Phân loại Tín dụng ngân hàng

Một phần của tài liệu LƯU THÀNH TRUNG-1906030290-TCNH26A (Trang 25 - 27)

Tùy theo các tiêu thức khác nhau mà tín dụng ngân hàng có thể phân thành các loại khác nhau. Sau đây là các cách phân loại tín dụng ngân hàng phổ biến:

a) Căn cứ vào hình thức cấp tín dụng:

- Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

- Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng thông qua việc mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

- Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận.

- Chiết khấu là việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.

- Tái chiết khấu là việc chiết khấu các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán.

- Cho thuê tài chính: Là hoạt động cấp tín dụng trung và dài hạn dựa trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài sản giữa Tổ chức cho thuê tài chính và Khách hàng thuê đáp ứng một số điều kiện nhất định về thuê tài chính.

- Thư tín dụng nhập khẩu (L/C nhập khẩu): Theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thư tín dụng là một phương thức thanh toán đồng thời cũng là một hình thức cấp tín dụng. Thư tín dụng là một cam kết thanh toán có điều kiện bằng văn bản của một tổ chức tài chính đối với người thụ hưởng L/C với điều kiện người thụ hưởng phải xuất trình bộ chứng từ phù hợp với tất cả các điều khoản được quy định trong L/C, phù hợp với Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (UCP)

được dẫn chiếu trong L/C, phù hợp với Tập quán ngân hàng, tiêu chuẩn quốc tế dùng để kiểm tra chứng từ trong phương thức tín dụng thư chứng từ.

- Trái phiếu doanh nghiệp: là một hình thức huy động vốn của Doanh nghiệp và thường có thời hạn trên 01 năm. Tuy nhiên, trong trường hợp người mua trái phiếu Doanh nghiệp là ngân hàng, ta cũng có thể hiểu đây là một hình thức cấp tín dụng của ngân hàng đối với doanh nghiệp.

b) Căn cứ theo thời gian cấp tín dụng:

- Cấp tín dụng ngắn hạn: là hình thức cấp tín dụng có thời hạn đến 01 năm; - Cấp tín dụng trung hạn: là hình thức cấp tín dụng có thời hạn từ trên 01 năm đến 05 năm;

- Cấp tín dụng dài hạn: là hình thức cấp tín dụng có thời hạn trên 05 năm;

c) Căn cứ vào mục đích cấp tín dụng:

- Cấp tín dụng bổ sung vốn lưu động: là hình thức cấp tín dụng tài trợ vốn cho nhu cầu vốn lưu động còn thiếu của doanh nghiệp trong một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường nhằm bù đắp sự chênh lệch giữa kỳ hạn, giá trị của tài sản và nguồn vốn trong Doanh nghiệp. Cấp tín dụng bổ sung vốn lưu động thường là cấp tín dụng ngắn hạn, phụ thuộc vào thời gian quay vòng vốn lưu động của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và có nguồn trả nợ chủ yếu là nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng sau khi kết thúc chu kỳ kinh doanh.

- Cấp tín dụng đầu tư tài sản cố định, đầu tư dự án: Là việc cấp tín dụng phục vụ cho nhu cầu mua sắm các tài sản cố định và thực hiện các Dự án đầu tư của Doanh nghiệp. Cấp tín dụng đầu tư TSCĐ/ đầu tư dự án là hoạt động cấp tín dụng trung, dài hạn, phụ thuộc vào thời gian thu hồi vốn theo đánh giá của Doanh nghiệp cũng như thẩm định của Ngân hàng. Nguồn trả nợ chủ yếu đến từ dòng tiền khấu hao TSCĐ và lợi nhuận.

d) Căn cứ vào biện pháp bảo đảm:

- Cấp tín dụng có biện pháp bảo đảm: là hình thức cấp tín dụng dựa trên cơ sở có biện pháp bảo đảm như: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh của người thứ ba… và các hình thức, biện pháp bảo đảm khác được Ngân hàng chấp thuận.

- Cấp tín dụng không có bảo đảm: là hình thức cấp tín dụng không được bảo đảm bằng các biện pháp như trên mà chỉ dựa trên uy tín của Khách hàng.

Một phần của tài liệu LƯU THÀNH TRUNG-1906030290-TCNH26A (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)