Quá trình thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sau khi gia nhập WTO kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với việt nam (Trang 39)

Trung Quốc coi việc cải cách và hoàn thiện luật pháp là nội dung quan trọng nhất trong toàn bộ tiến trình gia nhập WTO. Tiếp đó là định ra được một lộ trình cải cách và hoàn thiện thích hợp vừa có thể đáp ứng yêu cầu của WTO vừa có thể bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của cả đất nước, cũng như của doanh nghiệp nội địa. Do những quy tắc của WTO được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc của kinh tế thị trường, nên việc cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với WTO cũng chính là đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế thị trường.

Muốn đẩy nhanh tiến độ lập pháp và nâng cao chất lượng lập pháp, kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy cần phải thực hiện chế độ uỷ thác pháp luật, tức là ngoài việc trao quyền cho các bộ, ngành hữu quan, nên giao cho những tổ chức và cá nhân (nếu có thể) am hiểu và có trình độ pháp luật cao cùng soạn thảo. Trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật thì việc thanh lọc, sửa đổi, bổ sung các văn bản về hành chính là phức tạp nhất. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong xử lý vấn đề này là đưa ra một số nguyên tắc như “ban ngành nào ban hành thì ban ngành đó giải quyết” nhưng dưới sự điều phối của một cơ quan chức năng.

Trung Quốc đã gia nhập WTO và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Những kinh nghiệm của Trung Quốc trong thực hiện cam kết gia nhập WTO là tài liệu tham khảo hữu ích cho Việt Nam.

Đối với Trung Quốc mà nói, gia nhập WTO là một sự lựa chọn dũng cảm và gian nan, có nghĩa là Trung Quốc phải chấp nhận quy tắc thương mại đa phương, phải đưa ra và thực hiện cam kết về nhiều mặt như công nghiệp, nông nghiệp, ngành dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ v.v.

Trong việc mở rộng phạm vi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì các nước phát triển có ưu thế và quyền lợi rất lớn trong lĩnh vực độc quyền công nghệ, nhãn mác nổi tiếng, tác phẩm văn hoá, khoa học kỹ thuật và phần mềm máy vi tính. Là nước đang phát triển, Trung Quốc còn có khoảng cách nhất định so với các nước phát triển về phương diện quản lý quyền sở hữu trí tuệ, thi hành luật pháp và quản lý hành chính. Tăng cường khâu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tất sẽ tạo ra khoảng trống thị phần nhất định. Sau khi gia nhập WTO, các xí nghiệp hữu quan Trung Quốc như công nghiệp hoá chất, y dược, thực phẩm, phần mềm vi tính… sẽ phải bỏ tiền ra mua bản quyền sáng chế của các nước phát triển phương Tây, đó là một khoản chi không nhỏ. Bởi thế, Trung Quốc đương nhiên phải tăng cường khâu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn cấm và trừng trị tội giả mạo, ăn cắp bản quyền. Kết quả là một xí nghiệp sẽ bị đào thải, tạo ra khoảng trống thị phần nhất định.

Ngoài ra, do WTO đã hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống hiệp nghị, hiệp định mà các nước thành viên buộc phải tôn trọng nên Trung Quốc cũng phải làm theo hệ

thống luật định đó. Điều đó sẽ thúc đẩy Trung Quốc hoàn thiện hơn các quy định pháp quy và hệ thống luật pháp của mình.

Trung Quốc là nước có nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình công hữu Xã hội chủ nghĩa, thời gian thực hiện cơ chế kinh tế thị trường còn rất ngắn, thiếu kinh nghiệm, cơ cấu tổ chức chưa hoàn thiện. Để thích ứng với nguyên tắc vận hành của WTO, trước hết cần có sự thay đổi về nhận thức và quan niệm, cần nghiên cứu, tìm hiểu những mặt có lợi và bất lợi khi gia nhập WTO nhằm đi đến nhận thức chung, tạo thuận lợi cho các bước cải cách từ nay về sau. Hơn thế, cần phải có một cơ chế thị trường hoàn thiện và hệ thống luật, văn bản đồng bộ tương ứng, đồng thời phải tiến hành điều chỉnh, nâng cấp và đổi mới cơ cấu ngành nghề. Muốn vậy, cần tiến hành quá trình điều chỉnh một cách lâu dài, gian khổ. Bên cạnh đó, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, đi sâu nghiên cứu và nắm vững nguyên tắc vận hành và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nhằm đem lại lợi ích kinh tế nhiều hơn cho đất nước.

