Bắt kịp xu hướng cùng các doanh nghiệp tại Việt Nam, từ năm 2017 MSB đã xây dựng và ban hành chương trình tín dụng tài trợ chuỗi cung ứng của khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên sau thời gian triển khai thực tế, đúc rút các kinh nghiệm thực tiễn và các vướng mắt trong khâu vận hành, văn bản quy trình cần được cập nhật định kỳ để hoàn thiện và phù hợp với thực tế hơn. Cụ thể như sau:
Khung chương trình tài trợ tín dụng chuỗi cung ứng đã được xây dựng, về cơ bản tác giả đánh giá đã đầy đủ. Việc xây dựng chương trình tài trợ chuỗi cung ứng cụ thể do đầu mối tổ dự án thực hiện, phối hợp cùng các phòng ban từ đơn vị quản lý khách hàng tùy thuộc vào đối tượng khách hàng là doanh nghiệp hay cá nhân. Các chương trình chủ yếu tập trung khai thác vào từng đối tượng khách hàng là doanh nghiệp hay cá nhân đơn thuần, chưa đánh giá được tổng thể giải pháp chuỗi cung ứng khép kín cũng như chưa ràng buộc được trách nhiệm và quyền lợi của toàn bộ đối tượng tham gia vào chương trình triển khai chuỗi cung ứng. Sự gắn kết giữa các ngân hàng chuyên doanh cần được củng cố, thay vì định kỳ chỉ tổng hợp số liệu thực hiện của đơn vị mình quản lý. Các đầu mối cán bộ quản lý khách hàng Doanh nghiệp cốt lõi cần chủ động và hỗ trợ cung cấp thông tin các khách hàng cá nhân tiềm năng cho cán bộ quản lý khách hàng bán lẻ. Tầm ảnh hưởng của khách hàng Doanh nghiệp cốt lõi đối với việc triển khai chuỗi cung ứng là không thể phủ nhận, tỷ lệ thuận với việc các đơn vị bán lẻ đang phụ thuộc chủ yếu vào đơn vị tiếp cận khách hàng Doanh nghiệp cốt lõi. Vì vậy chương trình triển khai tại MSB cần thiết ban hành các nội dung khuyến khích và hướng dẫn quy trình luồng thông tin hai chiều, làm rõ và đề cao tầm quan trọng của các cá nhân tham gia. Đơn vị quản lý khách hàng cá nhân mở rộng quy mô tìm kiếm,
tiếp cận ví dụ như: các khách hàng cá nhân là người tiêu dùng thông thường, cũng có thể là các chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, là những người có tri thức và địa vị trong xã hội. Tận dụng những mối quan hệ khai thác được, đơn vị quản lý khách hàng cá nhân có thể giới thiệu ngược lại để MSB tiếp cận các doanh nghiệp và giới thiệu sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng.
Các đơn vị bộ phận tham gia soạn thảo quy trình nội bộ của MSB về tài trợ chuỗi cung ứng hiện tại bao gồm các cá nhân là thành viên tổ dự án triển khai chuỗi cung ứng. Do đây là tổ dự án thành lập ảo, tập hợp các cán bộ có năng lực và kinh nghiệm chuyên môn từ các đơn vị trong nội bộ MSB như: trung tâm giải pháp nghiệp vụ tín dụng và phi tín dụng, trung tâm giải pháp chuỗi cung ứng, ngân hàng chuyên doanh, khối quản lý rủi ro… nên không tránh khỏi về việc chồng chéo chức năng nhiệm vụ của cá nhân. Tác giả xin đề xuất bổ sung các đơn vị tham gia soạn thảo quy trình tài trợ chuỗi cung ứng như sau:
Khối chiến lược cần tham gia vào quy trình soạn thảo ngay từ giai đoạn trình nhận diện khách hàng và sơ lược chương trình chuỗi cung ứng để có thể tham mưu và đề xuất các giải pháp tổng thể triển khai tài trợ chuỗi cung ứng khép kín.
Khối pháp chế: là đơn vị sẽ rà soát đánh giá tổng hợp toàn bộ nội dung của chương trình sản phẩm, đảm bảo tuân thủ quy định chung của MSB và pháp luật.
Khối công nghệ: tham gia với vai trò tư vấn và đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp hoàn thiện các ứng dụng công nghệ 4.0 và phù hợp với thực trạng công nghệ tại MSB.
Khối vận hành tác nghiệp đã tham gia vào tổ dự án, tuy nhiên đề xuất bổ sung chức năng kiểm thử sản phẩm, phối hợp cùng khối công nghệ để rà soát sản phẩm trước khi đưa vào triển khai, nhằm hạn chế tối đa các tổn thất về chi phí và rủi ro làm mất uy tín ngân hàng khi thực tế triển khai không hiệu quả hoặc gây ra lỗi nghiệp vụ cho khách hàng.
