Tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác hoạt động dạy học theo định hướng

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh tại các trường trung học cơ sở huyện đak đoa tỉnh gia lai (Trang 94 - 98)

9. Cấu trúc luận văn

3.2.5. Tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác hoạt động dạy học theo định hướng

hướng phát triển năng lực học sinh tại các trường trung học cơ sở

3.2.5.1. Mục tiêu của biện pháp

Giúp giáo viên hiểu đúng mục đích của KTĐG, đó là đánh giá phải vì sự tiến bộ của học sinh; không so sánh học sinh này với học sinh khác; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự hứng thú, tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy năng khiếu cá nhân; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan, không tạo áp lực cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Giáo viên biết và thực hiện các hình thức đánh giá đa dạng như: đánh giá bằng trắc nghiệm, bằng kiểm tra viết tự luận, đánh giá bằng sản phẩm, bằng hồ sơ học sinh, bằng trình bày miệng, thảo luận/tranh luận thông qua tương tác nhóm, thông qua các sản phẩm của nhóm. Giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết cách tự đánh giá, học sinh đánh giá lẫn nhau

Thông qua đổi mới KTĐG làm cho học sinh tích cực hơn, nỗ lực hơn và có sự tiến bộ, thay đổi bản thân (không chỉ làm chủ kiến thức, kỹ năng mà còn thay đổi cả thái độ, niềm tin)

3.2.5.2. Nội dung biện pháp

Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT ra đời thể hiện rõ quan điểm đổi mới về hoạt động KTĐG theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đảm bảo hoạt động kiểm tra, đánh giá như một hoạt động học tập, vì hoạt động học tập và sự tiến bộ

của học sinh.

Hình thức đánh giá bằng nhận xét nhằm thực hiện mục tiêu định hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học; hay nói cách khác là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh. Có thể hiểu học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Từ đó, kết quả của hoạt động KTĐG sẽ sát thực với năng lực của học sinh, giúp các em hình thành, phát triển được phẩm chất, năng lực cơ bản cần thiết trong cuộc sống. Hoạt động đánh giá qui định tại Thông tư 26/2020 được cụ thể hóa hơn so với Thông tư 58/2011 trước đây. Trong đó, KTĐG thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể. Ngoài ra việc thay thế cụm từ "cho điểm" bằng cụm từ "đánh giá"; "số lần" bằng cụm từ "số điểm"; "cho điểm" bằng cụm từ "điểm số"; "của một môn học nào đó" bằng cụm từ "của duy nhất một môn học nào đó" và đưa thêm môn Ngoại ngữ tham gia vào đánh giá chọn học sinh giỏi, nếu như trước đây chỉ có 1 trong 2 môn Toán và Ngữ văn thì nay là 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Đó là những điểm mới cơ bản mà cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh tại trường THCS cần nắm rõ.

Chỉ đạo giáo viên đổi mới nội dung KTĐG: Hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá chủ yếu là kiểm tra, đánh giá tái hiện kiến thức của học sinh mà ít kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức vào các tình huống cụ thể. Chính điều này khiến xảy ra tình trạng học ứng thí của học sinh.Ngoài KTĐG các năng lực nhận thức như trí thông minh, khả năng sáng tạo, phải kết hợp KTĐG các năng lực phi nhận thức như sự tự tin, tinh thần vượt khó, trách nhiệm công dân; năng lực hợp tác, năng lực làm việc độc lập,…đây là những năng lực quan trọng giúp học sinh có thể thích ứng những hoàn cảnh, điều kiện không ngừng thay đổi của cuộc sống.

Chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức KĐGT: Yêu cầu giáo viên sử dụng kết hợp các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá mới và truyển thống. Đặc biệt chú trọng các phương pháp và hình thức có hiệu quả trong việc phát triển năng lực học sinh như kiểm tra thực hành, cho điểm sản phẩm cá nhân, cho điểm sản phẩm của nhóm, cho điểm ý tưởng sáng tạo, cho điểm khi học sinh giải quyết được các vấn đề thực tế,…; kết hợp đánh giá kết quả học tập với đánh giá quá trình học tập của học sinh.