Trung Quốc cũng đã nỗ lực điều chỉnh các luật và các qui định theo hướng tôn trọng các nguyên tắc minh bạch và đối xử quốc gia của WTO ngay sau khi gia nhập WTO. Sau hai năm, Trung Quốc đã chỉnh lý và sửa đổi hơn 2.300 văn bản pháp luật và các qui định của các bộ, ngành, chỉnh lý hơn 190.000 văn bản của các địa phương. Trung Quốc đã sửa đổi và ban hành mới những luật và qui định liên quan đến thương mại trong nước và nước ngoài, đầu tư nước ngoài, hợp tác kinh tế đối ngoại, bảo vệ quyền tác giả và các loại hình dịch vụ. Các Qui định được sửa đổi và ban hành mới đã hướng đến việc tự do hóa hơn lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, du lịch, truyền thông, vận tải, kế toán và pháp lý. Một số bộ và cơ quan ngang bộ liên quan đến các lĩnh vực này được cải tổ và sắp xếp lại. Trung Quốc đã bãi bỏ những hạn chế đối với hàng hóa nước ngoài, như bỏ những qui định cấm và hạn chế nhập khẩu ô tô nước ngoài, bỏ qui định cấm nước ngoài tham gia kinh doanh hoặc bán lẻ vào các ngành ở nội địa như dầu hỏa, dịch vụ đấu thầu và dịch vụ bảo hiểm.

Riêng trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, từ sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã sửa đổi ba đạo luật quan trọng liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ: Luật về Quyền tác giả, Luật về Thương hiệu hàng hóa, và Luật về Bằng sáng chế. Các bộ luật về Cạnh tranh không lành mạnh, về Chuyển giao công nghệ, Bảo vệ phần mềm máy tính và các chương trình kèm theo và Các sản phẩm dược và nông sinh học cũng đã được soạn thảo và ban hành. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã điều chỉnh cơ bản các đạo luật áp dụng cho các ngành công nghiệp dược phẩm và phần mềm.

Tất cả các văn bản luật và điều lệ không phù hợp với những quy định quốc tế đều phải được sửa đổi. Trong quá trình thực hiện, nếu có vi phạm phải tuân theo các quy định quốc tế. Vừa qua Trung Quốc đã vi phạm hiệp định thực hiện quyền sở hữu trí tuệ ký kết năm 1995. Một số nhà máy đã sao chép bất hợp pháp phần mềm máy tính, âm nhạc, phim ảnh, sách báo, ước tính thiệt hại lên tới 1,8 tỷ USD. Trung Quốc đã phải cam kết đóng cửa các nhà máy sản xuất bất hợp pháp đó.

2.2. Thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Hàn Quốc

2.2.1. Bối cảnh bảo hộ sở hữu trí tuệ của Hàn Quốc

Công nghiệp của Hàn Quốc đã và đang phát triển bằng phương thức nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ từ nước ngoài rồi sử dụng công nghệ tiên tiến sản xuất các sản phẩm có hàm lượng giá trị cao hơn rồi xuất khẩu. Vậy nên nếu những sản phẩm này không được bảo hộ về sở hữu trí tuệ thì bất kỳ một nước đang phát triển nào cũng có thể dễ dàng làm giả và khi đó yếu tố cạnh tranh chính là chi phí để sản xuất ra sản phẩm đó. Bên cạnh đó, việc làm lộ bí mật kinh doanh liên quan đến công nghệ kỹ thuật mà Hàn Quốc đang có cũng trở thành một vấn đề quan trọng đối với quốc gia này. Việc phát triển các công nghệ kỹ thuật tiên tiến để có thể bảo hộ được theo pháp luật về sở hữu trí tuệ là một chính sách quan trọng nhất đối với sự phát triển công nghiệp của Hàn Quốc.

