1.3.3.1.Từ phía ngân hàng:
+ Quy định, quy trình, chính sách: Các quy định, quy trình, chính sách của ngân hàng về lĩnh vực tín dụng là một hệ thống các văn bản nội bộ điều chỉnh các hoạt động tín dụng của ngân hàng nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình thẩm định tín dụng, cấp tín dụng, kiểm tra sau cho vay và công tác thu hồi nợ. Theo đó, quy định và quy trình gọn nhẹ, hiệu quả là điều mà các NHTM đều hướng tới, giúp tiết giảm thời gian, tốc độ tác nghiệp đồng thời vẫn đảm bảo quản trị tốt rủi ro tín dụng. Chính sách tín dụng đóng vai trò định hướng mục tiêu phát triển tín dụng của ngân hàng từng thời kỳ nhằm khai thác tối đa các điểm mạnh của ngân hàng, tận dụng cơ hội và giảm thiểu các rủi ro tiềm tàng.
+ Kiểm soát nội bộ: theo mô hình ba tuyến phòng thủ, kiểm soát nội bộ là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc tối đa hóa hiệu quả của các công cụ kiểm soát rủi ro, hạn chế tối đa rủi ro từ các hoạt động tín dụng của ngân hàng.
+ Con người: yếu tố con người là một trong những yếu tố quan trọng nhất, mang tính chất quyết định đối với hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Cán bộ ngân hàng là cầu nối giữa khách hàng và ngân hàng, là người trực tiếp thực hiện các quy định, quy trình và chính sách của ngân hàng, thẩm định phương án vay và đưa ra
quyết định về việc cấp tín dụng. Để có thể nâng cao chất lượng tín dụng, ngân hàng cần thu hút được đội ngũ nhân sự tốt, có trình độ chuyên môn cao, có kiến thức và am hiểu sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
+ Chất lượng thẩm định tín dụng, kiểm tra sau cho vay: Chất lượng thẩm định và kiểm tra sau cho vay cũng là một nhân tố có tính ảnh hưởng cao đối với chất lượng tín dụng. Việc kiểm tra sau cho vay cũng giúp ngân hàng nắm rõ dòng tiền, kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, kịp thời phát hiện những nguy cơ phát sinh nợ quá hạn/nợ xấu để có biện pháp chủ động xử lý.
+ Công nghệ thông tin: Công nghệ hiện đại giúp cắt giảm thời gian tác nghiệp, giải phóng sức lao động, giúp hệ thống hóa, chuẩn hóa dữ liệu, cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời cho ban lãnh đạo nhằm đưa ra những định hướng và chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, yếu tố về công nghệ cũng góp phần tạo ra sự thuận tiện cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ ngân hàng.
+ Thông tin tín dụng: Thông tin tín dụng là một yếu tố quan trọng trong việc thẩm định và cấp tín dụng. Việc xây dựng được một hệ thống thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác giúp ích rất nhiều cho quá trình xét duyệt và thẩm định các khoản cấp tín dụng, hỗ trợ các cán bộ ngân hàng có thể đưa ra được những quyết định chính xác và kịp thời.
+ Nguồn vốn đầu vào, uy tín của NHTM: Các ngân hàng thương mại có uy tín cao thường có thể dễ dàng huy động vốn với mức lãi suất thấp, đồng thời, trong các quan hệ quốc tế cũng nhận được nhiều ưu đãi hơn về chính sách lãi suất, phí từ các đối tác. Chi phí đầu vào thấp sẽ tạo ra lợi thế giúp ngân hàng có thể đưa ra được những sản phẩm tín dụng với mức giá cạnh tranh, giúp thu hút những khách hàng tốt, giảm thiểu rủi ro tín dụng của ngân hàng.
1.3.3.2.Từ phía khách hàng:
+ Đạo đức và uy tín của khách hàng: Đạo đức của khách hàng là một trong những yếu tố quan trọng cần thẩm định trong quá trình xét duyệt khoản vay, đặc biệt đối với DNVVN. Việc đánh giá đạo đức của khách hàng phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan, kinh nghiệm của cán bộ ngân hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng nên xem xét trên một số khía cạnh khác như lịch sử tín dụng, thực tế kinh
doanh, tham khảo thông tin từ bên thứ ba… để có thể đánh giá khách hàng về đạo đức và uy tín của khách hàng.
+ Rủi ro thông tin: Một trong những đặc điểm của các DNVVN là thông tin thiếu minh bạch, số liệu tài chính thường không được kiểm toán. Do đó, cán bộ ngân hàng khó có thể nắm bắt được toàn bộ thông tin về doanh nghiệp, dẫn tới rủi ro thông tin bất cân xứng. Việc che đậy thông tin từ phía khách hàng có thể khiến cho quá trình thẩm định hồ sơ, cấp tín dụng cũng như kiểm tra sau cho vay không được thực hiện một cách hiệu quả, dẫn tới phát sinh rủi ro không thể thu hồi vốn vay cho ngân hàng.
+ Năng lực quản lý: Với quy mô nhỏ, thường mang yếu tố gia đình, năng lực điều hành của các chủ DNVVN còn nhiều hạn chế. Đây là một trong những nhân tố dẫn tới sự thua lỗ trong hoạt động của DNVVN, gián tiếp dẫn tới rủi ro tín dụng cho ngân hàng.
+ Năng lực tài chính: là một trong những yếu tố quyết định đến chính sách của ngân hàng đối với khách hàng đồng thời đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới rủi ro không thể hoàn trả nợ của khách hàng. Với những DNVVN có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, tình hình tài chính lành mạnh và tỷ lệ TSBĐ cao, ngân hàng thường có thể rút ngắn thời gian xét duyệt khoản vay cũng như đưa ra những chính sách cạnh tranh về phí, lãi suất. Ngược lại, với những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh yếu kém, thuộc nhóm khách hàng có rủi ro tín dụng cao hơn, ngân hàng thường áp dụng chính sách lãi suất, phí cao nhằm bù đắp rủi ro đồng thời cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong quá trình trước, trong và sau khi cấp tín dụng.
1.3.3.3.Các yêu tố bên ngoài:
+ Nền kinh tế: tình hình biến động của nền kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của NHTM và các doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN. Nếu nền kinh tế phát triển ổn định, kiểm soát tốt lạm phát sẽ giúp cho các DNVVN có nhiều cơ hội phát triển ổn định, NHTM giảm thiểu được rủi ro cấp tín dụng.
+ Môi trường chính trị, xã hội: Môi trường chính trị, xã hội ổn định mới có thể tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn cho các DNVVN. Ngược lại,
một môi trường chính trị bất ổn, thường xuyên diễn ra xung đột, vi phạm pháp luật, đình công, cấm vận… cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DNVVN, tác động tiêu cực đến khả năng hoàn trả nợ vay của DNVVN.
+ Các yếu tố pháp lý và chính sách của nhà nước: Hệ thống pháp lý đồng bộ, thống nhất và có tính tuân thủ cao góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng như doanh nghiệp, giúp phòng ngừa các rủi ro về pháp lý, thị trường.