Về quy trình xin phê duyệt chương trình chuỗi cung ứng tại MSB, hiện tại đang tốn khá nhiều thời gian và trải qua nhiều bước thực hiện như sau:
SOE/EB trình
HĐTD&ĐT/HĐQT về cấp tín dụng cho khách hàng Doanh nghiệp cốt lõi
Trung tâm giải pháp trình UBQLRR về nhận diện khách hàng Doanh nghiệp cốt lõi và sơ bộ chương trình tài trợ chuỗi cung ứng
Trung tâm giải pháp trình Hội đồng nhân sự về thành lập tổ dự ánTrung tâm giải pháp trình Hội đồng sản phẩm về chương trình tài trợ chuỗi cung ứng
Hình 3.1: Quy trình các cấp phê duyệt tài trợ chuỗi cung ứng (Nguồn: MSB, 2019)
Tác giả xin đề xuất quy trình phê duyệt như sau để rút ngắn thời gian phê duyệt dựa trên quy tắc vẫn đảm bảo tuân thủ quy định và giảm thiểu rủi ro cho MSB:
Đơn vị SOE/EB phải phối hợp với trung tâm giải pháp để đồng hành và cùng tiếp cận khách hàng Doanh nghiệp cốt lõi. Tại thời điểm trình HĐQT về hạn mức tín dụng cho khách hàng Doanh nghiệp cốt lõi, phải có đề xuất tổng thể về việc triển khai chuỗi cung ứng. Như vậy tại thời điểm này, đã rút ngắn được giai đoạn trình nhận diện khách hàng Doanh nghiệp cốt lõi.
UBQLRR phê duyệt về quy mô chương trình tài trợ chuỗi cung ứng; đối tượng, phạm vi, mục đích tài trợ chuỗi cung ứng; đồng thời đưa ra các nguyên tắc cơ bản về việc triển khai chương trình tài trợ chuỗi cung ứng.
Theo quy định hiện hành tại MSB, Tổng giám đốc là Chủ tịch của các hội đồng sản phẩm và Hội đồng Nhân sự, vì vậy tích hợp tờ trình có đầy đủ nội dung cụ thể về việc triển khai, nhân sự tham gia, cơ chế thực hiện và kinh phí dự trù, thay vì phải trình cục bộ và trình lần lượt tới các hội đồng.
Đặc biệt, cần bổ sung thêm các văn bản hướng dẫn cách ứng xử khi phát hiện và xử lý các rủi ro phát sinh trong quá trình triển khai tài trợ chuỗi cung ứng. Hiện tại
MSB chưa có văn bản áp dụng riêng đối với các chương trình tài trợ chuỗi cung ứng mà chỉ có quy trình ứng xử khi phát sinh các rủi ro hoạt động. Vì vậy tác giả cho rằng trong thời gian tới cần có văn bản hướng dẫn các ứng xử cơ bản khi phát hiện và xử lý các rủi ro trong quá trình tài trợ chuỗi cung ứng. Để thực hiện được điều này cần tổng hợp ý kiến từ các đơn vị quản lý khách hàng trực tiếp để lấy thông tin về các rủi ro phát sinh hoặc các vướng mắc trong quá trình thực tế, đồng thời chú trọng nguyên tắc kiểm soát chéo các nghiệp vụ tác nghiệp trên hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo các yếu tố an toàn như: nghiệp vụ về giải ngân, nghiệp vụ về phát hành bảo lãnh, phát hành L/C, nghiệp vụ thu hộ tiền điện, nghiệp vụ chuyển tiền,… Văn bản cần thiết phải làm rõ được các loại rủi ro như: rủi ro từ tác nghiệp, rủi ro do khách hàng, rủi ro từ nguyên nhân khách quan,… tương ứng với từng loại rủi ro đó là các ứng xử khác nhau. Phải lượng hóa được một số rủi ro, tương ứng với mức độ rủi ro để phân công các cấp bậc phòng ban vị trí để xử lý rủi ro. Các hành động ứng phó rủi ro phải đảm bảo nguyên tắc quản trị rủi ro tại MSB và dựa theo mô hình 3 tuyến độc lập được bố trí như sau:
• Tuyến bảo vệ thứ nhất có chức năng nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro.
Tuyến bảo vệ này là các ngân hàng chuyên doanh, đơn vị trực tiếp quản lý khách hàng trong chuỗi cung ứng.
• Tuyến bảo vệ thứ hai có chức năng xây dựng chính sách quản trị rủi ro tín dụng, quy trình nội bộ về quản trị rủi ro tín dụng, đo lường, theo dõi rủi ro tín dụng và kiểm tra tuân thủ quy định pháp luật. Tuyến bảo vệ này bao gồm nhiều phòng ban rải khắp trong chương trình giải pháp chuỗi cung ứng như: đơn vị soạn thảo quy trình, đơn vị thẩm định hồ sơ cấp tín dụng, bộ phận quản lý danh mục, bộ phận quản lý hiệu suất, trung tâm thúc đẩy bán,….
• Tuyến bảo vệ thứ ba là bộ phận kiểm toán nội bộ chịu trách nhiệm đưa ra các nhận
định độc lập về công tác quản trị rủi ro tín dụng.
