3.3.2.1. Chính sách ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư trái phiếu
Trong lĩnh vực đầu tư trái phiếu, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán cân nhắc nghiên cứu, rà soát một cách tổng thể các loại thuế suất trong lĩnh vực đầu tư trái phiếu theo hướng khuyến khích kênh đầu tư dài hạn thông qua việc xem xét miễn, giảm các loại thuế suất đối với thu nhập trái phiếu, thuế giao dịch đối với các giao dịch repo trái phiếu, thuế thu nhập đối với các nghiệp vụ hoán đổi (swap)...
3.3.2.2. Xem xét chính sách thuế hợp lý cho quỹ mở
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 183/2011/TT-BTC ngày 16/12/2011 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở và có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2012. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có chính sách thuế cụ thể để khuyến khích nhà đầu tư tham gia các loại hình quỹ mới như quỹ mở. Về chính sách thuế đối với quỹ mở, theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động phát hành chứng chỉ quỹ (CCQ) lần đầu thuộc diện không chịu thuế GTGT, NĐT không phải trả thuế GTGT. Phát hành CCQ tương tự như phát hành cổ phiếu lần đầu, không có thu nhập nên không phải nộp thuế TNDN, điều này là hợp lý. Đến nay, Bộ Tài chính mới chỉ hướng dẫn những quy định liên quan đến việc Công ty quản lý quỹ thực hiện quản lý danh mục đầu tư có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập TNCN với mức 0,1% trên doanh số bán đối với các giao dịch chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân ủy thác đầu tư thực.
Trong thời gian tới Bộ Tài chính cần sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán, trong đó, tập trung khắc phục những bất hợp lý của chính sách thuế hiện tại. Ngoài ra, không nên áp dụng chính sách thuế đối với hoạt động mua hay bán chứng chỉ quỹ mở. Do bản chất của quỹ mở là quỹ đầu tư có thể phát hành liên tục chứng chỉ quỹ hay cổ phiếu ra công chúng và phải mua lại khi nhà đầu tư có yêu cầu thu hồi vốn. Ngược lại, đối với quỹ đóng thì sau khi phát hành chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư, quỹ sẽ không mua lại chứng chỉ quỹ khi nhà đầu tư có yêu cầu. Để tạo tính thanh khoản cho chứng chỉ quỹ đóng thì sau khi kết thúc việc huy động vốn, chứng chỉ quỹ sẽ được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán hay
được giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung và nhà đầu tư có thể thu hồi vốn bằng cách bán chứng chỉ quỹ trên các thị trường nói trên. Do chứng khoán của quỹ mở không được niêm yết, giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán nên khi nhà đầu tư có nhu cầu chuyển chứng chỉ quỹ thành tiền họ có quyền bán lại các chứng khoán cho Quỹ và Quỹ có nghĩa vụ mua lại chứng khoán này theo giá trị tài sản thuần của Quỹ tại thời điểm giao dịch. Do đó, về bản chất hoạt động mua bán chứng chỉ quỹ mở là hoạt động đầu tư góp vốn và thoái vốn ra khỏi quỹ của các nhà đầu tư.
3.3.2.3. Nâng cao chất lượng đào tạo các kiến thức về thị trường TPDN
Về góc độ nhà đầu tư, hiện nay số nhà đầu tư nhỏ lẻ (cá nhân) chiếm tới 90%, chỉ 10% còn lại thuộc về những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Nhìn nhận trình độ của nhà đầu tư cá nhân, phần lớn là những người không được đào tạo bài bản về thị trường chứng khoán. Các hoạt động đầu tư trong qua thường mang tính chất bầy đàn, không có sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về thị trường dưới góc độ khoa học. Nguyên nhân từ tình trạng này trước hết là do hệ thống giáo dục về thị trường chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn non kém.
Hầu hết nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam chưa được đào tạo bài bản mà mới chỉ tham gia các khóa học ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng. Tại các trường đại học có chuyên ngành Tài chính của Việt Nam có bộ môn thị trường chứng khoán nhưng tính thực tế còn chưa được đáp ứng, mức độ cập nhật chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu cho sinh viên khi ra trường. Nói cách khác, mức độ chuyên môn hóa về lĩnh vực chứng khoán sự sâu và sát với thực tế.
