Trong vòng thập kỷ qua, số đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tính riêng trên đất đại lục đã tăng gấp 6 lần - thông tin từ WIPO phần nào giúp Trung Quốc xóa bỏ tai tiếng bản quyền trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Trong năm 2004, hơn 130.000 doanh nghiệp đã nộp đơn lên cơ quan chức năng hữu quan của Trung Quốc để đăng ký bảo hộ tác quyền, trong đó quá nửa là doanh nghiệp trong nước - tăng 6 lần so với năm 1995, còn số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tăng 7 lần. Số lượng đơn sáng chế nộp tại Trung Quốc từ 171.000 đơn năm 2006 đến gần 314.000 đơn năm 2010. Chính nhờ thực tế này mà Trung Quốc nhảy vọt lên hàng thứ 5 trong số các quốc gia đi đầu trong công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ, sau Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc.
Trung Quốc có chiến lược quốc gia rõ ràng về sở hữu trí tuệ, theo đó vai trò của sở hữu trí tuệ được nhấn mạnh với ý nghĩa phát triển thương hiệu quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, cũng như thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và khoa học. Điều quan trọng là phải giành được quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực then chốt và tạo điều kiện thuận lợi nhằm đẩy nhanh sự chuyển đổi từ các thành tựu nghiên cứu sang năng suất được nâng cao.
Tuy nhiên, Trung Quốc thường phải đối mặt với các cáo buộc là thường xuyên vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. “Sao chép” được coi như một chuyên môn đặc thù của Trung Quốc. Nạn “sao chép” không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhãn mác hàng hóa tiêu dùng thông thường có thương hiệu nổi tiếng mà còn lây lan đến cả các sản phẩm như thuốc men, gây nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Khoảng 8% dược phẩm được bán tại Trung Quốc hiện nay là hàng giả.
Việc vi phạm bản quyền cũng là một trong những vấn đề thường xuyên được đề cập khi nói về Trung Quốc. Các nước châu Âu thường xuyên chỉ trích Trung Quốc về vấn đề này. Liên quan đến các biện pháp bảo hộ, các chuyên gia của WTO nhận thấy, ở một mức độ nào đó, Trung Quốc đã “khéo léo” thay thế các hàng rào thuế quan bằng các hàng rào phi thuế quan. [5]
Trong 15 năm chuẩn bị phấn đấu gia nhập WTO, Trung Quốc một mặt kiên trì những nguyên tắc, đồng thời đã rất linh hoạt trong đàm phán nhằm gia nhập WTO. Trung Quốc đưa ra ba quan điểm có tính nguyên tắc là: sân chơi thương mại toàn cầu sẽ không hoàn chỉnh nếu không có sự tham gia của nước đang phát triển lớn như Trung Quốc; Trung Quốc cần tham gia WTO với tư cách là một nước đang phát triển; Trung Quốc tham gia WTO với nguyên tắc cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Trong quá trình đàm phán, Trung Quốc luôn giữ vững nguyên tắc này, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ cần thiết để có được những nhượng bộ của đối phương.