Nguyên nhân của tồn tại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách tiền lương cho các doanh nghiệp trường hợp bắc ninh (Trang 60 - 66)

2.2 Đánh giá kết quả thực hiện pháp luật lao động về tiền lương

2.2.3. Nguyên nhân của tồn tại

- Về phía Nhà nước

Hệ thống chính sách tiền lương và hiệu quả các chính sách của nhà nước chưa được hoàn thiện, còn nhiều hạn chế, các chính sách giữa các ngành các cấp quản lý chưa đồng bộ.

Cơ sở và phương pháp xây dựng tiền lương tối thiểu chưa được luật hoá một cách rõ ràng. Cải cách chính sách tiền lương chủ yếu dựa trên các đề án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, danh mục các hàng hoá tính để xác định mức tăng giá để điều chỉnh lại tiền lương tối thiểu vẫn chưa có. Trong nhiều phương pháp tiếp cận mức lương tối thiểu, Nhà nước chỉ căn cứ chủ yếu vào khả năng ngân sách để quyết định, ít chú ý đến việc bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động có nuôi con (trong khi tiền lương của doanh nghiệp là do chính doanh nghiệp tạo ra, không phải lấy từ ngân sách Nhà nước). Mặt khác Nhà nước chưa kiểm soát được “làn sóng” tăng giá mỗi lần tăng lương tối thiểu vùng. Từ đó mức lương tối thiểu được công bố để thực hiện luôn luôn thấp hơn thực tế nhu cầu tối thiểu khoảng 30%.

Việc chậm chạp trong đổi mới chính sách về tiền lương tối thiểu đã tạo nên sự phản ứng của người lao động để bảo vệ quyền lợi cho mình, biểu hiện thành đình công để đòi tăng mức lương.

Cơ chế quản lý tiền lương tối thiểu vẫn mang nặng tính hành chính, chưa tạo điều kiện cho các bên có liên quan. Đến nay, ở Việt Nam chỉ có cơ quan ban hành, chưa có bộ máy chức năng để thanh tra, giám sát và điều chỉnh các mức lương tối thiểu, vì vậy các mức lương tối thiểu vừa lỏng lẻo vừa cứng nhắc.

Tình trạng vi phạm chính sách tiền lương tối thiểu ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng và phức tạp. Tuy nhiên, ở nước ta vẫn chưa có một cơ chế hợp lý để điều chỉnh vấn đề này, cho nên các tranh chấp về tiền lương tối thiểu vẫn tồn tại ở dạng tập thể. Trên thực tế, thanh tra lao động hoạt động kém hiệu quả, người lao động thì ở thế yếu nên luôn có suy nghĩ “ thà yếu còn hơn không có,” cho nên vi phạm pháp luật thì nhiều mà không bị phát hiện và xử lý. Trong phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng chế tài xử lý các vi phạm về đăng ký thang lương, bảng lương

là chưa có, hoặc quá thấp, lại chưa được thực thi bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên tính khả thi còn thấp. Khả năng tổ chức, phối hợp thực hiện giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa được thực hiện một các chặt chẽ nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường đang có những bước chuyển đổi sâu sắc tác động mạnh mẽ đến các nhân tố lao động, việc làm, tiền lương ...

Nhà nước và các ngành chức năng chưa nhận thức đúng bản chất tiền lương, chưa xem tiền lương là yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất và do đó tiền lương chưa theo đúng giá trị sức lao động. Chưa gắn với chính sách tài chính và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế từng thời kỳ.

Các nguyên tắc khi xây dựng hệ thống thang bảng lương còn cứng nhắc; phương pháp xây dựng hệ thống thang bảng lương của doanh nghiệp khó thực hiện được trong các doanh nghiệp. Do vậy các doanh nghiệp thường làm theo chủ quan mà không theo phương pháp Nhà nước đưa ra.

Công tác tuyên truyền, giáo dục việc thực hiện các quy định về pháp luật nói chung và pháp luật lao động về tiền lương nói riêng cho doanh nghiệp ngoài nhà nước còn hạn chế, cũng như chưa có các chế tài và biện pháp xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách tiền lương.

- Về phía người sử dụng lao động

Đa phần các doanh nghiệp ở Bắc Ninh có quy mô sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ chiếm 85% số doanh nghiệp của tỉnh, tính chất làm ăn thời vụ và gia đình là phổ biến nên đa số lao động làm việc không ổn định. Bên cạnh đó do công tác quản lý đối với một số doanh nghiệp còn thiếu sót nên vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng thang lương, bảng lương, nếu có thì không đăng ký ( chủ yếu là các doanh nghiệp có dưới 30 lao động ) chưa nghiêm túc trong việc xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định.

Hầu hết các thành phần kinh tế tư nhân ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ quản lý còn kém, năng suất lao

động và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Chưa chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của tiền lương, chưa nắm được quan hệ tác động qua lại giữa tiền lương, người lao động và doanh nghiệp. Chưa thật sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động, chưa xác định tiền lương là động lực chính khuyến khích người lao động tích cực làm việc, tăng năng suất lao động.

