4.4. Các kiến nghị khác
4.4.1. Một số kiến nghị về cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước đố
hoạt động sở hữu trí tuệ
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 cũng có quy định mới về hình thức phạt tiền, theo đó quy định về mức phạt tiền theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008 (tối đa đến 500 triệu đồng cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ) được áp dụng, thay vì mức phạt từ 1 đến 5 lần giá trị hàng hoá vi phạm theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quy định mới này cũng được hướng dẫn thi hành trong văn bản Nghị định.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã soạn thảo văn bản nghị định hướng dẫn áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp theo tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 nói trên.
Nghị định hướng dẫn áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản sau đây:
- Các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được cụ thể hoá cho phù hợp với xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tránh “dân sự hoá” các quan hệ hành chính, đồng thời tránh “hành chính hoá” các quan hệ dân sự trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Phân biệt rạch ròi phạm vi, điều kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền áp dụng các chế tài dân sự và chế tài xử phạt hành chính trong xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
- Làm rõ sự khác biệt giữa thủ tục/biện pháp hành chính và thủ tục/biện pháp dân sự trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ động của cơ quan hành chính trong phát hiện và xử lý hành vi và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tụê; trách nhiệm của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước và của các bên (bên yêu cầu xử lý, bên bị áp dụng biện pháp hành chính) trong xử lý hành vi và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Tìm ra giải pháp thống nhất giữa các ngành để giải quyết những vấn đề còn bỏ ngỏ, mâu thuẫn hoặc chồng chéo trong xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, đặc biệt quy định pháp luật liên quan đến xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xử lý hàng giả, xử lý hàng xuất, nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đề xuất giải pháp hợp lý nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng các quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau về sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo hiệu lực của Luật Sở hữu trí tuệ và hiệu quả của công tác thực thi.
- Trên cơ sở rà soát tổng thể quy định của các văn bản pháp luật hiện hành và thực tế áp dụng các quy định liên quan đến xử lý hành chính các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian vừa qua, đồng thời xem xét các câu hỏi, chất vấn, bình luận của các nước thành viên WTO đối với Việt Nam trong thời gian
3 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO đến nay, đề xuất các quy định sửa đổi, bổ sung cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nước và yêu cầu thực thi “hiệu quả” quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS và cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Ngoài việc hoàn thiện văn bản pháp luật như một công cụ pháp lý cần thiết cho việc áp dụng các biện pháp hành chính trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ, cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan thực thi cần kết hợp để thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức của công chúng, doanh nghiệp về thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung, về áp dụng biện pháp hành chính trong xử lý xâm phạm quyền nói riêng. Đồng thời, bên cạnh những nỗ lực nội sinh từ bản thân các cơ quan thực thi, cần mở rộng các chương trình hợp tác và hỗ trợ thực chất và hiệu quả từ phía các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, nhằm tăng cường năng lực của các cơ quan và đội ngũ cán bộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Rõ ràng, cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự chưa cụ thể, chưa đầy đủ. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan giải quyết tranh chấp và cho cả đương sự, làm cho hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta không cao. Bởi vậy, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự nói riêng vô cùng cần thiết.
Để bảo đảm giải quyết tốt hơn tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tụng tố tụng dân sự, cần phải quy định cụ thể hơn về các vấn đề:
- Những tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án;
- Những tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ trước Toà án;
- Các chứng cứ đương sự được sử dụng trong quá trình chứng minh; - Cơ quan có thẩm quyền giám định và trình tự, thủ tục giám định;
- Nguyên tắc bồi thường và xác định mức định bồi thường khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm.
Nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp, không nên bổ sung các quy định về những vấn đề được phân tích trên đây vào Bộ luật Tố tụng dân sự mà nên theo hướng quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và đặc biệt là văn bản hướng dẫn xét xử của Toà án nhân dân tối cao. Bên cạnh đó, cũng nên quy định trong văn bản pháp luật nội dung là Luật Sở hữu trí tuệ, bởi vì Bộ luật Tố tụng dân sự là cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Bộ luật chỉ quy định chung về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự mà không quy định cụ thể cho từng vụ án, việc dân sự.
Đồng thời với việc hoàn thiện các quy định pháp luật, cần thiết phải nâng cao trình độ của các thẩm phán chuyên trách về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Điều này góp phần nâng cao quả giải quyết tranh chấp và làm tăng độ tin cậy của các đương sự trong tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.
Trong thời gian tới, để cơ quan hải quan tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới, cần tiếp tục hoàn thiện về cả cơ sở pháp lý cũng như thực thi trên thực tế, cụ thể là:
- Về cơ sở pháp luật: Cần tiếp tục kiện toàn và hoàn thiện hệ thống các các
văn bản pháp luật liên quan đến công tác thực thi, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới mà trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện pháp luật hải quan, trong đó quy định cơ quan hải quan có quyền đương nhiên trong việc ra quyết định tạm dừng hàng hoá xuất khẩu, nhâp khẩu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, quy định về thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc xác định và xử lý hành vi vi phạm, kiến nghị các bộ, ngành liên quan sửa đổi một số quy định về xử lý hành vi vi phạm. Từng bước rút kinh nghiệm trong quá trình thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để hoàn thiện các quy định trong công tác thực thi tại cơ quan hải quan.
- Về mặt tổ chức: Cần thành lập đơn vị chuyên trách thực thi bảo hộ quyền
sở hữu trí tuệ từ Tổng cục Hải quan đến các cơ quan hải quan địa phương làm lực lượng nòng cốt trong việc chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới.
- Về đào tạo, tập huấn, tuyên truyền: Cần trang bị cho cán bộ hải quan
chuyên trách các kiến thức cơ bản về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và biện pháp, thủ tục thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan hải quan. Tuyên truyền văn bản pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan hải quan cho mọi đối tượng có liên quan cũng như các thông tin về hàng hoá liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
- Về phối hợp, trao đổi và cung cấp thông tin: Cần có sự phối hợp, cung cấp,
trao đổi thông tin chặt chẽ hơn giữa cơ quan hải quan và cơ quan quản lý nhà nước liên quan cũng như với chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cần chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình thông qua việc cung cấp thông tin về quyền, đặc điểm dấu hiệu nhận biết hàng vi phạm. Ngoài ra, cần có sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa liên quan đến sở hữu trí tuệ giữa cơ quan hải quan Việt Nam và hải quan các nước trên thế giới cũng như các chủ sở hữu quyền.
- Về công cụ thực hiện: Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng các tiêu chí
thống kê trong lĩnh vực thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và yêu cầu làm tốt công tác thống kê ngay từ đầu.