Nếu so sánh với các ngân hàng nước ngoài ở thị trường trong nước về mạng lưới chi nhánh, về thị phần, về sự thông hiểu môi trường kinh doanh và tập quán tiêu dùng trong nước thì hiện tại Ngân hàng Quốc Tế có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng, những lợi thế này ngoài sự thông hiểu môi trường kinh doanh
và tập quán tiêu dùng trong nước) không phải là lợi thế cao cấp và có được là một phần dựa vào chính sách bảo hộ của Nhà nước. Chính vì vậy, những lợi thế này về mặt dài hạn sẽ bị mất đi và do đó sẽ làm yếu đi sự cạnh tranh của Ngân hàng Quốc Tế ngay tại thị trường trong nước. Bản thân sự thông hiểu môi trường kinh doanh, pháp luật và tập quán tiêu dùng là một lợi thế quan trọng song các ngân hàng nước ngoài có thể khắc phục được thông qua việc tuyển dụng những nhà quản lý người Việt Nam. Vì thế, có thể thấy rằng, những lợi thế về mạng lưới chi nhánh, về thị phần, về sự thông hiểu môi trường kinh doanh và tập quán tiêu dùng trong nước chỉ mang tính chất tạm thời và nó sẽ rất dễ mất đi nếu Ngân hàng Quốc Tế không có biện pháp đổi mới, chuyển hóa những lợi thế này thành những lợi thế cao cấp hơn. Để mạng lưới chi nhánh phát triển một cách có hiệu quả Ngân hàng Quốc Tế cần thực hiện đồng loạt các biện pháp sau:
Thứ nhất, phát triển mạng lưới chi nhánh trong nước:
Trong cuộc canh tranh gay gắt để giành thị phần, Ngân hàng Quốc Tế cũng đã đang gấp rút thực hiện kế hoạch mở rộng mạng lưới. Tuy nhiên, khi quyết định mở rộng chi nhánh thì Ngân hàng cũng cần phải nghiên cứu, xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình. Một số yếu tố cần phân tích đó là: nhu cầu thị trường hiện tại và tương lai; chiến lược phát triển chi nhánh của các đối thủ cạnh tranh; đối tượng khách hàng mục tiêu trong tương lai; chiến lược kinh doanh của ngân hàng và phát triển chi nhánh phải đảm bảo sự phù hợp với các nguồn lực tài chính, con người công nghệ ngân hàng để tránh tình trạng phát triển chi nhánh nhưng không theo nguyên tắc cung cầu của thị trường mà chủ yếu chạy theo nhu cầu về số lượng các chi nhánh.
Bên cạnh việc triển khai mở rộng chi nhánh hay phòng giao dịch Ngân hàng Quốc Tế cũng cần phải cân đối với việc phát triển hệ thống mạng lưới ATM. Xu thế phát triển của dịch vụ Ngân hàng trực tuyến cũng sẽ làm giảm tương đối nhu cầu đối với các giao dịch ngân hàng truyền thống đòi hỏi phải thực hiện qua các chi nhánh và phòng giao dịch. Tất nhiên, trong thời gian trước mắt việc triển khai dịch vụ này còn chưa phổ biến nhưng đây chắc chắn là một xu thế tất yếu cần phải được tính đến trong chiến lược mở rộng chi nhánh của Ngân hàng Quốc Tế.
Thứ hai, tăng cường sự hiện diện trên thị trường thế giới:
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì hầu hết các ngân hàng đều xây dựng mô hình tập đoàn tài chính đa năng với mạng lưới rộng khắp toàn cầu, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới. Tại thời điểm hiện nay, việc phát triển mạng lưới chi nhánh của Ngân hàng Quốc Tế còn có nhiều hạn chế mà nguyên nhân của nó xuất phát từ hai phía cả về phía ngân hàng và cả về phía nhu cầu của khách hàng. Nhưng trong tương lai, nếu chỉ loay hoay trên thị trường nội địa thì năng lực cạnh tranh sẽ bị giảm sút, từ đó hiệu quả kinh doanh cũng chắc chắn sẽ bị giảm.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã xúc tiến hoạt động xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới nên việc phát triển các chi nhánh ra nước ngoài sẽ là cầu nối quan trọng để tăng liên kết kinh tế trong nước với thị trường quốc tế, điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp xúc tiến các hoạt động xuất nhập khẩu, tài trợ vốn cho doanh nghiệp mà Ngân hàng Quốc Tế còn thu được nguồn lợi nhuận lớn từ các loại dịch vụ này.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Quốc Tế từng bước tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường Quốc Tế thông qua:
Gia tăng sự liên kết với các ngân hàng trên thế giới để: Phát triển đại lý; có điều kiện cung cấp thông tin tư vấn thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó sẽ có cơ hội thu hút khách hàng và phát triển các dịch vụ mang tính quốc tế.
Nghiên cứu thị trường và các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp để có thể đặt chi nhánh hay mở văn phòng đại diện ở những nơi có thị trường tiềm năng của hàng hoá Việt Nam trong tương lai.
Thiết lập văn phòng đại diện, quan hệ đại lý hay xúc tiến thành lập ngân hàng liên doanh với các ngân hàng trên thế giới.