Chỉ đạo giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết cách tự đánh giá, học sinh được đánh giá lẫn nhau: Giáo viên phải hình thành ở học sinh khả năng tự kiểm tra, tự đánh giá. giáo viên giúp học sinh hiểu rõ nhiệm vụ và có thể tự mình tổ chức các hoạt động học của mình dưới sự hướng dẫn. Điều này giúp học sinh tích cực hơn,

tự tin hơn, hình thành được tư duy phản biện, năng lực đánh giá và tự đánh giá ở học sinh.

Nguyên tắc KTĐG theo định hướng phát triển năng lực học sinh:

Đảm bảo tính toàn diện và tính linh hoạt: kết quả đánh giá phải phản ánh đầy đủ sự phát triển của các thành tố và chỉ số hành vi của năng lực được đo lường. Do vậy, việc đánh giá phải thực hiện đa dạng các hình thức, phương pháp đánh giá để người học có cơ hội thể hiện tốt nhất năng lực của họ

Đảm bảo tính phát triển: Nguyên tắc này đòi hỏi trong quá trình kiểm tra, đánh giá, có thể phát hiện sự tiến bộ của học sinh, chỉ ra những điều kiện để cá nhân đạt kết quả tốt hơn về phẩm chất và năng lực; phát huy khả năng tự cải thiện của học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục.

Đảm báo đánh giá trong bối cảnh thực tiễn: công cụ đánh giá cần được thực hiện trong bối cảnh thực (cá nhân, trường lớp, dân cư, khoa học) nhằm phản ảnh đúng năng lực của người học khi thực hành trong môi trường thực tế. Để chứng minh người học có phẩm chất và năng lực ở mức độ nào đó, phải tạo cơ hội để họ được giải quyết vấn đề trong tình huống, bối cảnh mang tính thực tiễn.

Đảm bảo phù hợp với đặc thù môn học: Mỗi môn học có những yêu cầu riêng về năng lực đặc thù cần hình thành cho học sinh. Vì vậy, việc kiểm tra, đánh giá cũng phải đảm bảo tính đặc thù của môn học nhằm định hướng cho giáo viên lựa chọn và sử dụng các phương pháp, công cụ đánh giá phù hợp với mục tiêu và yêu cầu cần đạt của môn học. Việc phân tích và mô tả các mức độ biểu hiện của yêu cầu cần đạt có vai trò rất quan trọng trong kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Giáo viên có xác định rõ các mức độ biểu hiện thì mới lựa chọn được phương pháp và công cụ đánh giá phù hợp.

3.2.5.3. Cách thực hiện biện pháp

Nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên về tầm quan trọng của việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. Làm cho giáo viên thấy được vai trò và trách nhiệm của bản thân để họ tự giác thực hiện.

Tổ chức bồi dưỡng chuyên đề cho giáo viên về các hình thức và phương pháp đánh giá. Giúp đánh giá chính xác năng lực của học sinh mà không làm học sinh bị áp lực hoặc bị tổn thương, đồng thời hình thành khả năng đánh giá và tự đánh giá của bản thân.

Chỉ đạo giáo viên thiết kế các bài kiểm tra học sinh theo hướng tiếp cận năng lực, chú ý các quan điểm dạy học phân hóa, tích hợp và liên môn; tăng cường các câu hỏi giải quyết các tình huống thực tế; các câu hỏi mở; câu hỏi đánh giá được quan điểm cá nhân; xu hướng, năng lực sáng tạo của học sinh;…

Chỉ đạo giáo viên đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá như giao cho HS viết báo cáo về một chủ đề, tóm tắt một chủ đề, lập sơ đồ tư duy; đánh giá qua thuyết trình; đánh giá qua sản phẩm học tập của học sinh ; qua các sản phẩm hoạt động của nhóm. Chỉ đạo giáo viên thực hiện quan điểm đánh giá quá trình học tập của học sinh, giúp học sinh nhận thấy được mức độ tiến bộ của bản thân; hình thành sự tự tin cho học sinh; tránh làm học sinh nản chí hoặc tổn thương.

