2.2 Đánh giá kết quả thực hiện pháp luật lao động về tiền lương
2.2.2. Việc thực hiện xây dựng và đăng ký thang bảng lương và
nâng bậc lương
* Mặt tích cực
- Với những quy định về việc xây dựng và đăng ký thang, bảng lương trong Luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan được nêu trong chương 1. Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh công tác này được các doanh nghiệp thực hiện tương đối nghiêm túc. Các doanh nghiệp đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và khoa học các nguyên tắc và phương pháp về xây dựng thang để áp dụng trong đơn vị của mình, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương theo đúng quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Sở lao động thương binh xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 2.270 doanh nghiệp đang hoạt động thuộc diện phải xây dựng và đăng ký thang lương, bảng lương thì chỉ có 586 doanh nghiệp đã xây dựng và đăng ký thang lương, bảng lương với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh, chiếm 25,8% tổng số doanh nghiệp và trong số đó có 33 doanh nghiệp áp dụng thang lương, bảng lương do nhà nước quy định (Nghị định 205/2004/NĐ- CP) và còn lại là doanh nghiệp tự đăng ký xây dựng thang lương, bảng lương cho doanh nghiệp mình.
- Qua xem xét hồ sơ đăng ký thang, bảng lương của các doanh nghiệp thì trong tờ ý kiến tham gia của tập thể lao động về thang bảng lương doanh nghiệp xây dựng thì đa số người lao động nhất trí cao với hệ thống thang bảng lương mà các doanh nghiệp đã xây dựng. Khoảng cách của các bậc lương, mức lương, hệ số lương bước đầu cũng đã tạo động lực, sự phấn đấu trong tập
thể lao động.
- Cách thức tiến hành việc xây dựng thang, bảng lương được các doanh nghiệp thực hiện tương đối tốt, có sự tham gia góp ý mạnh mẽ của Ban chấp hành công đoàn và tập thể người lao động.
* Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa ý thức được việc tự xây dựng thang lương, bảng lương mà khi bị các ngành thanh kiểm tra yêu cầu thực hiện thì mới tiến hành xây dựng và đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Tuy nhiên chất lượng của thang bảng lương rất thấp nặng về hình thức và mang tính chất làm chống đối nhiều. Cụ thể ở việc đến 90% các doanh nghiệp xây dựng hệ thống thang, bảng lương đúng bằng quy định của Nhà nước như
+ Khoảng cách của các bậc lương liền kề thấp nhất bằng 5% thì cho đúng bằng 5%;
+ Mức lương thấp nhất trong thang lương, bảng lương quy định đối với lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định thì cho đúng bằng 7%
+ Mức lương của nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường thì cũng cho đúng bằng 5%.
- Các nguyên tắc và phương pháp xây dựng thang bảng lương như đã nêu trong chương 1 không được các doanh nghiệp áp dụng khi xây dựng. Ví dụ dưới đây là thang bảng lương của một doanh nghiệp trong số rất nhiều doanh nghiệp đã xây dựng như sau:
Bảng 2.9 Ví dụ hệ thống thang bảng lương của một công ty
STT Chức danh Bậc/hệ số lương
1 Giám đốc 1,09 1,15 1,21 1,28 1,35 1,42 1,50 2 Phó giám đốc 1,08 1,14 1,20 1,27 1,34 1,41 1,49 3 Nhân viên các phòng 1,07 1,13 1,19 1,26 1,33 1,40 1,48 4 Công nhân 1,07 1,13 1,19 1,26 1,33 1,40 1,48 5 Bảo vệ 1,01 1,07 1,13 1,19 1,26 1,33 1,40
(Nguồn: Hệ thống thang bảng lương của công ty Cổ phần thương mại và Dịch vụ Nội thất Tân Phát)
Các hệ số lương trên sẽ nhân với mức lương tối thiểu vùng tại từng thời điểm Nhà nước quy định. Còn hầu như không có doanh nghiệp nào áp dụng cao hơn mức lương tối thiểu vùng để tính lương cho người lao động.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Ninh thì có tới 85% doanh nghiệp xây dựng hệ thống thang bảng lương như trên (Bậc 1 của các chức danh thường bằng mức lương tối thiểu như lao động đã qua đào tạo thêm 7%, khoảng cách giữa hai bậc lương chênh nhau là 5%...), một số doanh nghiệp thì cố gắng hạ thấp 7% của lao động đã qua đào tạo mà biện minh rằng “đối với đơn vị chúng tôi công việc đó làm không cần qua đào tạo”...
- Một số thang bảng lương khác của công ty khoảng cách giữa các bậc lương quá ngắn, thấp nhất là 0,09 và cao nhất là 0,43; phấn đấu 2 năm mới thêm được mỗi tháng 160 ngàn đồng, 3 năm mới được tăng thêm 185 ngàn đồng. Thêm vào đó, thời gian phấn đấu để đạt tới bậc cao nhất quá dài, có những bậc lương đưa ra mà không ai vươn tới, hoặc do quá cao, hoặc do thời gian phấn đấu quá dài. Ví dụ: có thang lương 16 bậc, thấp nhất là 1,07, cao nhất là 3,33 tương đương 48 năm, trong trường hợp này mà những công nhân ở đây có làm hết cuộc đời mình thì cũng không thể đạt tới bậc cao nhất.
- Các kỳ lên lương vẫn nặng về thời gian, thâm niên công tác, “đến hẹn lại lên”, không có chính sách lên lương vượt cấp, trước niên hạn cho dù thành tích đạt được về mặt chuyên môn đến mức độ nào. Thi nâng bậc còn mang tính hình thức, kết quả thi chưa thực sự gắn với chuyên môn công tác cụ thể, đối tượng “quá độ” còn nhiều, nên dễ bị áp dụng tuỳ tiện. Hậu quả là chính sách tiền lương chưa thực sự khuyến khích người lao động, chưa khuyến khích các tài năng, đặc biệt là tài năng trẻ.
- Quy chế nâng bậc lương trong luật chưa quy định chặt chẽ về thời hạn nâng bậc lương của người lao động do đó doanh nghiệp tùy ý xây dựng thời hạn nâng lương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp trên thực tế quá dài so với thời hạn nâng thông thường (như trong doanh nghiệp Nhà nước là đại học 3 năm và cao đẳng – trung cấp 2 năm tăng một bậc lương), thâm chí có doanh nghiệp không nâng lương cho người lao đông và chỉ khi Nhà nước thay đổi mức lương tối thiểu vùng thì mới tiến hành điều chỉnh lương cho người lao động chứ không phải là nâng bậc lương cho người lao động.
- Một một số thang bảng lương khi xây dựng bảng lương cho kỹ sư có bằng đại học lại kém hơn mức lương của người bảo vệ, lái xe. Mức lương của người nhiều tuổi, có nhiều thâm niên, lại cao hơn những người có nhiều sáng kiến, có nhiều đóng góp nhưng lại trẻ hơn.
Vì vậy thang, bảng lương xây dựng rất thấp, thời gian nâng bậc lương dài và không linh hoạt do đó không tạo ra được sự hấp dẫn, không tạo được động lực thúc đẩy người lao động làm việc và gắn bó với doanh nghiệp.