Như vậy, giải quyết vấn đề con người trước hết là phải cải tiến công tác giáo dục, đào tạo về thị trường chứng khoán. Các giáo trình học tập cần được các cơ quan chuyên môn (đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các viện nghiên cứu, Bộ Giáo dục - Đào tạo) nghiên cứu, xây dựng và phổ cập trong các lớp học. Công tác quản lý, kiểm soát các khóa học ngắn hạn, quy trình cấp chứng chỉ sau khóa học cũng cần thắt chặt để đảm bảo chất lượng đầu ra của học viên.
Vấn đề tiếp theo cần giải quyết là nhận thức của nhà đầu tư đối với TPDN. Hiện nay sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân đối với TPDN còn rất hạn chế. Nguyên nhân
bao gồm cả yếu tổ chủ quan và khách quan như: trình độ của nhà đầu tư, thiếu vắng nhà tạo lập thị trường, đội ngũ môi giới chưa chuyên nghiệp, hệ thống chính sách chưa hấp dẫn… Trong phần này, giải pháp về yếu tố con người là nhằm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư đối với TPDN thông qua công tác tuyên truyền, vận động.
Có ý kiến cho rằng thu nhập từ trái phiếu không hấp dẫn bằng cổ phiếu, và đó là lý do cơ bản khiến nhà đầu tư ít để ý tới loại chứng khoán này. Tuy nhiên, những lợi thế nhất định của TPDN đôi khi lại đảm bảo một mức thu nhập cao hơn cho nhà đầu tư. Cụ thể: Trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh sa sút, giá trị cổ phiếu trên thị trường sụt giảm sẽ khiến cho thu nhập của cổ đông bị ảnh hưởng. Nhưng nếu nhà đầu tư sở hữu trái phiếu của doanh nghiệp đó, cho dù kết quả kinh doanh bị giảm sút thì khi trái phiếu đáo hạn, thu nhập từ trái phiếu vẫn được đảm bảo theo một mức đã được thỏa thuận từ trước. Thậm chí, trường hợp doanh nghiệp bị phá sản thì với vị trí là chủ nợ, các trái chủ sẽ được ưu tiên thanh toán phần vốn đã bỏ ra trước khi trả cho các cổ đông.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp làm ăn phát đạt thì với những nhà đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi sẽ là cơ hội được sở hữu cổ phiếu có chất lượng trên thị trường. Vấn đề nhà đầu tư cần quan tâm ở đây là tỷ lệ chuyển đổi, hình thức chuyển đổi, mức lãi suất được doanh nghiệp công bố tại thời điểm phát hành.
Việc nắm trong tay những TPDN tốt, đồng thời thị trường TPDN hoạt động sôi nổi cũng sẽ là cơ hội để nhà đầu tư kiếm lời từ các giao dịch mua - bán, lợi nhuận thu về cũng không thua kém đầu tư cổ phiếu.
Từ phân tích trên đây, giải pháp cơ bản cần phải thực hiện là: Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, thường xuyên tổ chức các diễn đàn, các cuộc đối thoại về TPDN. Thông qua các sự kiện này, nhận thức của nhà đầu tư đối với TPDN sẽ được nâng lên. Hơn nữa, đây là cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu của nhà đầu tư để phát hành những trái phiếu phù hợp, đồng thời, doanh nghiệp cũng có dịp quảng bá, giới thiệu hình ảnh công ty nhằm tạo ra một lượng cầu trái phiếu nhất định. Một tác dụng nữa là cơ quan
quản lý Nhà nước sẽ có thêm nguồn thông tin về thị trường thông qua việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp và nhà đầu tư để từ đó có những quyết sách phù hợp trong từng thời kỳ. Tóm lại, hoạt động này sẽ tạo ra sự kết nối giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - nhà đầu tư, là cơ sở quan trọng để thị trường TPDN duy trì và phát triển đúng hướng.