Nhiều doanh nghiệp dân doanh cố tình trốn không tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động hay cố gắng làm cho mức đóng thấp nhất cho phép để giảm chi phí cho doanh nghiệp do vậy mà mức lương và hệ số lương trong thang bảng lương rất thấp.

Đa số các doanh nghiệp chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tiền lương, họ thiếu kiến thức trong vấn đề xây dựng thang bảng lương, cơ chế quản lý lương. Còn những người làm công tác định mức, công tác xây dựng thang, bảng lương còn thiếu kinh nghiệm, non kém trong nghiệp vụ. Chưa coi trọng công đoàn hoặc có thành lập thì hoạt động không hiệu quả và đa số tổ chức công đoàn chưa được thành lập và hoạt động ở hầu hết các doanh nghiệp tư nhân. Hoặc cũng có những người có đủ khả năng trình độ nhưng không có phương tiện, công cụ, dụng cụ hiện đại để làm việc đạt hiệu quả hơn. Kiến thức họ thiếu nhưng họ cho rằng tiền lương là một dạng chi phí vậy để tối đa hoá lợi nhuận thỉ phải giảm tối thiểu chi phí tiền lương. Nhưng họ có biết đâu rằng khi giảm tiền lương thì đời sống người lao động gặp khó khăn, khi đó họ không còn hứng thú với công việc và không muốn làm việc dẫn đến giảm năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh ắt sẽ kém.

- Về phía người lao động

Lao động Việt Nam xuất phát từ nông thôn mà ra, tác phong tiểu thủ công nghiệp, trình độ thấp, kỷ luật lao động kém v.v.. Họ ít được đào tạo, không có một nghề nhất định. Do vậy chất lượng lao động kém dẫn đến giá cả lao động thấp, tiền lương tối thiểu thấp.

Nhận thức của người lao động về chế độ pháp luật lao động nói chung và chế độ chính sách tiền lương nói riêng chưa sâu và do sức ép việc làm trong cơ chế thị trường lên vai người lao động làm cản trở hoạt động đấu tranh đòi quyền lợi của họ khi phát hiện có vi phạm.

Chính sách về lao động và luật lao động đã có nhiều cố gắng trong nhiều năm để dung hoà được mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và ngươì lao động. Giúp họ cùng đoàn kết để phát triển, tuy nhiên những tồn tại của các chính sách vẫn còn nhiều. Một số doanh nghiệp lãnh đạo các công ty cũng đồng thời là lãnh đạo công đoàn. Vì vậy để giữ quyền lợi của mình, thì người lãnh đạo của công đoàn sẽ bênh vực cho quyền lợi của mình do đó sự đấu tranh của người lao động đòi cải tiến lương sẽ không được đáp ứng vì người đại diện của họ lại là lãnh đạo, là người sử dụng lao động.

Vấn đề thành lập công đoàn có thể có hoặc không đó là do ý thích và triết lý kinh doanh của người sử dụng lao động. Như vậy thì ai đại diện cho người lao động để đấu tranh bảo vệ lợi ích của họ, cải thiện hệ thống trả công hợp lý. Chính bộ luật lao động lại có những khuyết điểm vô cùng lớn, đó là hạn chế tối đa những cuộc đình công của người lao động để đòi quyền lợi. Nếu làm theo bộ luât thì hầu hết những cuộc đình công của người lao động từ trước tới nay đều bất hợp pháp.

Mặt khác, đa số người lao động không nắm rõ được luật và chính sách nên họ không dám đấu tranh, còn khi đấu tranh họ không đoàn kết được nên họ không đạt được mục đích.

Tóm lại, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bên cạnh những mặt tích cực của việc áp dụng mức lương tối vùng và mặt tích cực trong việc xây dựng hệ thống thang, bảng lương của các doanh nghiệp thì cũng có những mặt hạn chế cần phải có biện pháp khắc phục, những mặt hạn chế này làm cho có một khoảng cách rất lớn giữa văn bản được ban hành và thực tế áp dụng tại các

doanh nghiệp và cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng các kẽ hở của luật để trục lợi cho mình (cố tình xây dựng hệ thống thang, bảng lương thấp tới mức có thể để giảm số tiền phải đóng khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, tùy ý xây dựng thời hạn nâng lương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp trong khi Nhà nước chưa quy định chặt chẽ về thời hạn nâng bậc lương, ....) điều này ảnh hưởng rất lớn đến khi người lao động về hưu, họ sẽ nhận được mức lương hưu rất thấp (vì quá trình đóng thấp) có thể dưới mức tối thiểu của xã hội. Gánh nặng này sẽ đè lên vai của Nhà nước và Nhà nước sẽ là người đứng ra bảo hộ cho họ. Do vậy, chúng ta phải nhận thức được vấn đề hạn chế này, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục sao cho thật phù hợp và hài hòa giữa các nhóm lợi ích.

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG NHẰM NÂNG CAO TÍNH ÁP DỤNG TRONG THỰC TẾ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách tiền lương cho các doanh nghiệp trường hợp bắc ninh (Trang 60 - 66)