ngoài cho xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và xây dựng quân đội
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại bổ sung cho nhau. Vì thế, một trong những giải pháp để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ là phải nâng cao tính chủ động của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, trang thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài cho xây dựng, phát triển kinh tế và xây dựng quân đội. Đây là công việc khó khăn, phức tạp vì nó không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của chúng ta, chỉ với sự chuẩn bị cẩn thận, khoa học nhất chúng ta mới mong thu được lợi ích từ chính quá trình hội nhập đó. Đồng thời, phải giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để thực hiện tốt các vấn đề trên cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, tăng cường tính chủ động và khả năng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
Tuyên truyền sâu rộng về yêu cầu, nội dung, lộ trình hội nhập cho từng người dân, đồng thời giúp họ tìm phương thức ứng sử hợp lý nhất qua các hình thức thông tin đa dạng, thông qua hoạt động của các tổ chức và đặc biệt kiên quyết cắt bỏ những bao cấp và bảo hộ không thích đáng để tạo sức ép cho người dân chủ động chuẩn bị hội nhập.
Khẩn trương xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập, trong đó các công việc về hoàn thiện môi trường, chính sách, pháp luật, chiến lược đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, cải cách nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước phải được thiết kế đồng bộ, khả thi, có lợi cho hội nhập một cách có hiệu quả. Trong chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược hội nhập cần giữ vững lập trường lợi ích dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau để tránh bị động vào yêu sách của các tổ chức quốc tế và nước ngoài mà làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Nhưng cũng cần đấu tranh với tư tưởng và hành động bảo thủ, vin vào những lợi ích cục bộ, ngắn hạn để cản trở quá trình hội nhập chung. Bởi vì, hội nhập có lợi nhiều hơn có hại, nhưng chỉ khi chúng ta biết hội nhập một cách khôn ngoan.
Tích cực khắc phục những sai sót, khiếm khuyết đã thấy rõ trong hệ thống các văn bản pháp lý, hệ thống chính sách và cung cách điều hành của Nhà nước để đẩy mạnh quá trình hội nhập có lợi cho Việt Nam. Tranh thủ thời cơ để tận dụng các cơ hội hiếm hoi dành cho các nước hội nhập trước trên thị trường thế giới. Hơn nữa, quá trình cải cách này tự nó cũng nâng cao sức cạnh tranh chung của nền kinh tế Việt Nam.
Nhanh chóng hoàn thiện môi trường thị trường trong nước, kiên quyết cắt bỏ bao cấp của Nhà nước nhằm tạo điều kiện tập dượt cho các doanh
nghiệp Việt Nam để khi mở cửa nền kinh tế, các doanh nghiệp của chúng ta có thể trụ được trước sự cạch tranh của doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, nhanh chóng cho phép hình thành các thị trường hiện còn yếu ớt như thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường quyền sở hữu trí tuệ… Không những tạo điều kiện cho những thị trường này ra đời mà ngay từ đầu cần đưa chúng vào hoạt động theo thông lệ quốc tế.
Đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực then chốt, chủ yếu tạo ra tiềm lực mạnh về kinh tế, khoa học- công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả và có sức cạnh tranh trên trường quốc tế; xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cho nền kinh tế đủ sức đứng vững và ứng phó được với những tình huống phức tạp, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả cao cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính, ngân sách, để vừa giảm nhẹ gánh nặng bao cấp của Nhà nước theo cam kết đã ký, vừa tạo ra chỗ dựa vững chắc để Nhà nước kiểm soát vĩ mô nền kinh tế.
Hai là, tranh thủ ngoại lực cho xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và xây dựng quân đội
Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và xây dựng quân đội không chỉ thuần túy dựa vào nội lực, mà còn phải biết thu hút và tận dụng tối đa mọi nguồn lực từ bên ngoài. Nguồn lực bên ngoài bao gồm: các lực lượng vật chất như trang thiết bị, kỹ thuật - công nghệ, năng lượng, nguyên liệu, tiền vốn và các nguồn lực về trí tuệ, kinh nghiệm tổ chức và quản lý, quan hệ thị trường quốc tế… kể cả quan hệ chính trị. Vấn đề này không hề mâu thuẫn với việc nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và xây dựng quân đội. Việc thu hút và khai thác các nguồn lực
từ bên ngoài sẽ bổ sung cho sự thiếu hụt, non yếu của các nguồn lực trong nước. Điều đó càng có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện thực lực của nước ta hiện nay đang còn hạn chế. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản về cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, những yếu kém trong công tác quản lý, vấn nạn quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước…chưa tạo được sức hút mạnh mẽ nguồn lực từ bên ngoài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế và xây dựng quân đội. Để thu hút, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài, cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
- Tranh thủ về mặt trí tuệ, bao gồm những kiến thức khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ nguồn, các thành tựu khoa học công nghệ mới, kể cả kiến thức về kinh tế - xã hội và kinh nghiệm về tổ chức, quản lý của các nước để ứng dụng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và phục vụ trong lĩnh vực quân sự. Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học - công nghệ được giao lưu, học tập và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học - công nghệ trên thế giới và khu vực, cơ chế, chính sách cần thông thoáng, cởi mở để thu hút đông đảo các tổ chức khoa học, các chuyên gia giỏi, tri thức lớn người nước ngoài và Việt kiều đầu tư, liên kết, hợp tác phát triển khoa học - công nghệ tại Việt Nam. Tranh thủ hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ có trình độ cao, để biến ngoại lực thành nội lực cơ bản nhất cho đất nước.
- Có chính sách thông minh, sáng tạo trong thu hút vốn nước ngoài, bao gồm vốn vay, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi rất nhiều vốn, cần phải thu hút nguồn vốn nước ngoài, đối với vốn vay ngoài nước cần hết sức tỉnh táo, cân nhắc vay để làm gì, sử dụng ra sao cho có hiệu quả, vay ở đâu, vay bao nhiêu, bao giờ trả,
nguồn trả lấy ở đâu? Vốn vay về sử dụng lãng phí, thất thoát thì sẽ để lại gánh nặng nợ nước ngoài cho các đời sau.
- Tranh thủ các quan hệ quốc tế, nhất là các quan hệ thị trường, đối tác, bạn hàng để thu hút đầu vào, giải quyết đầu ra cho sản xuất. Để mở rộng thị trường cần có chính sách thị trường phù hợp, phải thay đổi tư duy về chính trị, ngoại giao coi mọi quốc gia, lãnh thổ đều là bạn hàng, đồng thời phải nắm, thích nghi với luật pháp và thông lệ quốc tế [38, tr.19].
Nghị quyết Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Đa dạng hoá hình thức và cơ chế đầu tư để thu hút mạnh nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài, gồm cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp, vào các ngành, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội” [10, tr.238].