Giải pháp này được đưa lên vị trí đầu tiên, bởi vì, trước hết phải có sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thì mới có thể thống nhất trong hành động. Chủ trương của Đảng đưa ra là đúng đắn, đường lối, chính sách của Nhà nước về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính qui, tinh nhuệ và từng bước hiện đại” là chủ trương lớn mang tầm chiến lược quốc gia phù hợp với tình hình hiện nay. Nhưng một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn còn những băn khoăn đó là: liệu có thể xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế được không? Làm sao Việt Nam có thể xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ từ một điểm xuất phát thấp, cùng với những nguy cơ thách thức từ bên ngoài và từ ngay chính bản thân nền kinh tế trong nước? Về mối quan hệ chặt chẽ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của nó đối với qua trình xây dựng quân đội? Vì thế, việc thống nhất ý chí và hành động được coi là nguồn lực tinh thần, là nguồn sức mạnh đưa nước ta vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển vững chắc trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải bằng cả ý chí và bản lĩnh quốc gia. Từ thực tế đó, đòi hỏi phải có sự tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, sâu rộng về vấn đề này, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức tư tưởng và hành động của toàn xã hội trong thực hiện nhiệm vụ trọng đại trên. Để đạt được yêu cầu đó cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Thứ nhất, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, lựa chọn các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng loại đối tượng để nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và xây dựng quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Định hướng hành động cho mọi cá nhân, tổ chức và toàn xã hội
tham gia tích cực và có hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng quân đội. Nhà nước cần có sự đầu tư thỏa đáng cho việc xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền giáo dục sao cho thật sinh động, thuyết phục có sức lôi cuốn mọi người. Đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền như đài, báo, vô tuyến truyền hình, mạng Internet…Thông qua chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, thường xuyên phổ biến những tin tức thời sự, những thông tin kinh tế mới cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên để có kiến thức thể hiện thành những bài viết, tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn và có tính thuyết phục. Bên cạnh việc lồng ghép vào các đợt học tập chính trị, nghị quyết, nên có những tài liệu tuyên truyền với những luận cứ khoa học để mọi người thông suốt, hiểu rõ về sự cần thiết, những khó khăn, thuận lợi, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng quân đội và vai trò của quân đội trong tham gia xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ… Từ đó mà đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi người dân về chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ của Đảng và Nhà nước ta. Trong các nhà trường, các cơ quan, các tổ chức đoàn thể, việc tuyên truyền giáo dục về những vấn đề trên phải coi là nội dung bắt buộc. Chống mọi biểu hiện đại khái, qua loa, mang tính chiếu lệ, đồng thời cũng tránh sự nhồi nhét, ép buộc, nặng về khuyếch trương hình thức.
Thứ hai, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Làm rõ những tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam. Khơi dậy và hun đúc lòng quyết tâm cao độ cho mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân phát huy cao nhất tinh thần và lực lượng, trí tuệ và của cải để chiến thắng tình trạng đói nghèo, kém phát triển, kiên trì và bền bỉ phấn đấu để đưa nước ta trở
thành một nước công nghiệp. Thông qua những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội nhằm tạo lập củng cố niềm tin trong nhân dân và cán bộ, chiến sỹ trong quân đội. Bằng các hoạt động thi đua khen thưởng để tuyên truyền, nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong cả nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cần nghiêm túc kiểm điểm những cá nhân, tập thể chưa hoàn thành nhiệm vụ, kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và đề ra những biện pháp tiếp theo.
Thứ ba, trong quân đội, công tác giáo dục tuyên truyền về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự nghiệp xây dựng quân đội cần được sự quan tâm của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Cần quán triệt cho mọi quân nhân hiểu rõ, lao động, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ, chức năng của quân đội. Hoạt động của quân đội là hoạt động đặc biệt, có tính chất đặc thù nhưng không có nghĩa là đứng ngoài mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi vậy, công tác giáo dục tuyên truyền có ý nghiã đặc biệt quan trọng, cần làm cho mọi cán bộ, chiến sỹ nhận thức đúng đắn về những chủ trương, đường lối của Đảng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, những thuận lợi, khó khăn, thời cơ và thách thức. Trên cơ sở đó xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Để thực hiện tốt công tác giáo dục tuyên truyền, cần phải có những hình thức, phương pháp cụ thể, sinh động, phong phú và đa dạng, có thể xây dựng thành những chuyên đề để tuyên truyền giáo dục trong chương trình học
tập chính khóa, hoặc là bổ trợ ngoại khóa; thông qua các phương tiện thông tin truyền thanh; sử dụng những chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm để tiến hành tuyên truyền giáo dục.