Những hạn chế còn tồn tại

Một phần của tài liệu Phân tích chất lượng tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Sở giao dịch. (Trang 69 - 72)

a. Các tiêu chí định lượng

Về số dư cấp tín dụng, tốc độ tăng trưởng cấp tín dụng

Mặc dù tốc độ tăng trưởng dư nợ năm 2020 là tương đối ấn tượng (47,0%), tuy nhiên dư nợ vay của nhóm DNVVN vẫn ở mức khá thấp (chỉ chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của Vietcombank Sở giao dịch), tương ứng với khoảng 1.310 tỷ đồng. Mức dư nợ này là chưa tương xứng với quy mô hoặt động và tiềm năng phát triển của Vietcombank Sở giao dịch.

Về hoạt động tài trợ thương mại (bao gồm bảo lãnh, LC), số dư của mảng này đã từng bước tăng trưởng trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, nếu xét về tỷ lệ số dư bảo lãnh, LC của nhóm DNVVN so với tổng số dư của toàn Vietcombank Sở giao dịch thì con số này còn tương đối thấp. Đặc biệt, nếu chỉ tính riêng mảng bảo lãnh thì tỷ lệ bảo lãnh DNVVN / tổng số dư bảo lãnh có xu hướng giảm trong 3 năm trở lại đây.

Lợi nhuận từ tín dụng nhóm DNVVN

Tương ứng với tỷ trọng số dư cấp tín dụng cũng như quy mô giao dịch của nhóm DNVVN, tỷ lệ đóng góp lợi nhuận của nhóm DNVVN cho Vietcombank Sở

giao dịch là không cao. Từ năm 2017 đến nay, tỷ trọng này tương đối ổn định ở mức thấp, khoảng 4,9% đến 5,2%.

Tỷ lệ tài sản bảo đảm

Tỷ lệ tài sản bảo đảm luôn được duy trì ở mức cao (trên 100%). Việc yêu cầu tỷ lệ tài sản bảo đảm cao là hợp lý do nhóm DNVVN thường có rủi ro lớn hơn so với nhóm doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, việc duy trì tỷ lệ tài sản bảo đảm cao cũng cản trở việc phát triển hoạt động tín dụng đối với DNVVN, khách hàng sẽ có xu hướng tìm đến các NHTM khác yêu cầu tỷ lệ tài sản thấp hơn.

Tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn

Tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn của nhóm khách hàng DNVVN đã giảm mạnh từ năm 2016 đến năm 2017 và duy trì ổn định ở mức thấp từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, giá trị nợ ngoại bảng chưa được xử lý của Vietcombank Sở giao dịch vẫn còn rất lớn, khoảng 100 tỷ đồng.

Tóm lại

Quy mô tín dụng của nhóm DNVVN còn thấp, chưa tương xứng với quy mô hoạt động của Vietcombank Sở giao dịch, lợi nhuận mang lại thấp.

Tỷ lệ tài sản bảo đảm được duy trì ở mức cao trên 100% đã góp phần giảm tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Tuy nhiên điều này gây cản trở cho việc phát triển quy mô tín dụng, ảnh hưởng đến sự hài lòng và khả năng chấp nhận của khách hàng.

Dư nợ ngoại bảng chưa xử lý còn lớn, đòi hỏi Vietcombank Sở giao dịch cần xử lý quyết liệt hơn các khoản nợ ngoại bảng hiện tại và hạn chế hơn nữa các khoản nợ ngoại bảng có thể phát sinh trong tương lai.

b. Các chỉ tiêu định tính Về tốc độ, chất lượng phục vụ

Tốc độ xử lý công việc của cán bộ khách hàng tại Vietcombank Sở Giao Dịch còn chậm, nhiều thủ tục rườm rà, tạo ra rào cản trong quá trình tiếp cận nguồn vốn của khách hàng. Nguyên nhân một mặt là do quan điểm cấp tín dụng của Vietcombank còn khá chặt chẽ, đưa ra nhiều điều kiện kiểm soát cũng như những rào cản về tỷ lệ TSBĐ, mặt khác là do công nghệ của Vietcombank vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu công việc hiện tại, chưa giải phóng được sức lao động

cho cán bộ nhân viện, qua đó ảnh hưởng đến tốc độ xử lý công việc của cán bộ. Về chất lượng dịch vụ, Vietcombank là một trong những NHTM có chính sách lãi suất, phí ưu đãi tốt nhất đối với các DNVVN. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, do quan điểm tín dụng chặt chẽ nên Vietcombank Sở giao dịch có thể đưa ra mức lãi suất cao hơn so với kì vọng và khả năng chấp nhận của khách hàng. Điều này gây sụt giảm doanh số cấp tín dụng và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng của khách hàng với dịch vụ của Vietcombank Sở giao dịch.