Chỉ đạo giáo viên thực hiện tốt việc phản hồi với học sinh sau kiểm tra, đánh giá. Đây là hoạt động quan trọng giúp học sinh thấy được mặt mạnh, mặt hạn chế của bản thân để có sự điều chỉnh. CBQL có kiểm tra việc này thông qua việc xem phần nhận xét trong bài làm của học sinh hoặc dự giờ trả bài của giáo viên. Tránh tình trạng giáo viên chỉ chấm điểm mà không nhận xét, đánh giá hoặc nhận xét, đánh giá chung chung khiến học sinh không hiểu mình đã thực hiện tốt việc gì; còn hạn chế gì.

CBQL thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động đánh giá học sinh của giáo viên trong nhà trường. Động viên, khích lệ kịp thời những giáo viên làm tốt và nhắc nhở, điều chỉnh những giáo viên chưa thực hiện.

Trong đánh giá phát triển năng lực học sinh, giáo viên phải ghi nhận sự tiến bộ của học sinh thông qua việc thu thập, mô tả, phân tích, giải thích các hành vi đạt được của học sinh theo các mức độ từ thấp đến cao và đối chiếu nó với các mức độ thuộc các thành tố của mỗi năng lực cần đo (yêu cầu cần đạt của mỗi năng lực trong chương trình giáo dục phổ thông 2018) thông qua “Đường phát triển năng lực”

Đường phát triển năng lực là sự mô tả các mức độ phát triển khác nhau của mỗi năng lực mà người học cần hoặc đã đạt được. Đường phát triển năng lực không có sẵn, mà giáo viên cần phải phác họa khi thực hiện đánh giá năng lực học sinh. Đường phát triển năng lực được xem xét dưới hai góc độ: (1) Đường phát triển năng lực là tham chiếu để đánh giá sự phát triển năng lực cá nhân học sinh. (2) Đường phát triển năng lực là kết quả phát triển năng lực của mỗi cá nhân học sinh.

Để xác định đường phát triển năng lực chung, giáo viên cần căn cứ vào mỗi thành tố của từng năng lực và yêu cầu cần đạt của mỗi thành tố năng lực trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 để phác hoạ nó. Sau đó, giáo viên cần thiết lập các mức độ đạt được của năng lực với những tiêu chí cụ thể để thu thập minh chứng xác định điểm đạt được của học sinh trong đường phát triển năng lực để ghi nhận và có những tác động điều chỉnh hoặc thúc đẩy.

3.2.5.4. Điều kiện thực hiện biện pháp

Giáo viên nhà trường phải được tập huấn, bồi dưỡng kỹ về các nội dung đổi mới kiểm tra, đánh giá, nhất là việc thiết kế câu hỏi, bài kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực học sinh, việc sử dụng các hình thức và phương pháp đánh giá mới.

Quản lý nhà trường phải chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện của giáo viên. Thực hiện việc giám sát, đánh giá hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường theo đúng qui định và chịu trách nhiệm giải trình về các hoạt động và kết quả dạy học giáo dục với các bên liên quan; Việc kiểm tra, đánh giá phải được thực hiện ở tất cả các khâu: Từ kiểm tra đánh giá việc xây dựng kế hoạch đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, trong đó có: mục tiêu, chỉ tiêu; thời lượng thực hiện; tiến trình thực hiện; các yêu cầu về phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh; phương pháp và hình thức triển khai; các hoạt động của giáo viên, học sinh…

Đánh giá phải diễn ra trong suốt quá trình dạy học, giúp học sinh liên tục được phản hồi để tự biết được mình mạnh ở điểm nào, yếu ở điểm nào và là cơ sở để giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học. Đánh giá phải tạo ra sự phát triển, nâng cao năng lực của người học, tức là giúp các học sinh hình thành khả năng tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau,... phát triển năng lực tự học. Đánh giá là một quá trình học tập, đánh giá diễn ra trong suốt quá trình dạy và học. Không chỉ giáo viên biết cách thức, kỹ thuật đánh giá học sinh mà quan trọng không kém là học sinh phải học được cách đánh giá của giáo viên, biết đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá kết quả học tập rèn luyện của chính mình. Có như vậy, học sinh mới tự phản hồi với bản thân xem kết quả học tập, rèn luyện của mình đạt mức nào, đến đâu so với yêu cầu cần đạt.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh tại các trường trung học cơ sở huyện đak đoa tỉnh gia lai (Trang 94 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)