Tác động của đại dịch Covid-19 đến hệ thống ngân hàng

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán thẻ tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Sở giao dịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19. (Trang 70 - 72)

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 chính thức được ghi nhận từ đầu tháng 2/2020. Song, tác động lớn nhất của dịch bệnh này đến kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng bắt đầu từ giữa tháng 2/2020, đặc biệt nghiêm trọng trong tháng 3 tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2020 (đây là khoảng thời gian cả nước thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách lý xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ).

Ðẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn

Trong những tháng cuối năm, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn. Trong đó, tập trung thu hút nguồn vốn trung, dài hạn. Cụ thể, ngay khi bước vào tháng 12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín đã công bố một chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn bảy năm, trong đó năm đầu tiên lãi suất của sản phẩm này ở mức 7%/năm; từ năm thứ hai trở đi sẽ lấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của bốn NHTM Nhà nước ngày 26-11-2020 và cộng thêm 1,2% để ra lãi suất cho chứng chỉ tiền gửi thời kỳ tiếp theo. Mục đích của việc phát hành loại chứng chỉ tiền gửi này là tăng quy mô vốn của ngân hàng và tăng nguồn vốn trung, dài hạn, nâng cao các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và cơ cấu nguồn vốn huy động của Sacombank theo hướng ổn định.

Tập trung duy trì hoạt động tín dụng cũ trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của hệ thống ngân hàng suy giảm

Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước tính đến cuối tháng 5/2020, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019 (mức thấp nhất trong khoảng 15 năm), mặc dù các NHTM đã đồng loạt hạ lãi suất, đồng thời tung ra các gói tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh khâu kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là do nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và người dân, hộ gia đình quá thấp.

Mức tăng này thấp hơn khá nhiều so với con số 7,33% của nửa đầu năm 2019. Thực tế này phản ánh hoạt động kinh doanh của DN, hộ kinh doanh gặp nhiều khó

khăn, không có nhu cầu vay vốn. Vốn tín dụng của các NHTM cho vay ra chưa được như kỳ vọng.

Ngân hàng tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các lĩnh vực như xuất khẩu tăng khoảng 8%; nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6,5%; DN nhỏ và vừa tăng khoảng 8,2%. Nếu xét theo ngành kinh tế thì ngành thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 9%; ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 7,6%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 7,89%.

Lợi nhuận sau thuế

Thu nhập lãi thuần chiếm 78% tổng thu nhập hoạt động của một số NHTM đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, trong khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi từ các hoạt động còn lại chiếm lần lượt 9,8% và 12,2%, giảm đáng kể so với mức 11,8% và 15,2% trong quý IV/2019.

Lợi nhuận sau thuế giảm 11,5% so với quý IV/2019. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ quý II/2018 nhưng không trên nền tăng trưởng cao của các quý trước như quý II/2018 và chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ trong khi quý II/2018 tăng trưởng 49,6% so với cùng kỳ. Số liệu về lợi nhận sau thuế của các NHTM thực tế vẫn chưa phản ánh đầy đủ chi phí dự phòng có thể gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở mức độ lớn.

Lãi cận biên các ngân hàng thương mại

Lãi cận biên (NIM), là khoảng cách chênh lệnh chi phí đầu vào nguồn vốn và lãi suất cho vay của các NHTM. Đây là chỉ tiêu tài chính quan trọng phản ánh hiệu quả hoạt động tín dụng của các NHTM. NIM của một số NHTM đang niêm yết giảm 1,1 điểm cơ bản so với cuối năm 2019 xuống còn 0,87%.

Cơ cấu thu nhập các ngân hàng thương mại

Đến cuối tháng 12/2020, hệ thống các TCTD, kể cả công ty tài chính đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 151 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, các TCTD cũng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng, với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD cũng thực hiện cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đến cuối tháng 12/2020 khoảng 770 nghìn tỷ

đồng cho khoảng gần 200 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Thu nhập lãi thuần của NHTM vẫn chiếm tỷ trọng lớn, gần 80% trong cơ cấu thu nhập nhưng có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019, dự báo đến hết năm 2020 sẽ tiếp tục giảm do giảm lãi vay, miễn giảm lãi cho khách hàng.

Nợ xấu các ngân hàng thương mại

Trong quý I/2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của NHTM tăng từ 1,44% cuối quý IV/2019 lên 1,65%. Có 6 ngân hàng công bố thuyết minh trái phiếu VAMC với tổng dư nợ là hơn 4,85 nghìn tỷ đồng, giảm từ mức 6 nghìn tỷ đồng cuối năm 2019. Cũng trong quý I/2020, tỷ lệ tạo mới nợ xấu của NHTM là 0,23%, tăng mạnh so với 7 quý trước và tương đương mức quý I/2018.

Theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngân hàng có thể quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ 23/1-28/3/2020, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nếu không có việc cơ cấu lại này, tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong quý I/2020 sẽ ở mức cao hơn. Điều này sẽ tương tự trong các quý sau, khi đến 20/5/2020 con số dư nợ được cơ cấu lại đã là gần 151 nghìn tỷ đồng.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán thẻ tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Sở giao dịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19. (Trang 70 - 72)