Lịch sử quá trình phát triển Luật Sở hữu trí tuệ của Hàn Quốc cũng đã đi qua con đường mà những nước phát triển về công nghệ như Mỹ, Nhật đã đi. Đó là Hàn Quốc đã dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp của nước ngoài theo cách thức lựa

chọn những công nghệ đã phát triển ở các nước hàng đầu công nghệ kỹ thuật rồi ứng dụng vào để phát triển nền công nghiệp trong nước. Nếu không làm như vậy thì Hàn Quốc đã không thể cạnh tranh được với nền công nghiệp của các nước tiên tiến về công nghệ kỹ thuật. Tuy nhiên hiện nay, Hàn Quốc lại đang rơi vào quá trình bị các nước đang phát triển sử dụng các công nghệ kỹ thuật của Hàn Quốc mà không xin phép. Vì thế, Hàn Quốc đã coi việc bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ của mình khỏi sự sử dụng không xin phép của các nước đang phát triển như là một việc quan trọng nhất trong quá trình thực thi pháp luật.

2.2.2 Quá trình thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Hàn Quốc

Luật về sáng chế của Hàn Quốc được sửa đổi từ Luật về sáng chế năm 1987 và đã tiếp thu cơ chế sáng chế vật chất, mở rộng đối tượng của phát minh có thể được cấp bằng sáng chế để phù hợp với luật pháp của các nước phát triển về công nghệ kỹ thuật như Mỹ, châu Âu... Sau đó, trong khoảng hơn 10 năm, tiêu chuẩn kỹ thuật của Hàn Quốc đã đuổi kịp tiêu chuẩn của các nước phát triển về công nghệ kỹ thuật và xa hơn nữa là những ngành công nghệ kỹ thuật tiên tiến như công nghệ sinh học đã đạt tới tiêu chuẩn của thế giới.

Vào khoảng năm 1988, Cục sáng chế đã chuẩn bị xây dựng tiêu chuẩn thẩm định sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học theo xu thế của các nước đang phát triển như Mỹ... Ngoài ra, từ ngày 01/01/1999, Hàn Quốc đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới xây dựng hệ thống đơn đăng ký điện tử và hiện đang thực hiện cơ chế nộp đơn đăng ký sáng chế dưới dạng dữ liệu điện tử. Gần đây, Hàn Quốc cũng đang tiến hành việc sửa đổi lại tiêu chuẩn thẩm định sáng chế theo tiêu chuẩn của các nước phát triển.

Ở một nước mạnh về công nghệ thông tin như Hàn Quốc, Cục sáng chế hay toà án đều thừa nhận khả năng cấp văn bằng bảo hộ sáng chế liên quan đến giải pháp kinh doanh liên quan đến internet. Việc nộp đơn và đăng ký sáng chế về giải pháp kinh doanh đang được thực hiện một cách dễ dàng. Cục sáng chế cũng đã chuẩn bị xây dựng tiêu chuẩn thẩm tra phát minh liên quan đến máy tính từ năm 2000 và đã thẩm tra sáng chế giải pháp kinh doanh cho đến giờ. Cục cũng đã chuẩn

bị những nguyên tắc cơ sở về thẩm tra sáng chế liên quan đến internet (18/02/2000) và nguyên tắc thẩm tra sáng chế liên quan đến giao dịch điện tử (01/8/2000) và thừa nhận một cách tích cực sáng chế phương pháp kinh doanh. Hơn thế nữa, bằng việc đưa các phát minh liên quan đến giao dịch điện tử trong sáng chế giải pháp kinh doanh vào đối tượng thẩm định ưu tiên, Hàn Quốc đang hướng đến sự quyền lợi hoá việc đăng ký liên quan đến internet.

Liên quan đến quyền tác giả, với một nước phát triển nhất thế giới về internet tốc độ cao như Hàn Quốc thì các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xẩy ra trên internet là thường xuyên. Vụ Soribata (một website chuyên cung cấp nhạc download) được ví như vụ Napster của Mỹ với việc cung cấp dịch vụ trao đổi các file nhạc giữa các cá nhân với nhau trên internet đã đẩy nhà cung cấp dịch vụ trên internet vào những trách nhiệm dân sự cũng như hình sự khi đã xâm phạm quyền tác giả. Hay vụ ghi chép trái phép chương trình ca nhạc rồi chuyển theo đơn đặt hàng qua internet hoặc vụ truyền dữ liệu âm nhạc sau khi đã chuyển sang dạng file nén theo phương thức streaming...

