Tận dụng cơ hội đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cho

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ tác động của xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đến xây dựng quân đội ở việt nam hiện nay (Trang 70 - 73)

ảnh hưởng tiêu cực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cho xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và xây dựng quân đội

Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế tất yếu sẽ chịu sự tác động theo cả hai chiều hướng: tích cực và tiêu cực. Vì vậy, phải luôn tận dụng cơ hội, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực. Có như vậy, mới phát huy được vai trò tích cực của xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đối với quá trình xây dựng quân đội.

Tính chất hai mặt cùng với những tác động hai chiều của hội nhập kinh tế quốc tế cho thấy nếu không có một nền kinh tế độc lập tự chủ sẽ không những không thể có sự độc lập về chính trị, không thể bảo đảm được lợi ích cơ bản của dân tộc cũng như chủ quyền quốc gia, mà bản thân việc mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế cũng không đạt được kết quả như mong muốn. Tất cả các nước tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đều xuất phát từ mục tiêu bên trong, phục vụ cho yêu cầu, nhiệm vụ trong nước. Hội nhập kinh tế quốc tế làm cho các nền kinh tế phụ thuộc đan xen vào nhau, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong sự ràng buộc về lợi ích đó, không có sự ràng buộc thuần túy, vô điều kiện mà chính là vì phải biết chia sẻ lợi ích một cách hợp lý, nhằm mục đích cuối cùng là thu được nhiều hơn lợi ích cho đất nước mình, dân tộc mình, giữ được tính độc lập tự chủ của nền kinh tế qua mối quan hệ ràng buộc phụ thuộc lẫn nhau.

Để tận dụng cơ hội, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cho xây dựng kinh tế độc lập tự chủ và xây dựng quân đội, cần quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm của Đảng trong quá trình hội nhập:

Thứ nhất, quán triệt chủ trương được xác định tại Đại hội IX của Đảng là “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”. Chủ động đi từng bước vững chắc, tận dụng tốt các cơ hội và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những thách thức; kết hợp nội lực với ngoại lực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực; nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư. chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi chúng ta phải có kế hoạch tổng thể, xây dựng lộ trình hợp lý, chương trình hành động cho từng thời kỳ, tranh thủ hết mức thời cơ thuận lợi, không được để lỡ thời cơ. Cần tận dụng tối đa nguồn lực từ bên ngoài như: vốn đầu tư, công nghệ, chất xám, phương thức quản lý, thị trường quốc tế, các đối tác làm ăn; huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và xây dựng quân đội.

Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; trong quá trình hội nhập cần phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Hội nhập kinh tế quốc tế không phải là công việc riêng của các cơ quan Nhà nước hay của các doanh nghiệp mà là sự nghiệp của toàn dân, của các cấp, các ngành, của mọi thành phần kinh tế. Quá trình đó vừa tạo ra những thuận lợi, khó khăn, thời cơ và nguy cơ, vì vậy, cần phải làm cho mọi người hiểu rõ, nhận thức đúng đắn về hội nhập và có sự nhất trí cao, đồng lòng, đồng sức thực hiện. Để kinh tế nhà nước giữ vững vai trò chủ đạo trong quá trình hội nhập, cần thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tạo sân chơi bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Thứ ba, Hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức, do đó cần tỉnh táo, khôn khéo và linh hoạt trong việc xử lý tính hai mặt của hội nhập, tùy theo đối tượng, vấn đề, trường hợp, thời điểm cụ thể; vừa phải đề phòng tư tưởng trì trệ, thụ động, vừa phải chống tư tưởng đơn giản nôn nóng. Hợp tác và đấu tranh, cạnh tranh là hai mặt thuộc bản chất của hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quá trình này, chúng ta vừa đồng thời hợp tác vừa phải đấu tranh với các nước và đối tác quốc tế để bảo vệ lợi ích của ta và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo vệ đất nước. Hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh không những trên bình diện quốc tế mà cả trên bình diện quốc gia không kém phần gay go, phức tạp. Trong mỗi quốc gia, đấu tranh chủ yếu diễn ra giữa các nhóm lợi ích khác nhau trong các quá trình ra các quyết định, chính sách. Quá trình mở cửa hội nhập liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, an ninh - quốc phòng và trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến lợi ích của các nhóm người khác nhau trong xã hội. Trong việc xử lý mối quan hệ này, cần ưu tiên lợi ích toàn cục, lợi ích quốc gia dân tộc.

Thứ tư, nhận thức đầy đủ đặc điểm kinh tế nước ta, từ đó đặt ra kế hoạch và lộ trình hợp lý, vừa phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, vừa đáp ứng các quy định của các tổ chức kinh tế quốc tế mà nước ta tham gia; tranh thủ những ưu đãi dành cho các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường. Việt Nam hiện là nước có nền kinh tế đang phát triển ở trình độ thấp, đang chuyển đổi từ tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một đặc điểm rất quan trọng mà chúng ta cần nắm chắc và quán triệt trong quá trình đàm phán tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế, xây dựng các cam kết quốc tế, các chính sách, lộ trình hội nhập của nước ta.

Xuất phát từ đặc điểm trên, chúng ta cần xác định và tuân thủ một số nguyên tắc sau: mở cửa từng bước đi đôi với bảo hộ có chọn lọc, có điều kiện và có thời hạn; phấn đấu đạt được những điều kiện hội nhập phù hợp với trình độ của nước ta là một nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi với những ưu đãi cần thiết về mức độ và thời gian thực hiện cam kết mở cửa thị trường; xây dựng và phát triển hệ thống kinh tế mở.

Thứ năm, kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh - quốc phòng, thông qua hội nhập để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, nhằm củng cố chủ quyền và an ninh đất nước, cảnh giác với những mưu toan thông qua hội nhập để thực hiện ý đồ “diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế với các nước, nhất là với các nước phương Tây, sẽ làm nảy sinh các vấn đề phức tạp về an ninh. Để đối phó với tình hình phức tạp đó, điều quyết định là thực hiện nghiêm túc chiến lược an ninh quốc gia; kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh; phối hợp hoạt động quốc phòng - an ninh với hoạt động đối ngoại, trong đó có hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, được thể hiện trong qui hoạch, kế hoạch của các ngành, các địa phương, các đơn vị cơ sở. Thực tiễn nước ta cho thấy, điều cơ bản có tính quyết định để bảo đảm an ninh quốc gia là phải đặc biệt chăm lo xây dựng, củng cố niềm tin, sự ủng hộ gắn bó của nhân dân với chế độ, với Đảng và Nhà nước. Mặt khác, quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, sự đan xen lợi ích giữa nước ta với các nước tuy có mặt phức tạp, nhưng chính sách đa phương hóa quan hệ đối ngoại là một yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ tác động của xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đến xây dựng quân đội ở việt nam hiện nay (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w