Cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện thạch thất, thành phố hà nội (Trang 43 - 48)

CHƯƠNG 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.2 Cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng

3.2.1 Cơ chế, chính sách của nhà nước Trung ương

Đây là nhóm chính sách căn bản, chính sách “gốc” của công tác GPMB. Bao gồm:

Luật đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất Đai; Nghị định của Chính phủ về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Các thông tư của Bộ Tài nguyên, Bộ tài chính, thông tư liên hai Bộ... về hướng dẫn chi tiết trình tự bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất.

Các chính sách chủ yếu về bồi thường, hỗ trợ GPMB (được thể hiện ở các văn bản pháp quy nói trên) bao gồm:

• Chính sách bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất:

- Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định của Luật đất đai thì được bồi thường.

- Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

- Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

- Các quy định về điều kiện được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất; bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại; bồi thường đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân, của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, người Việt nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trường hợp không được bồi thường về đất.

• Chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất:

- Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ;

- Việc hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật.

Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: - Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;

- Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;

- Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở;

- Hỗ trợ khác.

Các quy định về lập và thực hiện dự án tái định cư, bố trí tái định cư cho người có đất ở phải di chuyển chỗ ở và một số trường hợp đặc biệt...

• Chính sách bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất

- Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.

- Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.

- Các quy định chung về bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng, cây trồng, vật nuôi trên đất, chi phí di chuyển; bồi thường thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn khi nhà nước thu hồi đất và các trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất; việc tri trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

3.2.2 Cơ chế, chính sách của thành phố Hà Nội

Đây là nhóm chính sách mang tính triển khai, hướng dẫn thực hiện chính sách của nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các Quyết định của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quy định chi tiết việc xác định giá đất ở, giá bán nhà tái định cư làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và thu hồi đất, giao đất làm nhà ở nông thôn tại điểm dân cư nông thôn; Quy định về hạn mức giao đất ở mới, hạn mức công nhận đất ở đối với trường hợp thửa đất trong khu dân cư có đất ở và đất vườn, ao liền kề; kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội...

Quyết định thu hồi đất tổng thể của các dự án trên địa bàn huyện Thạch Thất.. Các Quyết định của UBND thành phố Hà Nội ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội; giá xây dựng mới, nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội;

Các Thông báo của sở tài chính về đơn giá làm cơ sở tính bồi thường, hỗ trợ cây trồng hoa màu, vật nuôi trên đất có mặt nước phục vụ công tác giải phòng mặt bằng.

Các Văn bản của UBND Thành phố Hà Nội và Ban chỉ đạo GPMB về bổ sung chính sách và hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn trên địa bàn huyện Thạch Thất.

3.2.3 Cơ chế, chính sách của huyện Thạch Thất

Các văn bản do cơ quan cấp huyện, cấp xã ban hành, đây là những văn bản triển khai, áp dụng trong quá trình thực hiện công tác GPMB trên địa bàn quản lý.

Năm 2009 UBND huyện Thạch Thất đã ra Quyết định phê duyệt các mức hỗ trợ thuộc thẩm quyền Quyết định của UBND huyện quy định tại Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND thành phố Hà Nội làm cơ sở cụ thể áp giá các khoản hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Các văn bản cấp huyện, xã ban hành trong một dự án: Thông báo thu hồi đất do UBND huyện ban hành; Quyết định thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và TĐC; Quyết định thành lập tổ công tác; Quyết định phê duyệt phương án tổng thể; Quyết định phê duyệt kế hoạch chi phí trong tổng chi phí GPMB; Kế hoạch GPMB; Biên bản kiểm đếm; Xác nhận về nhân khẩu, hộ khẩu; Báo cáo nguốn gốc đất đai; Phương án chi tiết đến hộ; Quyết định thu hồi đất đến hộ; Quyết định phê duyệt phương án chi tiết; Thông báo chi trả tiền; Quyết định giải quyết khiếu nại; Quyết định cưỡng chế.

Như vậy, một điều dễ nhận thấy hiện nay chúng ta có một khối lượng lớn các văn bản hướng dẫn, triển khai, thực thi liên quan đến công tác GPMB. Hoạt động ban hành văn bản đã được các cơ quan coi trọng và có sự phối hợp, góp sức của rất nhiều ban ngành. Hệ thống văn bản pháp luật có thể nói đã đề cập tương đối đầy đủ các nội dung của công tác GPMB và tái định cư đồng thời luôn theo sát và bổ sung cập nhật để phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt đi kèm với đó Thành phố cũng chủ động đưa ra các văn bản hướng dẫn áp dụng cho công tác GPMB. Các ngành chức năng của huyện cũng thường xuyên đánh giá tình hình thực tế hoạt động và đề nghị Thành phố có những điều chỉnh thích hợp.

Trong quá trình thực hiện công tác GPMB liên quan đến nhiều ngành khác nhau cùng quản lý như Phòng Tài nguyên môi trường; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Kinh tế; Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Lao động, thương binh và xã hội; Chi cục thuế; kho bạc nhà nước huyện Thạch Thất nên các ngành đã đưa ra nhiều hướng dẫn khác nhau do đó dẫn đến tình trạng chồng chéo, chưa hiệu quả trong việc thực thi và triển khai, các văn bản ban hành có số lượng lớn nhưng tính thực thi và triển khai chưa cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện thạch thất, thành phố hà nội (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)