Hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sau khi gia nhập WTO kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với việt nam (Trang 100 - 103)

4.2. Đề xuất các giải pháp nâng cao việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

4.2.1. Hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật

Để thực thi quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

- Tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhất là các quy phạm thực thi. Đặc biệt, trình tự dân sự phải được áp dụng triệt để và phổ biến nhằm điều chỉnh các quan hệ liên quan đến loại tài sản vô hình này, mà việc đầu tiên là chấn chỉnh lại toàn bộ các quy phạm về chế tài bảo đảm thực thi theo hướng lấy trật tự dân sự làm biện pháp chủ yếu, còn chế tài hành chính chỉ được áp dụng như một biện pháp bổ sung cho chế tài dân sự khi mà sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vượt quá mức dân sự.

- Sắp xếp lại và tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi, từ tòa án đến các cơ quan bảo đảm thực thi nội địa: thanh tra (nhà nước và chuyên ngành), ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế phải được tạo điều kiện áp dụng các biện pháp nhằm thực thi có hiệu quả, khắc phục sự chồng chéo, phân công rõ ràng chức năng quyền hạn của từng cơ quan theo hướng một cơ quan đầu mối, đó là thanh tra chuyên ngành, còn tòa án giải quyết các vụ kiện dân sự, ủy ban nhân dân, thanh tra, quản lý thị trường quyết định xử phạt (tùy theo hình thức và mức phạt), cảnh sát kinh tế chỉ có chức năng điều tra, hải quan kiểm soát ở biên giới về sở hữu trí tuệ.

- Tăng cường các hoạt động dịch vụ thông tin về sở hữu trí tuệ, đồng thời củng cố và nâng cao vai trò của các hội về sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ. Cần mở rộng đội ngũ những người tham gia hoạt động này bằng cách nhanh chóng tổ chức các hình thức bồi dưỡng kiến thức về sở

hữu trí tuệ cho đội ngũ luật sư và những người khác. Tiếp tục cải cách hệ thống thông tin sở hữu trí tuệ với mục tiêu nâng cao năng lực tài nguyên thông tin và năng lực vận hành của cả hệ thống. Mở rộng diện những người dùng tin, tạo sự gần gũi, hấp dẫn đối với toàn xã hội, thành lập các trung tâm bảo vệ bản quyền cho các loại hình nghệ thuật. Các hội sở hữu trí tuệ cần phối kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật và thông tin, hướng dẫn nhận thức bằng những vụ việc cụ thể trong hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, động viên các đối tượng trong xã hội, nhất là thu hút các doanh nghiệp – chủ thể quyền sở hữu công nghiệp tham gia tích cực hơn vào bảo vệ sở hữu trí tuệ.

- Xây dựng mối quan hệ có tính chất cân bằng cùng có lợi giữa chủ sở hữu và người tiêu dùng. Tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho các loại sản phẩm/hàng hóa có nhu cầu sử dụng lớn hoặc liên quan đến nhiều người, cần khuyến khích mở các cuộc thương lượng giữa những người có nhu cầu khai thác với các chủ sở hữu nhằm giảm giá hàng hóa, tăng lượng hàng cung cấp cho xã hội. Đối với những sản phẩm/hàng hoá có nhu cầu sử dụng lớn hoặc có liên quan đến lợi ích công cộng (như thuốc chữa bệnh) ngoài các biện pháp trên cần lưu ý đến công cụ giấy phép, cũng như Nhà nước cần tập trung đầu tư và nhập khẩu nguồn sản phẩm giá rẻ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thay thế các sản phẩm giá quá cao do bị khống chế bởi chủ sở hữu.

Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO vào đầu năm 1995, khi đó hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta còn vận hành chủ yếu trên cơ sở các văn bản “dưới luật”, đó là pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (số 131- LCT/HĐNN ngày 11/02/1989) và Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả do Hội đồng Nhà nước ban hành năm 1994. Theo các văn bản này, các đối tượng sau đây được bảo hộ: sáng chế (thời hạn bảo hộ 15 năm), giải pháp hữu ích (6 năm), kiểu dáng công nghiệp (5 năm có thể gia hạn hai kỳ liên tiếp, mỗi kỳ 5 năm), nhãn hiệu hàng hoá (10 năm có thể gia hạn nhiều kỳ 10 năm liên tiếp), tên gọi xuất xứ hàng hoá và tác

phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Biện pháp xử lý các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu là biện pháp hành chính.

Đối với Hiệp định về sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại TRIPS của WTO, có thể thấy rằng tại thời điểm khi nộp đơn xin gia nhập WTO, hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn rất nhiều điểm chưa phù hợp. Nói một cách tổng quát, đó chưa phải là một hệ thống đầy đủ và có hiệu quả, để phù hợp với Hiệp định TRIPS, Việt Nam cần phải làm nhiều việc đối với hệ thống sở hữu trí tuệ của mình.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang soạn thảo chương trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ hậu WTO. Một phần trong đó đã được thể hiện trong những nghị định mới ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ. Các phần còn lại khác cần tiếp tục soạn để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Nhìn chung, trong việc xây dựng những quy định pháp lý về tiêu chuẩn bảo hộ giống cây trồng, các nhà lập pháp Việt Nam đã tiếp thu được những tinh thần căn bản nhất của hệ thống các tiêu chuẩn bảo hộ theo Công ước UPOV được nhiều nước trên thế giới thừa nhận. Nhược điểm của chúng ta là chưa khắc phục được những hạn chế có tính chất đặc thù của Công ước UPOV trong việc giải quyết mâu thuẫn trong việc xác định vật liệu đối chứng để thẩm định tính phân biệt của giống cây trồng đăng ký bảo hộ, gây ra những khó khăn không đáng có trong việc khảo nghiệm đối tượng đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới sau này.

Có thể nói, với các quy định tại Phần IV, Luật Sở hữu trí tuệ, về mặt hình thức, Việt Nam bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, để có thể vận hành hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng tại Việt Nam trên thực tế, chúng ta còn rất nhiều việc phải giải quyết. Trong đó, có một thực tế là Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hệ thống pháp luật đồng bộ và thực sự hiệu quả về bảo hộ giống cây trồng mới. Mặc dù ban soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ đã có những nỗ lực rất lớn trong việc cụ thể hoá các quy định của luật tới mức có thể áp dụng trong thực tế ngay sau khi ban hành mà không cần đến các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành, thế nhưng, các nội dung thiết yếu, như: các tài liệu cần có trong đơn, thời hạn thẩm định nội dung đơn, lệ phí duy trì hiệu lực…

chưa được pháp luật quy định rõ. Ngoài ra, việc bảo hộ song trùng theo cơ chế bảo hộ sáng chế và cơ chế bảo hộ giống cây trồng mới đối với cây trồng biến đổi gen cũng chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, chúng ta chưa xây dựng được cơ sở vật chất cũng như chưa đào tạo được đội ngũ nhân lực cần thiết cho việc đăng ký, xét nghiệm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng mới. Đó là những thách thức không nhỏ cho việc bảo hộ giống cây trồng mới trong thực tiễn.

Để hoạt động của Toà án thật sự hữu hiệu chúng ta cần xây dựng một hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đồng bộ, trong đó các quy định về thủ tục tố tụng phải hết sức thông thoáng tạo điều kiện dễ dàng cho các đơn vị, doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể khởi kiện ra toà nhanh nhất. Các hành vi xâm phạm buộc phải chấm dứt nhanh nhất, người có lợi ích bị xâm hại nhận được bồi thường nhanh nhất.

Cần xây dựng các cơ quan quản lý, xét xử, giải quyết các tranh chấp, vi phạm mạnh về tổ chức, giỏi về chuyên môn. Nói một cách khác là tổ chức phải được sắp xếp hợp lý, nhiệm vụ rõ ràng không chồng chéo và theo hướng chuyên môn hoá.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sau khi gia nhập WTO kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với việt nam (Trang 100 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)