Giáo dục, đào tạo về kiểm toán của người sử dụng thông tin

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. (Trang 47 - 48)

7. Kết cấu của luận án

1.2.2. Giáo dục, đào tạo về kiểm toán của người sử dụng thông tin

Một số nghiên cứu khác cũng xem xét khía cạnh giáo dục trong các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán như nghiên cứu của Bailey và cộng sự (1983), Monroe và Woodliff (1993), Epstein và Geiger (1994), Pierce và Kilcommins (1996), Koh và Woo (1998), Hussain và cộng sự (2018).

Theo Koh và Woo (1998), một số nghiên cứu đã thu thập được bằng chứng về sự ảnh hưởng của kiến thức của người sử dụng thông tin tới mức độ của khoảng cách kỳ vọng, chính vì vậy vai trò của giáo dục được đánh giá rất cao trong việc thu hẹp khoảng cách kỳ vọng. Nghiên cứu của Bailey và cộng sự (1983) tại Hoa Kỳ cũng cho thấy người sử dụng thông tin có kiến thức sẽ đặt ra ít trách nhiệm hơn đối với kiểm toán viên. Điều này cũng có nghĩa tồn tại khoảng cách kỳ vọng ở mức độ lớn hơn giữa kiểm toán viên với những người ít được đào tạo. Tương tự, Epstein và Geiger (1994) cũng cho rằng các nhà đầu tư có trình độ học vấn cao hơn (liên quan đến các kiến thức phân tích tài chính, đầu tư tài chính) có yêu cầu về mức độ đảm bảo của kiểm toán viên với mức độ thấp hơn. Do đó, Epstein và Geiger (1994) đã đưa ra đề xuất thông qua nhận thức của công chúng về bản chất và giới hạn của kiểm toán để thu hẹp khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán.

Monroe và Woodliff (1993) đã kiểm tra sự ảnh hưởng của giáo dục đối với sinh viên về nhận thức thông điệp được truyền tải thông qua báo cáo kiểm toán tại Australia. Nhóm đối tượng khảo sát được chia thành nhóm sinh viên (gồm sinh viên kiểm toán và marketing năm cuối) vào đầu, cuối học kỳ và kiểm toán viên. Nghiên cứu đã cho thấy nhận thức của sinh viên kiểm toán về trách nhiệm của kiểm toán viên, mức độ trung thực của thông tin tài chính và mức độ đảm bảo về triển vọng tương lai của doanh nghiệp đã thay đổi đáng kể từ đầu kỳ tới cuối kỳ. Cụ thể, những sinh viên được khảo sát tin rằng các kiểm toán viên chịu trách nhiệm thấp hơn nhiều, thông tin tài chính đáng tin cậy hơn và mức độ đảm bảo về triển vọng tương lai của doanh nghiệp được truyền đạt thông qua báo cáo kiểm toán thấp hơn. Như vậy, giáo dục có thể được coi là một nhân tố có tác động tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán. Trong một nghiên cứu khác, Monroe và Woodliff (1994) đã cho thấy sự khác biệt giữa nhận thức của người sử dụng thông tin và kiểm toán viên có kiến thức so với người sử dụng thông tin và kiểm toán viên ít có kiến thức hơn. Dựa trên kết quả nghiên cứu này, nhóm tác giả lại một lần nữa đề xuất giáo dục như một phương tiện để tăng mức độ nhận thức của mọi người nhằm giảm khoảng cách kỳ vọng.

Nghiên cứu của Hussain và cộng sự (2018) đối với nhóm sinh viên trước và sau khi học các lớp kiểm toán hay nghiên cứu của Pierce và Kilcommins (1996) với sinh viên kinh tế năm nhất, sinh viên kế toán tài chính năm nhất, năm hai và sinh viên năm ba có tham gia và không tham gia các lớp học tự chọn về kiểm toán đều cho thấy sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng khảo sát về mức độ nhận thức về kiểm toán.

Tóm lại, qua các nghiên cứu nêu trên, giáo dục luôn được đánh giá là một trong những phương pháp hiệu quả có khả năng thu hẹp khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán báo cáo tài chính các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. (Trang 47 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(175 trang)
w