Theo điều tra của Dự án hỗ trợ doanh nghiệp về năng lực xây dựng và quảng bá thương hiệu, với mẫu 500 doanh nghiệp trên toàn quốc thì có đến 20% doanh nghiệp không hề đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu, trên 70% doanh nghiệp có đầu tư thương hiệu nhưng chỉ ở mức đầu tư dưới 5%. Theo một khảo sát mới đây của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), có tới 95% trong số hơn 100 doanh nghiệp được hỏi trả lời rằng cần thiết phải xây dựng và phát triển thương hiệu. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong chiến
lược phát triển kinh doanh, là tài sản vô hình có giá trị lớn nhất của doanh nghiệp… Tuy nhiên, mới chỉ có 20% doanh nghiệp hiểu được rằng xây dựng thương hiệu cần bắt đầu từ đâu, số còn lại đều rất lúng túng khi đưa ra một kế hoạch phát triển thương hiệu. Thậm chí, có doanh nghiệp cho rằng xây dựng thương hiệu chỉ đơn thuần là đăng ký một cái tên và làm logo.
Hơn 70% trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta chưa đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu của mình tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trong số này, không kể những doanh nghiệp chưa biết đến Luật Sở hữu trí tuệ thì hầu hết các doanh nghiệp còn lại không quan tâm tới việc bảo hộ thương hiệu của mình, một số thì e ngại đối với các thủ tục đăng ký. Đối với những doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá thì cũng chỉ giữ văn bằng này như một biện pháp phòng thủ từ xa đối với các vi phạm mà không có những hành động tiếp theo nhằm phát triển thương hiệu của mình. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn quên không xin gia hạn khi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá hết hiệu lực và hậu quả là họ đã tự từ bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu của mình mà không hay biết. Điều này có thể được giải thích bởi lý do hầu hết chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay vẫn chung thuỷ với tư duy kinh doanh là chỉ cần phát triển doanh nghiệp theo hướng tạo ra nhiều lợi nhuận. Đây là điểm yếu của của các doanh nghiệp hiện nay, nó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết do hạn chế về tiềm lực tài chính vì trên 90% các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay. Vì vậy, họ rất ngại tốn kém chi phí khi phải bỏ ra số tiền không phải là nhỏ và còn gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về nhận thức luật pháp, phong cách kinh doanh mang đậm nét của một quốc gia nông nghiệp.
Một hệ thống sở hữu công nghiệp đầy đủ, có hiệu quả sẽ tạo ra những lợi ích tiềm tàng đối với việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh và phát triển cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, để đáp ứng cho
một nhu cầu nhất định của xã hội, rất nhiều doanh nghiệp đều cố gắng đáp ứng bằng các sản phẩm của mình, trong cuộc chiến đó người chiến thắng sẽ là người đưa ra được hàng hóa phù hợp nhất (có chất lượng tốt nhất, kiểu dáng đẹp, hấp dẫn và giá rẻ nhất). Việc tạo ra các giải pháp công nghệ mới đạt trình độ sáng chế và tạo ra các kiểu dáng công nghiệp có khả năng được bảo hộ sẽ giúp doanh nghiệp có được những hàng hóa như vậy. Vị thế của hàng hóa sẽ được khẳng định và được thị trường nhận biết, phân biệt thông qua nhãn hiệu của hàng hóa đó. Vì vậy, cho dù doanh nghiệp không đăng ký (hoặc không quan tâm đến việc đăng ký) quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ tôn trọng, không xâm phạm tới các quyền sở hữu công nghiệp của các chủ thể khác đã được pháp luật bảo hộ. Điều đó có nghĩa là tôn trọng quyền sở hữu công nghiệp của chủ thể khác là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp hay nói cách khác mọi hoạt động của doanh nghiệp ở bất cứ thị trường nào cũng phải đảm bảo không vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của người khác. Doanh nghiệp cần biết rằng mọi hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp dù vô tình hay cố ý đều có thể bị phát hiện và bị xử lý theo pháp luật.
Về sáng chế, ở nước ngoài, đặc biệt là các nước G7 thì sáng chế có thể được coi là một nghề, thậm chí là nghề làm giàu. Người Việt Nam chúng ta có tiềm năng sáng tạo rất cao. Tuy nhiên, để có nhiều sáng chế, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công cuộc phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Một chỉ số quan trọng và khách quan để đánh giá thành tựu khoa học của một nước là số bằng sáng chế. Số bằng sáng chế không chỉ phản ánh hiệu quả thực tiễn của các kết quả nghiên cứu lý thuyết, mà còn cho biết tiềm lực về nghiên cứu ứng dụng. Thực tế cho thấy những nước có nhiều bằng sáng chế thì thường xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao và thu được nhiều lợi nhuận.
Bằng sáng chế là hình thức sở hữu trí tuệ, nó bao gồm một tập hợp các quyền độc quyền được cấp bởi một nhà nước có chủ quyền cho một nhà phát minh, hoặc nhận chuyển nhượng của họ trong một khoảng thời gian giới hạn để đổi lấy việc công bố công khai một kết quả sáng chế.
Theo thống kê, năm 2011 Hàn Quốc xếp thứ 2 với 12262 bằng sáng chế, Trung Quốc xếp thứ 8 với 3174 bằng sáng chế; trong năm 2010, Trung Quốc cũng được xếp thứ 8 với 2657 bằng sáng chế.
