Việc lồng ghép nội dung GDDD trong trò chơi cũng đã được đề cập trong chương trình và được thể hiện cụ thể qua mạng hoạt động. Tuy nhiên, nội dung GDDD vẫn còn sắp đặt dàn trải theo thời gian và bề rộng thiếu đi chiều sâu, không có các phương pháp cụ thể. Vì vậy, phần lớn giáo viên vẫn dạy theo phương pháp cũ, mang tính áp đặt trẻ, chưa biết tạo cơ hội để trẻ tự tìm tòi, khám phá để tự lĩnh hội tri thức, đặc biệt là trong quá trình tổ chức cho trẻ LQVMTXQ để GDDD cho trẻ.

Như vậy, so với chương trình cải cách, chương trình giáo dục mầm non mới có nhiều ưu điểm hơn: mục tiêu GDDD cụ thể, chi tiết, được phân tách rõ ràng các yêu cầu về hiểu biết, kỹ năng, thái độ, nội dung giáo dục cũng đầy đủ, rõ ràng hơn. Hình thức tổ chức của chương trình giáo dục mầm non mới linh hoạt hơn, giáo viên có thể chủ động tổ chức hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho trẻ em trong mọi hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc phân tích chương

trình cải cách và chương trình đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo cho thấy: cả hai chương trình đều đã đề cập đến nội dung GDDD nhưng nói chung chưa có sự thống nhất về nội dung, phương pháp và biện pháp tiến hành GDDD chưa được đề cập một cách chi tiết, chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, giáo viên còn gặp khó khăn và chưa thực sự linh hoạt vận dụng các phương pháp và biện pháp trong quá trình GDDD cho trẻ.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục dinh dưỡng cho trẻ mẫu giáo lớn (5 6 tuổi) thông qua hoạt động làm quen với môi trường xung quanh theo hướng tích hợp (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)