Mức độ hài lòng của khách hàng

Theo kết quả khảo sát tác giả đã thực hiện tại Chương 2, mức độ hài lòng với chất lượng tín dụng của Vietcombank Sở giao dịch chỉ ở mức trung bình (3,12 điểm). Như vậy, khách hàng DNVVN vẫn chưa thực sự hài lòng về Chất lượng tín dụng tại Vietcombank Sở Giao Dịch

c. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng Về phía Ngân hàng

Quy trình tín dụng còn nhiều thủ tục rườm rà, các quy định và chính sách tín dụng còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, một số khoản mục chưa được thống nhất có thể dẫn đến vi phạm trong quá trình áp dụng.

Về kiểm soát nội bộ, kiểm tra sau cho vay: cán bộ chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc kiểm tra sau cho vay nên thường không thực hiện hoặc thực hiện thiếu nghiêm túc theo hình thức đối phó. Điều này sẽ làm gia tăng khả năng phát sinh nợ quá hạn, nguy cơ gia tăng tỷ lệ nợ xấu cho chi nhánh.

Về yếu tố con người, một bộ phận nhỏ các cán bộ mới có năng lực chuyên môn chưa cao, đòi hỏi phải có thêm thời gian để trau dồi kiến thức chuyên môn và đẩy nhanh tốc độ làm việc.

Về yếu tố công nghệ thông tin: hiện nay Vietcombank Sở giao dịch còn đang khá yếu trong việc đưa công nghệ thông tin vào hỗ trợ cho hoạt động tín dụng, cán bộ tín dụng thường xuyên phải thao tác bằng tay khiến năng suất công việc chưa cao. Thực tế, Vietcombank Sở giao dịch đang phải vận hành một hệ thống nhân sự chuyên tổng hợp số liệu để phục vụ các loại báo cáo, không những gây tốn kém nguồn lực mà báo cáo đôi khi không đảm bảo được chất lượng và tiến độ yêu cầu.

Về yếu tố thông tin tín dụng và chất lượng thẩm định tín dụng: Hiện nay các nguồn thông tin tín dụng mà cán bộ có thể tiếp cận được là tương đối hạn chế, chủ yếu là từ Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC). Việc không tiếp cận được với các nguồn tin đa dạng tiềm ẩn rủi ro thông tin bất cân xứng, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ và chất lượng của công việc.

Về phía khách hàng

Đạo đức và uy tín của khách hàng: nhìn chung các khách hàng DNVVN tại Vietcombank Sở giao dịch đều có phẩm chất đạo đức tốt, tuy nhiên không phải khách hàng nào cũng có uy tín cao, đặc biệt là trong lĩnh vực tín dụng. Thực tế, các DNVVN thường có ít danh tiếng trên thị trường, uy tín của doanh nghiệp chưa cao.

Về rủi ro thông tin: Hiện tại các DNVVN tại Vietcombank Sở giao dịch thường chỉ cung cấp báo cáo tài chính không qua kiểm toán hoặc báo cáo thuế nên tính chính xác về thông tin là chưa cao.

Năng lực tài chính và năng lực quản lý: Do hoạt động với quy mô nhỏ, chủ yếu là doanh nghiệp có tính chất tư nhân gia đình nên năng lực điều hành và năng lực tài chính của các DNVVN còn nhiều hạn chế.

Các yếu tố bên ngoài (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nền kinh tế, môi trường chính trị xã hội hiện nay của nước ta cơ bản là tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các DNVVN.

Các yếu tố pháp lý và chính sách của Nhà nước: về cơ bản là thuận lợi, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển các DNVVN.

Cạnh tranh giữa các NHTM: Hiện nay, Vietcombank Sở giao dịch đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của các NHTM trong mảng tín dụng DNVVN. Thực tế, Vietcombank Sở giao dịch đang tỏ ra kém cạnh tranh hơn so với nhóm NHTM cổ phần tư nhân như Techcombank, Vpbank, ACB. Các NHTM này xác định tập khách hàng mục tiêu là DNVVN, ban hành ra các sản phẩm có nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng. Bài toán đặt ra với Vietcombank Sở giao dịch là làm sao để có thể vừa tăng trưởng tín dụng DNVVN, gia tăng thị phần mà không nới lỏng quá mức các điều kiện tín dụng, kiểm soát rủi ro, đảm bảo không làm sụt giảm chất lượng nợ.

Một phần của tài liệu Phân tích chất lượng tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Sở giao dịch. (Trang 69 - 72)