Trong các tranh chấp về quyền sáng chế, những vụ việc liên quan đến từ chối cấp văn bằng sáng chế hay tính có hiệu lực hoặc không có hiệu lực của sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ được giải quyết sơ thẩm bởi Hội đồng giải quyết tranh chấp sáng chế của Cục sáng chế. Các vụ kháng cáo sẽ được lần lượt xét xử bởi Toà bản quyền và toà án cấp cao. Đồng thời, các vụ tố tụng về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được coi là một trong những vụ kiện dân sự nên cũng có thể được xét xử bởi toà án địa phương, toà án cấp cao và toà án tối cao.

Trong vòng 5 năm gần đây, các vụ tố tụng về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do Toà án Seoul thụ lý đã tăng từ con số 51 vụ năm 1998 lên con số 114 vụ năm 1999 và 153 vụ năm 2000. Với 130 vụ năm 2001, 178 vụ năm 2002 và 95 vụ tính từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2003, có thể thấy số vụ đã tăng lên liên tục theo xu thế phát triển của quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời số vụ tranh chấp về thương hiệu, tên hãng liên quan đến nước ngoài cũng chiếm số lượng không nhỏ. [36, 48]

Gần đây, sức cạnh tranh trong công nghiệp của Hàn Quốc giảm đáng kể do các nước đang phát triển và khoảng cách về trình độ kỹ thuật cũng đang bị rút ngắn dần lại. Vì vậy, đến thời điểm này, việc cần thiết nhất là thực hiện tốt chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Để làm được việc này, Hàn Quốc phải nỗ lực để ưu tiên phát triển công nghệ kỹ thuật tiên tiến và đổi mới về cơ chế, về ngành công nghiệp để hướng tới sự bảo hộ mạnh hơn bằng luật Sở hữu trí tuệ. Để đạt được mục đích này, Hàn Quốc phải thực hiện hợp tác giữa công nghiệp và đào tạo để cải cách nền giáo dục đại học của mình. Hàn Quốc cũng cần phải cải cách quy chế để bảo vệ kỹ thuật hiện đại do Hàn Quốc sáng tạo, đặc biệt là việc thống nhất quy chế xét duyệt bản quyền và cải cách của toà án bản quyền. Đồng thời Hàn Quốc cũng phải gia nhập vào hệ thống bản quyền của thế giới; thành lập toà án chuyên giải quyết tranh chấp bản quyền để xét xử và chuyên giám sát các hành vi vi phạm bản quyền nhằm bảo hộ được kịp thời, hiệu quả. Trong lĩnh vực kỹ thuật hàng đầu cũng như kỹ thuật công nghiệp cơ bản, Hàn Quốc phải lập một quy chế về sở hữu bản quyền đủ mạnh để đảm bảo lợi ích trong việc đầu tư vào phát triển kỹ thuật thì mới đảm bảo được tương lai cho ngành kỹ thuật tiên tiến của mình.

2.3. Bài học kinh nghiệm

Qua việc tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc và Hàn Quốc, Việt Nam nên sớm thực hiện các nội dung sau:

- Có chiến lược quốc gia rõ ràng về sở hữu trí tuệ, theo đó vai trò của sở hữu trí tuệ được nhấn mạnh với ý nghĩa phát triển thương hiệu quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, cũng như thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và khoa học.

- Có các biện pháp đồng bộ trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm chống vấn nạn sao chép các hàng hoá ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

- Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ như li xăng nhãn hiệu, sáng chế đồng thời tăng cường việc bảo

hộ quyền sở hữu trí tuệ và các biện pháp thực thi liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp với các điều ước quốc tế và thực tế ở Việt Nam.

- Thực hiện cơ chế nộp đơn điện tử, tạo điều kiện cho chủ đơn thực hiện các thủ tục nhanh chóng, thuận tiện.

Chương 3:

HIỆN TRẠNG VIỆC BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TẠI VIỆT NAM

3.1. Khái quát về hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam

3.1.1. Lịch sử hình thành cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sau khi gia nhập WTO kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với việt nam (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)