7. Kết cấu của luận án
2.1.1. Lý thuyết niềm tin cảm tính (inspired confidence theory)
Lý thuyết niềm tin cảm tính được đề cập tới lần đầu trong nghiên cứu của Limperg vào năm 1926 và được Limperg tiếp tục phát triển, công bố trong các nghiên cứu kế tiếp vào năm 1932, 1933. Các nghiên cứu của Liperg được đánh giá là đóng vai trò quan trọng mang tinh chất tiên phong trong việc xây dựng lý thuyết liên quan đến kiểm toán. Tuy nhiên, các nghiên cứu của Limperg lại được viết bằng tiếng Hà Lan, chính vì vậy, Viện nghiên cứu Limperg đã dịch các nghiên cứu của Limperg sang tiếng anh và công bố vào năm 1985. Một số nghiên cứu sau này kế thừa và phát triển lý thuyết niềm tin cảm tính của Limperg như nghiên cứu của Mautz (1975) hay nghiên cứu của Hiệp hội kế toán Hoa Kỳ (1973), Hayes và cộng sự (2005).
Theo Limperg (1926), nhu cầu về dịch vụ kiểm toán là hệ quả trực tiếp của sự tham gia của các bên có liên quan bên ngoài vào công ty. Các bên liên quan đòi hỏi trách nhiệm từ ban quản lý, đổi lại sự đóng góp của họ cho công ty. Vì thông tin được cung cấp bởi ban quản lý có thể bị sai lệch, do có sự khác biệt giữa lợi ích của quản lý và các bên liên quan bên ngoài, nên cần phải kiểm toán thông tin này (Hayes và cộng sự, 2005). Liên quan đến mức độ đảm bảo mà kiểm toán viên cần cung cấp, công việc kiểm toán viên nên được thực hiện theo cách mà những kỳ vọng hợp lý của một người ngoài cuộc. Vì vậy, kiểm toán viên nên làm mọi thứ để đáp ứng mong đợi hợp lý của công chúng. Như vậy, theo lý thuyết này, các nghiên cứu đo lường khoảng cách kỳ vọng nên dựa vào mức độ kỳ vọng hợp lý của người ngoài cuộc thay vì lấy quan điểm của chính kiểm toán viên làm cơ sở để xác định độ lớn của khoảng cách kỳ vọng.
Limperg (1932) lập luận rằng kiểm toán viên có được chức năng chung của mình từ nhu cầu xã hội cần có chuyên gia và ý kiến độc lập. Chức năng bắt nguồn từ sự tin tưởng của xã hội đối với hiệu quả của cuộc kiểm toán (Mautz, 1975). Do đó, niềm tin này là điều kiện cho sự tồn tại của chức năng kiểm toán; một khi niềm tin này bị phản bội, chức năng của kiểm toán cũng không còn nữa (Hiệp hội kế toán Hoa Kỳ, 1973). Limperg (1932) cho rằng có hai trường hợp mà niềm tin có thể bị phá vỡ: một là khi kỳ vọng của xã hội bị phóng đại, nghĩa là nó vượt quá những gì
kiểm toán viên có khả năng thực hiện, hai là hiệu quả công việc do kiểm toán viên thực hiện không đạt yêu cầu. Ông nhận ra rằng nhu cầu của xã hội không phải là tĩnh. Các nhu cầu là luôn biến động và bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhận thức và môi trường.
Lý thuyết niềm tin cảm tính là cơ sở giải thích cho sự tồn tại của khoảng cách hợp lý – khi kỳ vọng của xã hội bị phóng đại, khoảng cách chất lượng kiểm toán – hiệu quả công việc của kiểm toán viên không đạt yêu cầu. Mặt khác, lý thuyết này cũng đóng vai trò là lý thuyết nền giải thích cho nhân tố kỳ vọng quá mức và nhân tố nhu cầu của người sử dụng thông tin có ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán.
Vấn đề trọng tâm trong nghiên cứu của Limperg (1926) có liên quan đến trách nhiệm xã hội của kiểm toán viên độc lập và các cơ chế có thể để đảm bảo kiểm toán đáp ứng nhu cầu xã hội. Khuôn mẫu của Limperg (1933) dựa trên mức độ hài lòng cao nhất có thể có của người sử dụng báo cáo tài chính liên quan đến công việc của kiểm toán viên. Để đạt được mục tiêu này, các kiểm toán viên phải thực hiện đủ công việc để đáp ứng những kỳ vọng mà họ đã khơi dậy trong xã hội. Chính vì vậy, luận án cho rằng kết quả của các công việc được người sử dụng thông tin kỳ vọng là ở mức tối đa 5 điểm (trong thang đo Likert 5) làm cơ sở để đo lường các thành phần và khoảng cách kỳ vọng nói chung. Lý thuyết niềm tin cảm tính cũng nhấn mạnh vai trò của kiểm toán viên trong việc đáp ứng nhu cầu xã hội, chính là cơ sở cho việc xác định các nhân tố liên quan đến kiểm toán viên trong có ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng trong kiểm toán như tính độc lập, năng lực của kiểm toán viên. Mặt khác, Limperg (1933) cũng cho rằng cần có cơ chế đảm bảo kiểm toán viên đáp ứng nhu cầu của xã hội, đó chính là cơ sở cho việc xác định các nhân tố liên quan đến cơ quan ban hành chuẩn mực kiểm toán như chuẩn mực về báo cáo kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán chưa đầy đủ.