Tình hình phát triển chung

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh Hòa Bình. (Trang 40 - 42)

5. Bố cục của đề tài

2.2.1 Tình hình phát triển chung

Tỉnh Hòa Bình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016- 2020 trong bối cảnh thế giới diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh những động lực đó tăng trưởng kinh tế toàn cầu như: sự thay đổi của các cơ quan tài chính tiền tệ của nước lớn, tiến bộ nhờ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng trưởng kinh tế tại các nước xuất khẩu dầu mỏ hồi phục và những thành tựu đạt được từ tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thì những rủi ro cản trở đà tăng trưởng kinh tế thế giới đang có xu hướng tăng bắt đầu từ năm 2019, bao gồm chủ nghĩa dân túy, chống toàn cầu hóa và bảo hộ thương mại (đặc biệt là thể hiện thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung), sự kiện Brexit, căng thẳng địa

chính trị diễn ra ở Trung Đông, xu hướng thắt chặt tiền tệ tại nước phát triển (Mỹ, EU) và tác động giảm dần của gói kích thích tài khóa tại Mỹ, diễn biến phức tạp của bệnh dịch, đặc biệt là đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã làm xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngược lại với tình hình khó khăn của nhiều nền kinh tế khác nhau trên thế giới, kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc với tốc độ tăng trưởng khá cao. Môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp và tiết kiệm điện năng. Khu vực doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức cao. Mặc dù vậy, những yếu kém, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn nhiều, chất lượng tăng trưởng chưa thực sự tốt, mô hình tăng trưởng lạc hậu và bộc lộ nhiều hạn chế.

Trước diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng gắn với đẩy mạnh thực hiện chiến lược, cơ cấu lại kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì, bảo đảm quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị - xã hội; nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiện kỳ 2015-2020, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, kết quả hoàn thành cơ bản mục tiêu tổng quát đã đề ra, kinh tế tỉnh Hòa Bình có tốc độ tăng trưởng khá, GRDP bình quân đầu người của tỉnh cao hơn bình quân chung của khu vực miền núi phía Bắc và bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước. Cơ cấu GRDP chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách Nhà nước tăng trưởng cao; các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, sản phẩm công nghệ cao và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao tiếp tục phát triển; diện tích trồng cây lương thực được duy trì ổn định, diện tích trồng cây ăn quả được mở rộng: công

tác quản lý, khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng mới được tăng cường, thực hiện vượt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng. Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thể thao và bảo vệ môi trường được chú trọng, có nhiều bước tiến tích cực; công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm.

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh Hòa Bình. (Trang 40 - 42)