Bảng 1.1: Nhóm 10 nước dẫn đầu số lượng đơn sáng chế (trừ Mỹ):
Hạng Nước Dân số (triệu người) Số bằng sáng chế năm 2011 1 Nhật Bản 126.9 46139 2 Hàn Quốc 48.9 12262 3 Đức 82.1 11920 4 Đài Loan 23.0 8781 5 Canada 34.3 5012 6 Pháp 62.6 4531
7 Vương Quốc Anh 62.4 4307
8 Trung Quốc 1,350.0 3174
9 Israel 7.3 1981
10 Úc 21.5 1919
(Trung Quốc: không tính Hồng Kông và Ma Cao)
Nguồn: Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, wipo.int
Trong khu vực Đông Nam Á, đất nước nhỏ bé Singapore với 4.8 triệu dân có 647 bằng sáng chế (một đất nước xa xôi ở Bắc Âu với dân số tương đương, Phần Lan với 5.3 triệu dân cũng có 951 bằng sáng chế). Đứng thứ hai là Malaysia với 161 bằng sáng chế. Trong khi đó, Việt Nam không có bằng sáng chế nào đăng kí ở Mỹ trong năm 2011.
Bảng 1.2: Số đơn sáng chế của một số nước Đông Nam Á:
Hạng Nước Dân số (triệu) Số bằng sáng chế 2011 1 Singapore 4.8 647 2 Malaysia 27.9 161 3 Thái Lan 68.1 53 4 Philippines 93.6 27 5 Indonesia 232.0 7 6 Brunei 0.4 1 7 Việt Nam 89.0 0
Nguồn: Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, wipo.int
Từ 1981 đến 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 33.126 đơn sáng chế (2.846 đơn của người Việt Nam và 30.280 đơn của người nước ngoài), 3.016 đơn giải pháp hữu ích (1.789 đơn của người Việt Nam và 1.227 đơn của người nước ngoài), 25.863 đơn kiểu dáng công nghiệp (20.132 đơn của người Việt Nam và 5.731 đơn của người nước ngoài), 338.704 đơn nhãn hiệu (186.615 đơn của người Việt Nam và 152.089 đơn của người nước ngoài). Trong đó, đã cấp 9.973 Bằng độc quyền sáng chế (458 cho người Việt Nam và 9.515 cho người nước ngoài), 934 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (576 cho người Việt Nam và 358 cho người nước ngoài), 16.188 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (12.437 cho người Việt Nam và 3.751 cho người nước ngoài), 177.900 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (113.877 cho người Việt Nam, 64.023 cho người nước ngoài) và hơn 60.000 nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo hệ thống Madrid được thừa nhận bảo hộ tại Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam phải hội nhập với thế giới bên ngoài về mọi mặt, đặc biệt là về khoa học và công nghệ, kết quả thống kê trên thật sự đáng ngại cho khoa học Việt Nam. Nghiên cứu cơ bản của Việt Nam chúng ta so sánh trong khu vực, trên cơ sở thống kê công bố quốc tế ISI, thua kém khá xa so với Singapore, Malaysia và Thái Lan. Về mặt công nghệ, ứng dụng thì tình hình còn tệ hơn, như theo một chỉ số quan trọng mà thống kê này cho thấy, nếu như cứ cho rằng tiềm năng thực của chúng ta không tệ tới mức như vậy, thì năng lực hội nhập của chúng ta lại còn yếu hơn nữa. Mà yếu tố sống còn và đi lên của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh mọi mặt hiện nay, là chúng ta phải hội nhập được với thế giới.
Tuy nhiên, một thực tế là vấn đề tác quyền ở Việt Nam chưa được xem trọng một cách đúng mức. Bằng sáng chế là thước đo đẳng cấp công nghệ kỹ thuật của một nước, Việt Nam kém cỏi về công bố quốc tế về khoa học. Nhưng tụt hậu về khâu công nghệ kỹ thuật, không có bằng sáng chế đăng ký thì quả là trầm trọng hơn.
Đã đến lúc các nhà quản lý khoa học ở Việt Nam phải nhìn nhận lại thực tế yếu kém của khoa học Việt Nam, đặc biệt là các khoa học ứng dụng. So với các nước trong khu vực thì Việt Nam có số tiến sĩ rất lớn, nhưng thành tựu khoa học của Việt Nam, cụ thể là số bằng sáng chế đăng ký ở Mỹ, quá yếu kém như thế thì quả là một thực tế khó chấp nhận. Đã đến lúc, Nhà nước và các nhà khoa học phải có một nhận thức chung về nguyên nhân và cách khắc phục sự yếu kém trên.
Nhưng một điều không bình thường là với một đội ngũ trên 9.000 giáo sư và phó giáo sư, và hàng trăm ngàn tiến sĩ và thạc sĩ mà không có bằng sáng chế đăng kí. Càng không bình thường khi Việt Nam so sánh với Thái Lan (có ít giáo sư và tiến sĩ hơn ta) khi trong cùng thời gian 2000-2007 đã có đến 310 bằng sáng chế. Có thể nói rằng trong các nước Đông Nam Á (ngoại trừ Lào, Cam puchia và Miến Điện) Việt Nam có số bằng sáng chế thấp nhất. [9]
Cũng cần nói thêm rằng Việt Nam chưa có một cơ chế để hỗ trợ và phụ trách đăng kí sáng chế, Việt Nam còn thiếu những luật sư có kinh nghiệm trong việc đăng kí bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ. Nhà khoa học thì không có khả năng tài
chính để tự đăng ký, mà dù cho có khả năng tài chính thì không có luật sư cũng khó làm được.