Việc phát hiện rủi ro phải được thực hiện ở cả ba tuyến độc lập. Đặc biệt đối với các đơn vị tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, cần phải được truyền thông về quy tắc ứng xử khi phát hiện rủi ro và các bước thực hiện để ứng phó với rủi ro.
Đối với tài trợ theo chuỗi cung ứng thì công cụ quản trị rủi ro quan trọng nhất là việc theo dõi được dòng tiền thanh toán trong chuỗi cung ứng. Khi việc tài trợ các khách hàng trong chuỗi cung ứng chỉ dựa vào việc hiểu biết chuỗi cung ứng và uy tín của nhà tài trợ thì Ngân hàng có thể coi nguồn thu của doanh nghiệp là tài sản bảo đảm vững tin nhất khi cấp tín dụng. Đối với mỗi một phương án kinh doanh tài trợ theo chuỗi cung ứng, Ngân hàng chịu trách nhiệm theo dõi về tiến độ thực hiện hợp đồng đầu ra, thời điểm giao hàng, phương thức và tiến độ thanh toán. Hiện nay MSB đã xây dựng được hệ thống phần mềm tự động theo dõi các tiêu chí này. Tuy nhiên việc khởi tạo các thông tin này trên hệ thống vẫn phải nhập liệu thủ công và rất nhiều chi tiết như: ngày hợp đồng, ký hiệu hơp đồng, tên khách hàng, tên người mua, giá trị hợp đồng, tiến độ thanh toán, phương thức thanh toán, số tài khoản ghi trên hợp đồng, ngày dự kiến giao hàng, ngày dự kiến thanh toán,… Việc ghi nhận thủ công và quá chi tiết tốn nhiều thời gian và phát sinh rủi ro do yếu tố chủ quan nhập liệu. Vì vậy tác giả đề xuất giải pháp đưa ra đối với các khách hàng truyền thống, đã phát sinh giao dịch với MSB như sau:
• Nguyên tắc MSB tài trợ chuỗi cung ứng trên cơ sở toàn bộ các giao dịch của khách
hàng phải chuyển qua tài khoản mở tại MSB. Vì vậy khách hàng có cam kết về việc luôn chỉ định tài khoản thanh toán của khách hàng trên các hợp đồng kinh tế là tài khoản mở tại MSB.
• Tại website của ngân hàng thực hiện mở rộng nội dung để doanh nghiệp dễ dàng điền
thông tin về phương án kinh doanh dự kiến: số hợp đồng kinh tế, giá trị hợp đồng, ngày hợp đồng, thời gian giao hàng, thời gian thanh toán dự kiến,… Mỗi doanh nghiệp sẽ có một mã số bí mật để thực hiện ghi nhận và đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp.
• Các thông tin mà Doanh nghiệp cung cấp trên website sẽ được tích hợp tới hệ thống
phần mềm quản lý dòng tiền của ngân hàng. Như vậy ngay trong thời gian doanh nghiêp chuẩn bị hồ sơ cung cấp tới ngân hàng thì hệ thống công cụ tại MSB đã sẵn sàng hỗ trợ các bước tiếp theo. Việc này cũng giúp rút ngắn các thủ tục về hồ sơ cho doanh nghiệp, cán bộ ngân hàng dễ dàng tiếp cận về phương án tài trợ và hướng
dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục về hồ sơ, giảm thiểu tối đa tình trạng thiếu hồ sơ và phải cung cấp nhiều lần.
Hệ thống phần mềm quản lý của MSB tự động gửi cảnh báo khi nguồn tiền thanh toán về tài khoản của khách hàng mở tại MSB. Tuy nhiên việc ứng xử tiếp theo đối với nguồn tiền này thì vẫn đang thực hiện thủ công. Cụ thể: ngân hàng chủ động thu nợ khi tiền về tài khoản khách hàng hoặc chưa thủ nợ nhưng phong tỏa lại tại tài khoản khách hàng. Với các khoản phong tỏa này, khách hàng có thể linh hoạt đề nghị rút ra để bổ sung vốn lưu động với điều kiện khách hàng phải bổ sung được các dòng tiền mới sẽ về tài khoản tại MSB trong thời gian còn lại của khế ước vay. Cụ thể, khách hàng phải xuất trình được hợp đồng đầu ra mới và các khoản phải thu đã hình thành, đảm bảo nguồn thu phải về trong thời gian còn lại của khoản vay. Đây là một trong những nội dung vượt trội của MSB so với các đối thủ cạnh tranh, tuy nhiên để làm tốt việc này phải huy động nguồn lực lớn về nhân sự có chuyên môn nghiệp vụ tốt. Tác giả xin đề xuất giải pháp các cảnh báo về nguồn tiền sắp về phải được gửi trước thời điểm theo ghi nhận trên hợp đồng tối thiểu 3 ngày làm việc. Thay vì nhận thông báo khoản tiền đã về tài khoản và ứng xử bị động, nếu các thông tin này được gửi trước thời điểm khi dòng tiền về thì cán bộ ngân hàng sẽ chủ động hơn trong việc quản lý và theo dõi, đồng thời có các đề xuất phương án tốt hơn cho doanh nghiệp.