Kết hợp kinh tế với quốc phòng là một mặt hoạt động của xã hội, là phương thức có hiệu quả nhằm vừa nâng cao tiềm lực kinh tế vừa tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam coi kết hợp kinh tế với quốc phòng là quan điểm chiến lược của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là nội dung quan trọng của chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam là nước có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa, địa quân sự rất quan trọng và nhạy cảm ở vùng Đông nam châu Á. Từ xưa tới nay các thế lực ngoại bang từ phong kiến đến thực dân, đế quốc luôn nhòm ngó xâm chiếm nước ta. Để tồn tại và phát triển buộc dân tộc ta phải luôn kết hợp chặt chẽ giữa dựng nước với giữ nước, giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh. Thực tiễn kết hợp kinh tế với quốc phòng ở Việt Nam có nhiều nét độc đáo, vượt ra khỏi cái chung của thời đại phong kiến và vẫn còn là bài học quý cho chúng ta hôm nay. Nhiều kế sách tối ưu phát triển kinh tế kết hợp với xây dựng quân đội tinh nhuệ, thiện chiến đã được thực thi. Nổi bật nhất là kế sách “Ngụ binh, ư nông” (gửi binh lính vào nghề nông - binh lính tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế) dưới các triều đại Lý, Trần, Lê. Trong thời bình duy trì đội quân thường trực hợp lý, không ngừng chăm lo xây dựng, huấn luyện quân sự để quân đội có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc khi chiến tranh xảy ra. Một lực lượng quân đội khác ngoài công việc huấn luyện chiến đấu còn luân phiên làm kinh tế, sản xuất lương thực, thực phẩm, khi chiến tranh xảy ra lại trở thành những người lính thực thụ đánh giặc. Kế tục truyền thống dựng nước phải đi đôi với giữ nước, kết hợp kinh tế với quốc phòng của ông cha, thấm nhuần những tư tưởng của chủ nghĩa Mác - lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều chỉ thị nghị quyết bàn về vấn đề này. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã đưa sự kết hợp “kinh tế với quốc phòng - an ninh” trở thành một trong sáu quan điểm lớn
của Đảng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta nói rõ hơn về “kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh”. Sự kết hợp này còn được quy định cụ thể trong hiến pháp, nghị quyết, chính sách của Chính phủ.
Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Bản thân quân đội không chỉ có chức năng chiến đấu, chức năng công tác, mà còn có chức năng lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Vai trò của quân đội trong phát triển kinh tế là không thể phủ nhận. Nhiều thập kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội đã minh chứng sâu sắc về vai trò tích cực của quân đội trong xây dựng, phát triển nền kinh tế. Kết hợp kinh tế với quốc phòng trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ cần quán triệt và thực hiện tốt các vấn đề sau:
Thứ nhất, kết hợp kinh tế với quốc phòng ngay từ trong xác định chiến lược xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ làm điều kiện để xây dựng quân đội
Sự kết hợp đó phải được cụ thể hóa trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, trong qui hoạch, kế hoạch xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Chiến lược xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ phải mang lại những điều kiện thuận lợi, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đến xây dựng quân đội. Nhà nước cần sớm hoạch định chiến lược đổi mới và phát triển khoa học và công nghệ, gắn kết hợp khoa học - công nghệ dân sinh với khoa học - công nghệ phục vụ quốc phòng. Cần tạo ra môi trường pháp lý và cơ chế phù hợp để thúc đẩy sự hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa công nghệ dân sinh với công nghệ quốc phòng theo cả hai chiều, nhằm phát huy tối đa năng lực công nghệ quốc gia để phát triển kinh tế vừa tăng cường và hiện đại hóa nền quốc phòng. Khuyến khích đầu tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ lưỡng dụng ở cả khu vực sản xuất dân sự và quân sự để bảo đảm tính cơ động cao cho nền kinh tế khi có yêu cầu chuyển hướng
sản xuất. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đòi hỏi cũng phải có sự kết hợp kinh tế với quốc phòng. Nghị quyết Đại hội VIII chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng trong việc quy hoạch và phát triển các vùng kinh tế, các ngành công nghiệp, lấy hiệu quả kinh tế gắn với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh làm cơ sở cho những chủ trương cụ thể” [8, tr.184]. Đảng và Nhà nước phải có cơ chế chính sách cụ thể, qui định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành phần kinh tế và của toàn dân trong kết hợp kinh tế với quốc phòng; thể chế hóa nội dung kết hợp kinh tế với quốc phòng trong các thành phần kinh tế thành luật pháp, buộc mọi người phải thi hành. Trong quá trình xây dựng, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chúng ta cần phải kết hợp kinh tế với quốc phòng ngay từ khi qui hoạch tổng thể đến đầu tư xây dựng và khai thác, sử dụng. Cần tạo ra một kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lưỡng dụng vừa tạo nền móng cho giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa phục vụ tốt cho nhiệm vụ cơ động, bố trí lực lượng và đáp ứng các yêu cầu của lực lượng vũ trang.
Thứ hai, phát huy vai trò của quân đội trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ
Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là qui luật tồn tại và phát triển của nước ta hiện nay. Nhiệm vụ duy trì, củng cố hòa bình, tạo môi trường ổn định cho sự nghiệp xây dựng đất nước, triệt để thực hành tiết kiệm và tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế đang là sứ mệnh lịch sử nặng nề nhưng vô cùng vinh quang của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với Tổ quốc. Chính sứ mệnh đó của quân đội đang đặt ra và đòi hỏi phát huy vai trò của quân đội đối với sự nghiệp đổi mới và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Để phát huy vai trò của quân đội trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ cần nắm vững các quan điểm chỉ đạo sau đây:
- Tiếp tục khẳng định tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một nhiệm vụ chiến lược của quân đội nhằm duy trì năng lực sản xuất quốc phòng, góp phần tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, quân đội phải phấn đấu là một trong những nguồn nội lực của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và là lực lượng nòng cốt giải quyết các vấn đề quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội trên các địa bàn chiến lược, nơi biên giới, hải đảo, vùng biển đặc quyền kinh tế.
- Lấy hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh làm mục tiêu trong quá trình lao động sản xuất. Tiếp tục đổi mới tư duy và điều hành nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội, mạnh dạn đổi mới công nghệ để các doanh nghiệp quân đội đứng vững trong môi trường kinh tế mới và tiến trình hội nhập, góp phần phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong quân đội.
- Kiên quyết sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp quân đội để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 (khóa IX), phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các địa phương và các đơn vị cùng đứng chân trên địa bàn, có kế hoạch và bước đi đồng bộ phù hợp với khả năng của quân đội và Nhà nước; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 07- NQ/TW ngày 27 tháng 11 năm 2001 của Bộ Chính trị.
- Quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, trong sản xuất, xây dựng kinh tế. Nghiêm cấm việc buôn bán kinh doanh trái phép.