ngân hàng thương mại tại Việt Nam
Các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã bắt kịp xu hướng quốc tế và tung ra các gói giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng một phần hay chuỗi cung ứng khép kín từ rất sớm. Không thể không nhắc đến kinh nghiệm của một số ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Tecchombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Trong đó, Techcombank là ngân hàng đầu tiên công khai đưa tài trợ chuỗi cung ứng thành một danh mục sản phẩm riêng biệt. Các chương trình cụ thể của Techcombank gồm có: tài trợ nhà phân phối Masan, tài trợ doanh nghiệp là nhà thầu/nhà cung cấp của Coteccons, tài trợ kinh doanh ô tô, tài trợ đại lý hãng hàng không, tài trợ nhà phân phối hàng tiêu dùng, tài trợ đại lý vận chuyển hàng hóa của hãng hàng không. VPBank có chương trình tài trợ toàn bộ chuỗi cung ứng VEAM, còn BIDV nổi bật với hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xe tải, cùng các doanh nghiệp ngành điện. Có thể thấy, các chương trình tài trợ chuỗi cung ứng nêu trên đều gắn liền với một thương hiệu có uy tín trên thị trường. Đây là các doanh nghiệp cốt lõi mà ngân hàng đánh giá cao về năng lực tài chính và khả năng liên kết hệ sinh thái chuỗi cung ứng. Việc triển khai tài trợ các chuỗi cung ứng trên có thành công hay không đều phụ thuộc chủ yếu vào sự hợp tác chiến lược của ngân hàng và doanh nghiệp cốt lõi. Đặc điểm chung của các chương trình này là tỷ lệ tài trợ vốn cao, thời hạn vay dài, cạnh tranh về chi phí và lãi suất, yêu cầu tỷ lệ tài sản bảo đảm thấp hoặc thậm chí tín chấp và hướng tới thủ tục gọn nhẹ. Các chương trình thiết kế riêng phù hợp với đặc điểm từng chuỗi liên kết góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dòng tiền cho doanh nghiệp, giảm rủi ro trong tài trợ và gia tăng lợi ích từ tài trợ khép kín chuỗi cung ứng/phân phối. Các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các hình thức tín dụng đa dạng (thấu chi, cho vay ngắn hạn, bảo lãnh…) phục vụ hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, các khoản cấp vốn cho doanh nghiệp được ngân hàng linh hoạt áp dụng chính sách bảo đảm bằng hàng hoá luân chuyển là ưu đãi lớn so với khách hàng thông thường.
Tuy vậy, có thể nói chưa có một thống kê hay đánh giá nào về hiện trạng rủi ro tài trợ chuỗi cung ứng của hệ thống Ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Hơn thế, chưa có một ngân hàng thương mại nào tại Việt Nam hiện nay có ban hành các báo cáo hay phân tích về rủi ro trong tài trợ các chuỗi cung ứng của chính ngân hàng mình. Lý giải cho hiện trạng này là do các ngân hàng tập trung hoạt động quản trị rủi ro theo các loại hình rủi ro chính như: quản trị rủi ro tín dụng, quản trị rủi ro hoạt động, quản trị rủi ro thị trường, quản trị rủi ro danh mục,…. Tuy nhiên việc nhận dạng các rủi ro trong tài trợ chuỗi cung ứng đã được các ngân hàng thương mại tại
Việt Nam quan tâm và thực hiện từ những bước đầu khi triển khai các gói tài trợ chuỗi cung ứng. Thông qua việc nghiên cứu đặc trưng đặc thù của từng chuỗi cung ứng và định hướng chiến lược của ngân hàng về hợp tác chuỗi cung ứng đó, ngân hàng nhận diện các rủi ro từ chính các nghiệp vụ và hình thức tài trợ, so sánh điểm mạnh điểm yếu với đối thủ và mức độ hợp tác của doanh nghiệp cốt lõi. Tuy mô hình kinh doanh và cơ cấu của từng ngân hàng là khác nhau nhưng mô hình chung đều làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận, từng cá nhân, đặc biệt đều quan tâm và nhấn mạnh công tác quản trị rủi ro, mục tiêu cân đối quản trị rủi ro với lợi ích đem lại cho ngân hàng.
So với Techcombank hay BIDV, MSB là ngân hàng đi sau trong triển khai các chương trình tài trợ chuỗi cung ứng. Lĩnh hội kinh nghiệm của các tổ chức tín dụng, tận dụng lợi thế sẵn có về mạng lưới phòng giao dịch, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và tệp khách hàng hiện hữu, MSB đã tận dụng thời cơ thành công, vận dụng trong từng thời điểm để triển khai các chương trình tài trợ chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh về giá phí và lãi suất trong lịch sử sẽ dần dần được đào thải, thay vào đó ngân hàng sẽ hướng đến việc cung cấp hệ thống tiện ích đối với hệ sinh thái chuỗi cung ứng.
CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG TÀI TRỢ CHUỖI CUNG ỨNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP HÀNG HẢI VIỆT NAM